Xây dựng Luật Thủ đô: Mở rộng, nâng cấp một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để phát triển

11:15 28/02/2022

Dự thảo sửa đổi Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm: 16 chính sách, tập trung vào 4 định hướng lớn, trong đó tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp, giảm tầng nấc trung gian, năng động, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm mô hình chính quyền đô thị và nông thôn của Thủ đô.

Sáng 28/2/2022, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố tổ chức tọa đàm về một số cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trình bày báo cáo giải trình một số cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, quan điểm xây dựng luật nhằm sửa đổi toàn diện trên cơ sở kế thừa Luật Thủ đô hiện hành, đồng thời mở rộng, nâng cấp một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Ảnh minh họa
Tọa đàm Một số cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Dự thảo sửa đổi Luật Thủ đô gồm: 16 chính sách, tập trung vào 4 định hướng lớn, trong đó tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp, giảm tầng nấc trung gian, năng động, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm mô hình chính quyền đô thị và nông thôn của Thủ đô.

Tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thủ đô trên các lĩnh vực: tổ chức bộ máy chính quyền, biên chế, tài chính - ngân sách, đầu tư, xây dựng, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, an sinh xã hội, nông nghiệp, giữ gìn an ninh trật tự... nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của Thành phố.

Xây dựng những cơ chế chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế, phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, phù hợp điều kiện thực tiễn và mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội. Thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực phát triển của vùng, của đất nước.

Phát biểu tại tọa đàm, đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình, thống nhất với chủ trương và những cơ chế, chính sách nhằm sửa đổi Luật Thủ đô. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô phải khác với các địa phương khác. “Nếu chỉ dựa trên cơ chế chung thì không phải đặc thù, mạnh dạn trao quyền cho người đứng đầu song song với xử lý nghiêm vi phạm trong phân cấp, phân quyền“, đại biểu nói.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, cần nhìn nhận Thủ đô là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội hơn là trung tâm kinh tế để có định hướng phát triển phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách cần cân nhắc tính dài hạn. Bảo đảm quan hệ chặt chẽ với các chính sách của các địa phương khác... "Bài toán của Thủ đô không thuần túy là quản trị đô thị mà phải bảo đảm phát triển đa dạng, bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia cũng đề nghị Thành phố rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách sửa đổi Luật Thủ đô với các quy định pháp luật có liên quan, quan tâm lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động bởi các chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng báo cáo đánh giá tác động của các chính sách; có cơ chế cho công tác giải phóng mặt bằng nhằm tạo quỹ đất sạch cho quy hoạch...

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh, các đại biểu đã thống nhất nguyên tắc áp dụng pháp luật, phát huy được quy định mới khi sửa đổi Luật Thủ đô với những tính năng vượt trội, vai trò dẫn dắt…Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, phải đưa được những quan điểm, định hướng lớn; kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được khi thực thi luật hiện hành, và điều chỉnh, bổ sung mới những cơ chế, chính sách... theo tinh thần nội dung đề xuất cơ chế, chính sách mới phải ưu việt, vượt trội hơn chính sách cũ và bảo đảm tính khả thi.

TH