“Vua tương ớt” David Tran và tương ớt Sriracha làm nên “hiện tượng toàn cầu”

09:21 13/04/2021

Từ trước tới nay, tương ớt là món gia vị không thể thiếu trong hầu hết các bữa ăn của nhiều người, điều này cũng đúng với người Mỹ. Tại đất nước này, thương hiệu tương ớt Sriracha đã trở nên quá quen thuộc, tuy nhiên ít ai biết rằng người chế biến và sáng lập nên thương hiệu này là một người đàn ông nhỏ bé đến từ Việt Nam.

David Tran và tương ớt Sriracha. Nguồn ảnh: Internet
David Tran và tương ớt Sriracha. Nguồn ảnh: Internet.

David Tran là một doanh nhân gốc Việt sinh năm 1945. Đến Mỹ những năm 70 thế kỷ trước, David Tran nhận thức rõ nhu cầu ẩm thực của cộng đồng người châu Á tại Los Angeles cần gia vị cay. Cơ duyên đến với nghề sản xuất tương ớt trên đất Mỹ của ông cũng rất tình cờ. Một lần ông Tran vào cửa hàng tạp hóa ở khu Chinatown tại Los Angeles để mua một chai tương ớt nhập khẩu.

“Tôi nghĩ tương ớt đó không ngon lắm. Chúng tôi có thể làm một loại tương ớt ngon hơn”, ông Tran nhớ lại. Về nhà, ông bắt tay ngay vào việc thực hiện ý tưởng này. Vốn là người từng trồng ớt, sản xuất tương ớt và đem bán cho mọi người hồi còn ở Việt Nam, người đàn ông sinh năm 1945 này tự tin là mình sẽ thành công với nghề bán tương ớt “nhà làm” trên xứ sở cờ hoa.
Dù bị ngân hàng từ chối khoản vay vốn 200.000 USD (4,6 tỉ đồng), ông Tran vẫn quyết tâm khởi nghiệp kinh doanh tương ớt bằng số tiền tiết kiệm của gia đình là 50.000 USD vào những ngày đầu năm 1980. Sở dĩ ông đặt tên sản phẩm tương ớt của mình là Sriracha do những nguyên liệu ông nhập từ tỉnh Si Racha của Thái Lan. Cũng vì trùng tên một địa danh của Thái Lan nên David Tran không thể mua bản quyền tên gọi đó cho sản phẩm của mình. Song điều đó không phải là vấn đề lớn theo suy nghĩ của ông. 30 năm qua, David Tran cho rằng sản phẩm tương ớt mà mình làm ra luôn giữ được chất lượng ổn định, đặc biệt giá 4USD một hộp tương ớt được giữ nguyên kể từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Ông thuê một cửa hàng rộng gần 470 m2 ở khu Chinatown với giá 700 USD/tháng. Sản phẩm làm ra được ông chất lên xe tải và chở đến từng khu chợ, nhà hàng địa phương để chào bán. Lúc đó, ông Tran cũng chỉ mong muốn sản phẩm của mình sẽ được các tiệm phở Việt ưa chuộng và lớn hơn có thể là các nhà hàng châu Á ở quanh vùng Nam California.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet.
Nhưng ngay sau đó, sản phẩm tương ớt của doanh nhân gốc Việt đã vượt sự kỳ vọng của ông khi được người tiêu dùng đánh giá cao, với tháng đầu “ra quân” giúp ông thu về 2.300 USD, theo tờ The Straits Times. Sau đó, doanh thu tháng nào cũng lớn với lãi suất rất đáng kể.
Để tạo thương hiệu riêng cho mình, vào năm 1983, ông Tran tung ra thị trường tương ớt nhãn hiệu Sriracha, sản phẩm giúp Tập đoàn Huy Fong Foods trở thành cái tên quen thuộc của người tiêu dùng gốc Việt lẫn người Mỹ bản xứ cho đến nay. Song song đó, từ việc thuê cơ sở rộng chỉ 470 m2 ở khu Chinatown để làm tương ớt, ông Tran đã chuyển sang tòa nhà rộng 6.300 m2 ở TP.Rosemead, bang California để mở rộng sản xuất vào năm 1987.

Ông cũng không có ý định chuyển nhà máy sản xuất của mình ra khỏi California hay mở rộng hơn quy mô chỉ vì e ngại không đảm bảo chất lượng sản phẩm của mình. Trong khuôn khổ một doanh nghiệp nhỏ với ông sẽ dễ điều hành và quản lý hơn.

Doanh nghiệp Huy Fong của ông Tran có khoảng 70 nhân viên và 200 lao động thời vụ và sản xuất hơn 20 triệu chai tương ớt hàng năm. Sản phẩm tương ớt Sriracha của ông David Tran có logo hình con gà.

Ông Tran cũng không hề có ý định phát triển thương hiệu tương ớt nào khác ngoài Sriracha cũng như 2 sản phẩm Chili Garlic và một loạt bánh snack. Doanh nhân này cũng dự định giữ mô hình kinh doanh gia đình: Con trai làm chủ tịch, con gái là phó chủ tịch.

Năm 2014, nhà máy sản xuất tương ớt của ông David Tran gặp vấn đề khi người dân xung quanh có phản ứng về những dấu hiệu ô nhiễm môi trường. Họ yêu cầu ông di chuyển nhà máy ra khỏi California song ông Tran đã thuyết phục chính quyền sở tại cũng như người dân để giữ nguyên nhà máy.

“Tôi có thể cải tiến cách thức sản xuất để tránh gây ô nhiễm cũng như phiền phức cho người dân xung quanh song tôi sẽ không di chuyển nhà máy vì tôi đã ở đây 34, 35 năm rồi”, ông Tran nói.

Những người tiếp xúc với doanh nhân David Tran đều nói ông khá kỳ lạ. Dù đã ngoài 70 tuổi và đứng trước nhiều cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh song ông nhất quyết từ chối. Ông cũng “bỏ qua” tất cả những lời ngỏ hấp dẫn về việc mua lại công ty, bởi ông sợ rằng tầm nhìn của hãng sẽ bị điều chỉnh.

Ông Tran cũng từ chối gia nhập thị trường cổ phiếu và nói không với những nhà đầu tư với lời đề nghị tăng mức sản lượng một cách đáng kể. Bởi theo ông Tran, ông sẽ giữ vững chất lượng và giá thành của sản phẩm, sản xuất và quản lý doanh nghiệp theo cách của mình, chừng nào người tiêu dùng còn yêu thích sản phẩm tương ớt truyền thống Sriracha của ông.

Ngoài sản phẩm Sriracha, thương hiệu Huy Fong Food cũng sản xuất tương ớt Sambal Oelek, một loại tương ớt tươi nhưng Sriracha vẫn là loại bán chạy nhất, nhà máy phải sản xuất 12.000 chai mỗi giờ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Có lẽ, đây là kỳ tích đối với một doanh nghiệp chưa từng chi một đồng để phục vụ quảng cáo cho các sản phẩm của mình, thay vào đó việc tạo ra đế chế thực phẩm này chỉ dựa trên việc truyền miệng, nhiều người yêu thích Sriracha cuồng nhiệt đến mức đã tạo ra hàng chục quảng cáo và bài hát dành riêng cho món tương ớt này trên kênh Youtube.

TH