Vĩnh Phúc: Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng trên 17,7% trong 6 tháng đầu năm

15:34 09/06/2022

Tính đến 30/6/2022, tổng dư nợ cho vay trên toàn tỉnh đạt khoảng 113.000 tỷ đồng, tăng 17,76% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Ảnh minh họa
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, tính đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ cho vay ước tăng 10,74%, tăng 17,76% so với cùng kỳ tháng 6/2021 với cơ cấu tín dụng tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển chiếm tỷ lệ 86,2% tổng dư nợ. Trong đó, riêng cho vay khu vực doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phẩn, công ty TNHH, doanh nghiệp FDI... chiếm 46% tổng dư nợ, là tín hiệu lạc quan cho thấy các doanh nghiệp đang dần ổn định, chủ động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Cùng với đó, các chương trình kết nối ngân hàng ‑ doanh nghiệp, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất, giảm phí, cho vay mới... để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai tiếp tục được triển khai có hiệu quả là nguyên nhân chính giúp huy động vốn trên địa bàn tăng trưởng tốt ở cả 3 nguồn.

Ngoài ra, tiền gửi các tổ chức kinh tế, tiền gửi tiết kiệm và phát hành giấy tờ có giá. Tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngành ngân hàng  cũng giảm 0,49% so với tháng 12/2021, chiếm 0,72% tổng dư nợ nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cho vay bằng ngoại tệ, tăng cường quản lý rủi ro đối với tín dụng tiêu dùng, tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất, chủ động cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý.

PV