WHO: Hơn 50% dân số châu Âu có thể mắc Omicron trong hai tháng tới của năm 2022

23:07 11/01/2022

Ông Hans Kluge, Gám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO yêu cầu hành động ngay lập tức trước khi "làn sóng" Covid-19 "nhấm chìm" bộ máy y tế tại đây.

Hơn một nửa số dân châu Âu có nguy cơ mắc Omicron trong hai tháng tới
Hơn một nửa số dân châu Âu có nguy cơ mắc Omicron trong hai tháng tới. (Ảnh: AP)

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, hiện khu vực châu Âu đang đứng trước nguy cơ bùng phát lây nhiễm biến thể Omicron có nguy cơ tàn phá hệ thống y tế trên khắp châu lục, đồng thời cảnh hơn một nửa dân số tại đây sẽ nhiễm chủng Covid này trong hai tháng tới.

Theo ông Hans Kluge, khu vực đã ghi nhận hơn 7 triệu trường hợp mắc mới trong tuần đầu tiên của năm 2022, gấp đôi tỷ lệ hai tuần trước đó với hơn 1% dân số mắc Covid-19 mỗi tuần tại 26 quốc gia. Biến thể Omicron đã được báo cáo ở 50/53 tiểu bang châu Âu và dần trở thành chủng chủ đạo ở Tây Âu. Ông Kluge nhận định: "Với tốc độ này, hơn 50% dân số trong khu vực sẽ bị nhiễm Omicron trong vòng sáu đến tám tuần tới" và mô tả đây là quy mô lây nhiễm chưa từng có.

Dự đoán, biến thể sẽ tàn phá và để lại ảnh hưởng nặng nhề nhất ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chẳng hạn như Trung và Đông Âu. Tại Đan Mạch, số ca mắc Omicron tăng vọt trong những tuần gần đây, tỷ lệ nhập viện đối với người chưa tiêm chủng trong tuần lễ Giáng sinh cao gấp 6 lần người đã tiêm vắc xin.

Mặc dù có bằng chứng cho thấy Omicron tác động đến đường hô hấp trên nhiều hơn so với phổi, dẫn đến các triệu chứng nhẹ hơn nhưng theo WHO vẫn còn quá sớm để điều trị Covid như một căn bệnh đặc hữu. Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sánchez cũng đề nghị theo dõi sự tiến hóa của Covid-19 như đối với bệnh cúm, không cần ghi lại mọi trường hợp, không cần xét nghiệm diện rộng vì khả năng gây tử vong đã giảm dần. Tuy nhiên, Catherine Smallwood, quan chức cấp cứu cao cấp của WHO về châu Âu, chỉ ra để đến được giai đoạn nói trên còn đó một chặng đường dài. Bà cho hay: "Chúng ta vẫn còn quá nhiều điều không chắc chắn và các biến thể phát triển khá nhanh, đặt ra thách thức mới".

Cũng theo ông Kluge, trong khi vắc xin giúp bảo vệ sức khỏe, giảm ca bệnh nặng và tử vong thì số người nhập viện ngày càng trở thành rào cản đối với hệ thống y tế và cung cấp dịch vụ ở nhiều quốc gia. Ông cho biết những nước chưa bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của Omicron cần xem xét để hành động ngay bây giờ. Các chính phủ nên yêu cầu đeo khẩu trang chất lượng cao trong tất cả các không gian kín, đảm bảo tiêm đầy đủ vắc xin và liều tăng cường càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và dịch vụ thiết yếu.

Ông phân tích: "Khi Omicron ngày càng lan rộng, ưu tiên trước hết là tránh, giảm tác hại đối với người dễ bị tổn thương; giảm thiểu gián đoạn đối với hệ thống y tế và dịch vụ thiết yếu. Điều này có nghĩa là cần tăng cường tiêm chủng, khuyến cáo không tụ tập nơi đông người và chuyển sang làm việc, học tập từ xa cho đến khi đợt lây nhiễm qua đi". Bên cạnh đó, các nước nên ưu tiên làm xét nghiệm PCR cho người có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và triển khai xét nghiệm nhanh đối với công dân có nguy cơ tiếp xúc cao. Sau loạt động thái rút ngắn thời gian cách ly của một số chính phủ châu Âu nhằm giữ cho nền kinh tế tiếp tục duy trì, ông Kluge cho rằng chỉ khi cấp bách mới nên áp dụng biện pháp như vậy. Thời gian cách ly ngắn hơn cũng nên đi kèm điều kiện xét nghiệm nghiêm ngặt hơn, cân nhắc rủi ro, lợi ích.

TL