Vĩnh Ninh ngày ấy...bây giờ!

09:07 21/10/2021

Xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) nằm cách trung tâm huyện lỵ khoảng 1km về phía Tây Nam. Từ một địa bàn chịu nhiều đau thương, mất mát về người và tài sản qua 2 cuộc chiến tranh trở thành một xã anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vĩnh Ninh hôm nay đã từng bước đổi thay, là một trong số ít địa phương của huyện Quảng Ninh “ Đạt chuẩn nông thôn mới” từ năm 2015.

 

Ông Trần Công Thượng, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Ninh

Đi tìm ký ức Vĩnh Ninh

Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Ninh - ông Trần Công Thượng, tặng tôi cuốn lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Ninh (thời kỳ 1930-2015) ông bảo tôi: “Nhà báo cứ đọc đi, tìm được tư liệu chi để phục vụ cho bài viết của anh thì cứ tìm…”. 

Trên tay tôi là cuốn lịch sử Đảng bộ dày gần 500 trang. Cuốn sách đã “phục dựng” lại bức tranh toàn cảnh quá trình trên 70 năm ra đời, trưởng thành, rèn luyện và lãnh đạo cách mạng của Đảng bộ xã. Cuốn lịch sử cũng đã tổng kết thành tựu, kinh nghiệm từ thực tiễn lịch sử, sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, cũng nhằm tri ân sâu sắc đến các thế hệ cách mạng đi trước đã đổ bao xương máu, trí tuệ, công sức xây đắp nên truyền thống quê hương Vĩnh Ninh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Ninh nằm trong địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, nơi tuyến đầu chống Mỹ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nơi đây có nhiều tuyến đường giao thông, nhiều cầu cống, bến bãi, là trọng điểm đánh phá thường xuyên của địch. Các thôn Lệ Kỳ, Vĩnh Tuy bị cày xới hết sức nặng nề. Chỉ riêng thôn Vĩnh Tuy phải đến 5 lần di chuyển chỗ ở, vậy mà máy bay Mỹ vẫn tìm đến ném bom hủy diệt. Theo thống kê, toàn xã Vĩnh Ninh có trên 1.500 đợt máy bay Mỹ đến đánh bom, trong đó có 700 đợt Mỹ ném bom vào khu dân cư, giết chết trên 300 thường dân vô tội, 100 hecsta đất sản xuất nông nghiệp bị mất trắng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Ninh dù trong hoàn cảnh nào vẫn “Chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”. Các cánh đồng đạt năng suất “4 tấn”, “5 tấn” không ngừng được nhân rộng. Phương châm hành động của Vĩnh Ninh vẫn cứ là “Giặc đến là đánh, giặc đi là sản xuất”. Trong khó khăn, vai trò tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, Chi bộ càng phát huy toàn diện. Các chi bộ vẫn giữ đúng lịch sinh hoạt định kỳ. Cán bộ, đảng viên thực hiện “Bám đội, lội đồng” sát với dân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Vĩnh Ninh đã tiễn 562 con em lên đường nhập ngũ, 410 thanh niên đi dân công, hỏa tuyến. Toàn xã có 74 Liệt sĩ, có 1 Liệt sĩ được suy tôn là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 38 người là thương binh và 31 bệnh binh. Ngày 20/12/1994, xã Vĩnh Ninh đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trụ sở HĐND, UBND, UBMT TQVN xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh

Vĩnh Ninh trên đường đổi mới

“Cảm nhận về một Vĩnh Ninh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường đổi mới, theo anh, bắt đầu từ giai đoạn nào?”. Khi được phóng viên đặt câu hỏi, suy nghĩ một lát, ông Đỗ Mười - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh nói: “Theo ý kiến riêng của tôi, đổi mới bắt nguồn tự nhận thức, mà nhận thức là một quá trình để cho ta hành động… phải nói là từ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2005-2010 và khi Vĩnh Ninh là một trong 4 xã của huyện Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận tập trung chỉ đạo điểm để xây dựng đạt chuẩn “Xã nông thôn mới”.

Cơ giới hóa ruộng đồng xã Vĩnh Ninh hôm nay

Tôi đồng tình và chia sẽ với ý kiến của ông Chủ tịch UBND xã, tìm hiểu thêm, được biết, trong báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XXVII đã đánh giá: “Trên lĩnh vực kinh tế đã tập trung đầu tư, thâm canh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Các hoạt động văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới được quan tâm. Cơ sở  vật chất hạ tầng được đầu tư…Sự nghiệp giáo dục đào tạo có nhiều tiến bộ về chất lượng dạy và học. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đời sống Nhân dân ổn định và từng bước được nâng cao. Vai trò lãnh đạo của Đảng được phát huy, bộ máy chính quyền ngày càng được hoàn thiện. Khối đoàn kết toàn dân không ngừng được tăng cường, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng lên”.

