Vĩnh Phúc: Giải quyết hơn 9.920 lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm

15:04 13/06/2022

Theo báo cáo của sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 9.925 lao động, đạt 58,4% kế hoạch năm. Trong đó, giải quyết việc làm trong nước cho 9.746 lao động, đưa 179 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Để có kết quả này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện một số chính sách về giải quyết việc làm trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời tình hình thị trường lao động cũng như các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; đa dạng hóa các hình thức kết nối cung - cầu lao động, các dịch vụ cung ứng lao động cho doanh nghiệp; tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận trong tuyển chọn, cung ứng lao động; phối hợp đào tạo, tuyển chọn lao động giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả lực lượng lao động đã qua đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Ảnh minh họa
Công tác đào tạo nghề có chuyên môn của Vĩnh Phúc

Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 11 phiên giao dịch việc làm, thu hút 107 lượt doanh nghiệp tham gia; tổ chức tư vấn việc làm cho 13.463 lượt người. Qua các phiên giao dịch, trong số 711 người đăng ký tìm việc làm tại sàng đã có 469 người đạt sơ tuyển, có cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tại thêm việc làm mới cho 16.000 - 17.000 lao động trong năm 2022, từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các ngành nghề nhằm tạo thêm việc làm mới, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Theo đó, cùng với tăng cường tuyên truyền, giúp người dân nắm rõ các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh trong lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục ưu tiên giải quyết việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động thiểu số, lao động đi xuất khẩu lao động trở về nước, lao động đã chấp hành xong hình phạt tù; chú trọng đào tạo theo địa chỉ để phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp, đáp ứng quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động

 PV