Xin giấy phép xây dựng quy định 20 ngày nhưng thường phải 2 năm

16:14 27/06/2022

Nhiều dự án bất động sản “án binh bất động”; muốn triển khai một dự án phải mất nhiều năm xin phép; đất công xen cài trong các dự án nhà ở thương mại tồn tại lâu nay nhưng chưa có lối ra... là một trong nhiều bức xúc của doanh nghiệp tại Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp trên đàn khi thời gian gần đây, tình hình triển khai các dự án xây dựng về nhà ở trên địa bàn TPHCM khá trầm lắng. Còn đại diện Sở Xây dựng TP. HCM xin phép “khất nợ” một số vấn đề chưa thể trả lời ngay tại hội nghị, cam kết sẽ phối hợp với các sở ban ngành để tháo gỡ...

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị. 

Đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thông tin, mới đây nhất HoREA đã gửi tới UBND TP.HCM và Sở Xây dựng văn bản số 40/2022 báo cáo bổ sung lần thứ 3 kiến nghị của 10 doanh nghiệp đề nghị xem xét tháo gỡ “vướng mắc” của 11 dự án bất động sản, nhà ở thương mại đang bị ách tắc bởi các thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất, nghĩa vụ nhà ở xã hội, cũng như các quy định luật pháp liên quan.

Trước đó, HoREA cũng đã có văn bản số 14 tổng hợp kiến nghị của 57 doanh nghiệp và văn bản số 25 nêu các kiến nghị của 29 doanh nghiệp đề nghị xem xét tháo gỡ “vướng mắc” của 38 dự án bất động sản nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở tái định cư”. Như vậy, qua 3 báo cáo trên đã có tổng cộng 113 dự án trên địa bàn TP.HCM đang phải “trùm mền, đắp chiếu” bởi rất nhiều khó khăn, ách tắc.

“Các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng rất mong mỏi Sở Xây dựng TP.HCM tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích, đề xuất giải pháp để trình lên UBND thành phố, kiến nghị Chính phủ nhanh chóng tháo gỡ những ách tắc của doanh nghiệp, giúp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đúng hướng”, ông Châu đề nghị.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Lam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thông tin Tư vấn Kinh tế Thương mại Việt Nam cho rằng, có những vấn đề liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản… đến nay vẫn còn nhiều điều gây tranh cãi như quy định về hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu kiến trúc, cấp phép xây dựng… Vì vậy các cơ quan quản lý, sở ban ngành thực hiện theo đúng quy định luật pháp, song khi thực thi cần dựa trên căn cứ và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp theo quy định, điều luật nào để doanh nghiệp áp dụng triển khai chứ không thể để mỗi doanh nghiệp hiểu một kiểu, mỗi địa phương quận huyện áp dụng theo những quy định khác nhau. Quan trọng hơn hết để thu hút đầu tư thì trước tiên phải tạo ra môi trường minh bạch, bình đẳng.

Trả lời những vướng mắc doanh nghiệp nêu lên, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định, Sở Xây dựng luôn lắng nghe những ý kiến của doanh nghiệp, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng sẽ được tập hợp, chuyển xuống các phòng ban chuyên môn để cử cán bộ, thanh tra xuống địa bàn, quận huyện tìm hiểu giải quyết trên cơ sở thực tiễn. Vấn đề nào có thể phối kết hợp được với các sở ngành liên quan như Sở Tài nguyên môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc… sẽ tìm phương án tham mưu, trình lên UBND thành phố, trình Trung ương để nhanh chóng giải quyết vướng mắc, tồn tại, tạo ra môi trường lành mạnh, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Huỳnh Thanh Khiết cũng cho biết, hiện nay có khoảng 70 thủ tục và 40 quy trình liên quan đến sở phải xử lý về xây dựng. Trong khi đó, có nhiều quy định trong luật, nghị định vượt hoặc không đúng với tinh thần, chủ trương của UBND TPHCM, do đó sở đã kiến nghị rút ngắn trình tự thủ tục nhằm tạo điều kiện thông thoáng và tốt nhất cho người dân theo đặc thù của địa phương. Dẫn chứng trường hợp đất công xen cài trong các dự án nhà ở thương mại, hiện quy định buộc phải đấu thầu dù chỉ là 1m2.

Do đó, TPHCM không thể làm khác được nên phải đợi. Đối với việc xin phép xây dựng, theo quy định, hiện chỉ mất 15 ngày đối với xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ và 20 ngày với các dự án khác. Tuy nhiên, trong quá trình phê duyệt dự án, thực hiện theo các quy định còn liên quan đến tiền sử dụng đất, phân khu quy hoạch… nên thường mất bình quân trên dưới 2 năm, thậm chí trên 5 năm. Riêng hàng loạt dự án nhà ở đang “đứng hình” trên địa bàn TPHCM, theo Sở Xây dựng không phải ngừng hẳn mà do phải tạm ngừng để rà soát lại các quy trình, thủ tục và sẽ sớm có hướng dẫn triển khai cụ thể.

Bảo Châu