Tháng 4/2010, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XXVIII nhiệm kỳ 2010-2015 được tổ chức. Từ tháng 10/2011, Đảng ủy xã Vĩnh Ninh ra Nghị quyết số 11 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Xây dựng nông thôn mới với quan điểm phát huy tiềm năng và nội lực của cộng đồng dân cư, thực hiện tốt quy chế dân chủ, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”, minh bạch những nội dung Nhà nước đầu tư, hỗ trợ nhân dân và doanh  nghiệp đóng góp để xây dựng nông thôn mới. Xã Vĩnh Ninh chọn hai thôn là Vĩnh Tuy III và Lệ Kỳ III để chỉ đạo rút kinh nghiệm, phát huy tốt vai trò của mặt trận và các đoàn thể Chính trị - Xã hội từ xã đến thôn trong công tác tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để các tổ chức tham gia xây dựng nông thôn mới.

HTX nông nghiệp Vĩnh Trung kiểm tra gạo trước khi đưa ra thị trường

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Ninh hưởng ứng. Đảng ủy ra Nghị quyết, quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng nhân dân có Nghị quyết thông qua Đề án Xây dựng nông thôn mới xã Vĩnh Ninh giai đoạn 2011-2015. 19 tiêu chí của Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới được ban hành theo Quyết định 491 của Thủ tướng Chính phủ đã bao hàm tất cả mọi mặt về chính trị, kinh tế - xã hội, Quốc phòng - An ninh, xây dựng Đảng, xây dựng củng cố chính quyền, đoàn thể, về đời sống vật chất tinh thần của địa phương. Chính vì vậy, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cơ bản của địa phương trong giai đoạn 2011-2015. Là đơn vị được UBND tỉnh, UBND huyện Quảng Ninh chọn chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Vĩnh Ninh chỉ đạt 3/19 tiêu chí. Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy nội lực của địa phương, tập trung xây dựng hạ tầng nông thôn, các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với tổng kinh phí trên 230 tỷ đồng. Trong đó ngân sách cấp trên đầu tư 215 tỷ đồng, ngân sách xã 10,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 3,5 tỷ đồng, các nguồn hỗ trợ khác 1 tỷ đồng. Sau 4 năm phát động, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong xã đã hiến trên 3000m2 đất vườn, trên 8000m2 đất sản xuất, gần 5000m hàng rào cây xanh, gần 200m hàng rào bê tông, 1 nhà máy xay sát, hàng ngàn cây ăn quả và gần 4.000 ngày công lao động, tổng giá trị ước trên 1,5 tỷ đồng. Cuối năm 2014, Vĩnh Ninh đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới.

Vĩnh Ninh vốn là một xã nông nghiệp độc canh, đại bộ phận người dân nương nhờ vào trồng trọt, chăn nuôi để phục vụ sức kéo, làm đất và phân bón. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ kém phát triển. Gắn sự nghiệp đổi mới với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hành động của người dân chuyển biến ngày càng mạnh mẽ. Kinh tế hộ trang trại, gia trại phát triển. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chú trọng, ao hồ mặt nước và đồi núi được khai thác. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, phát triển thêm ngành nghề, dịch vụ. Kinh tế phát triển đã thúc đẩy văn hóa xã hội tiến bộ. Hệ thống loa truyền thanh được phủ kín các thôn. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 100%, xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế. Trưởng Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, phổ cập mầm non 5 tuổi, phổ cập tiểu học, Trung học cơ sở đúng độ tuổi. Người dân chăm lo rèn luyện sức khỏe, các hoạt động văn hóa,  văn nghệ được duy trì thường xuyên. Đình làng Vĩnh Tuy, Lệ Kỳ được phục dựng, văn hóa lễ hội truyền thống được khơi dậy và phát huy tính giáo dục cao. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được thực hiện tích cực, đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu.

Trở lại câu chuyện với ông Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh, tôi càng thấm thía hơn với những bài học kinh nghiệm được rút ra và đã được ghi lại từ cuốn lịch sử Đảng cộng sản. Điều trước tiên là Đảng bộ Vĩnh Ninh đã biết coi trọng và tập trung xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đồng bộ để lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Thứ hai, là biết động viên, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương. Thứ ba, là biết khai thác, vận dụng điều kiện, thế mạnh của địa bàn trọng yếu trong chiến tranh, trở thành có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Thứ tư, là luôn coi trọng, đề cao các giá trị truyền thống gắn với tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao sự đồng thuận của toàn dân trong việc giữ gìn, phát huy sức mạnh tinh thần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Đổi mới là một quá trình đi từ nhận thức đến hành động. Các thế hệ người Vĩnh Ninh hôm nay đã biết làm mới quê hương mình từ trong quá khứ hào hùng để trở thành một Vĩnh Ninh hôm nay giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về an ninh - quốc phòng của huyện Quảng Ninh.

Trọng Lãnh