Mong ước cháy bỏng của người dân miền Tây

09:50 15/08/2022

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu cả nước. Nơi đây có dân số 17.367.169 người, đứng vị trí thứ 3 trong 6 vùng kinh tế – xã hội của quốc gia (cập nhật vào tháng 9/2021).

Điểm nhấn cho vùng hạ lưu dòng Mekong là khu vực tập trung nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu lớn, đặc biệt là cá tra, tôm và 1 số loài thủy sản khác. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL từ 17 - 18 triệu tấn/năm.

Một vùng kinh tế rất năng động với mật độ giao thương, du lịch, công tác, quan hệ đối tác, học tập hay thăm thân ở nước ngoài của 17 triệu dân và hàng ngàn lãnh đạo doanh nghiệp mỗi ngày một tăng và hết sức cần thiết.

Cứ ngỡ rằng, khi Tây Đô có sân bay quốc tế thì sẽ giải tỏa được cơn khát “thuận tiện - nhanh chóng - kinh tế” cho người dân miền Tây. Đồng thời, còn là đáp án cho bài toán về giảm gánh nặng chi phí, thời gian, công sức giúp cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân đỡ vất vả...

Lưa thưa tại sân bay Quốc tế Cần Thơ
Lưa thưa Khách tại sân bay Quốc tế Cần Thơ.

Rất nhiều người đến ĐBSCL và khi rời đi họ đều vô cùng ngán ngẩm bởi sự đơn điệu đến tẻ nhạt của Sân bay Quốc tế Cần Thơ. Dân số BĐSCL chiếm gần 1/3 dân số cả nước nhưng sân bay ở đây không có nổi 1 tuyến bay quốc tế, đường bay nội địa thì nghèo, dịch vụ còn khá thô sơ.

Phải chăng do Bộ GTVT, Cục Hàng Không Việt Nam dường như không mặn mà với miền Tây hay sao mà để Sân bay QT Cần Thơ cứ mãi hắt hiu qua nhiều năm thế này ???

Và hàng triệu người dân ĐBSCL hàng ngày còn phải chịu đựng cảnh ngồi xe hàng mấy tiếng đồng hồ để di chuyển từ TP HCM đến miền Tây. Đã vậy, cảnh ách tắt giao thông ngay tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới vừa được thông tuyến với mức thu phí không hề nhẹ chút nào.

Trái ngược với những hình ảnh yên ắng ở Sân bay QT Cần Thơ là tình trạng ùn tắc cả trên trời, nhà ga và cả phía ngoài đường ở khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (HKQT TSN) đang là câu chuyện gây nhiều phiền toái và bức xúc cho hành khách. 

La liệt chịu cảnh Delay tại Tân Sơn Nhất
Hành khách chịu cảnh Delay tại Sân bay Tân Sơn Nhất.

Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải vì các đường bay nội địa và quốc tế đổ dồn về, đặc biệt sau dịch Covid được kiểm soát thì lưu lượng người di chuyển qua CHK tấp nập hơn.

Nhiều ngày qua, tình trạng taxi hoạt động bát nháo, chèo kéo khách diễn ra liên tục tại Tân Sơn Nhất (Ảnh :ANTĐ)
Tình trạng taxi hoạt động bát nháo, chèo kéo khách diễn ra liên tục tại Tân Sơn Nhất.(Ảnh:ANTĐ).

Theo số liệu của Cảng vụ Hàng không miền Nam cho thấy, tổng chuyến bay qua CHKQT TSN dao động trong ngày khoảng 733 lượt chuyến, trong đó có 365 chuyến bay đi và 368 chuyến bay đến, với hơn 59.900 lượt ở chiều đi và khoảng 55.000 lượt khách đến TP HCM và các tỉnh phía Nam. Trong khi CHKQTTSN quá tải bao nhiêu thì Sân bay Quốc tế Cần Thơ lại vắng vẻ bấy nhiêu.

Vắng vẻ của Sân bay Quốc tế ở Tây Đô
Vắng vẻ Sân bay Quốc tế ở Tây Đô.

Phải khởi động thêm tuyến bay nội lẫn ngoại là giải pháp tốt nhất hiện nay, là mong ước cháy bỏng của người dân miền Tây đang phải chịu đựng cảnh dồn ép về TPHCM để được bay.  

Doanh nghiệp ĐBSCL đang gượng dậy khôi phục từng ngày vượt qua những hệ lụy sau 2 năm đại dịch tàn phá. Họ cũng đang kỳ vọng Sân bay Quốc tế Cần Thơ cần thay đổi tư duy vùng và bài toán hạ tầng để giảm bớt gánh nặng hàng loạt chi phí đang đè trên lưng người miền Tây.

Lời giải đang chờ Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam.

Văn Khánh