VINASME tiếp đón lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Hoàng Su Phì

17:18 05/04/2024

Chiều ngày 5/4, tại Hà Nội, lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã có chuyến thăm và làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).

Ảnh minh họa
Toàn cảnh buổi làm việc.

Tham gia buổi làm việc, về phía VINASME có TS.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME, ông Nguyễn Văn Từ - Chánh Văn phòng VINASME, ông Trần Văn Hiển - Phó Trưởng ban Đào tạo và Hội viên, bà Nguyễn Thị Thanh – Phó Chủ tịch Chi hội Nữ Doanh nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Phạm Thị Lý – Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển...

Về phía Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Hoàng Su Phì có đồng chí Vàng Đình Chiến – Bí thư Huyện ủy huyện Hoàng Su Phì; đồng chí Lù Văn Chung – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoàng Su Phì; đồng chí Trần Quang Bằng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì; đồng chí Phùng Thế Tài - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy; đồng chí Hoàng Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện...

TS. Tô Hoài Nam chia sẻ tại buổi làm việc.
TS. Tô Hoài Nam chia sẻ tại buổi làm việc.

Tại buổi tiếp, TS. Tô Hoài Nam đã giới thiệu đôi nét về VINASME: "VINASME là tổ chức thành viên của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra, VINASME có mô hình tổ chức lớn nhất trong các tổ chức đại diện của Việt Nam và hoạt động theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Hiện nay VINASME có 62 đầu mối là các hội địa phương và 29 đơn vị trực thuộc".

TS. Tô Hoài Nam cũng hy vọng qua buổi làm việc hôm nay sẽ mở ra cơ hội để hai bên kết giao với nhau và kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp. 

Tại buổi tiếp, ông Vàng Đình Chiến đã giới thiệu tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội của huyện Hoàng Su Phì. Ông Chiến chia sẻ: “Trên địa bàn huyện, hiện tổng diện tích chè là 4.415 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 4.287 ha, sản lượng chè búp tươi 13.200 tấn/năm. Huyện hiện có hơn 10.000 cây chè cổ thụ trên 100 tuổi và có hơn 2.400 ha được chứng nhận Chè hữu cơ Việt Nam. Ngoài ra, hiện huyện có tới 16 loại sản phẩm chè được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao, tuy nhiên những sản phẩm này lại chưa được phổ biến rộng rãi”.

Ông Chiến thông tin thêm, sản phẩm đặc trưng của huyện ngoài chè còn có củ cải, mận Máu, cây thảo quả. Ông cho biết: “Cây củ cải với trên 500 ha, sản lượng bình quân trên 7.000 tấn, sản phẩm củ cải nhân dân chủ yếu bán tươi tại các chợ phiên, số còn lại phục vụ nhu cầu sinh hoạt và chăn nuôi lợn. Ngòai ra, hiện ở huyện có diện tích cây mận Máu trên 130ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch trên 50ha, sản lượng khoảng 125 tấn quả. Hiện diện tích cây thảo quả 2.182,5 ha, năng suất bình quân ước đạt 6 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.309,5 tấn. Sản phẩm quả thảo quả nhân dân chủ yếu xấy khô và bán sang thị trường Trung Quốc thông qua thương lái”.

Vàng Đình Chiến – Bí thư Huyện ủy huyện Hoàng Su Phì
Ông Vàng Đình Chiến – Bí thư Huyện ủy huyện Hoàng Su Phì.

Ông Chiến cũng đề xuất với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể hỗ trợ, đầu tư vào các loại cây trồng có thế mạnh của địa phương như: Chế biến chè Shan tuyết, mận Máu, đậu tương, các sản phẩm OCOP,… “Tôi mong Hiệp hội sẽ sớm hỗ trợ, giúp đỡ huyện kết nối với các doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị, mô hình kinh tế sinh thái tuần hoàn từ cây thảo quả, chè, củ cải đường trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì”, ông Chiến đề suất.

bà Phạm Thị Lý – Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển.
Bà Phạm Thị Lý – Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển..

Đại diện cho Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển, bà Phạm Thị Lý đã đưa ra những giải pháp tạo ra chuỗi liên kết hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm của Hoàng Su Phì. Bà Lý cho biết: “Với công nghệ hiện có, chúng tôi cam kết có thể tạo dựng chuỗi kết nối trực tuyến giữa các doanh nghiệp ở Hoàng Su Phì với các nhà phân phối thu mua nông sản thực phẩm an toàn tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước đang áp dụng nền tảng truy xuất của chúng tôi. Đối với việc xây dựng thương hiệu với sản phẩm trà của Hoàng Su Phì, hiện tôi đang là nhà tư vấn OCOP cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và nền tảng của chúng tôi ngoài việc truy xuất hàng hóa thì còn đánh giá, chấm điểm, phân hạng, theo dõi, kiểm soát nguồn hình thành sản phẩm OCOP. Với những kinh nghiệm đó, chúng tôi có thể tư vấn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè của Hoàng Su Phì, kết nối chuỗi sản phẩm OCOP của Hoàng Su Phi với các nơi trong nước và thậm chí là quốc tế”.

“Với tư cách là Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển và là Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ và dược liệu Việt Nam, hiện nay mỗi năm chúng tôi có nhập một cơ số thảo quả từ Lào Cai. Nhân có dịp ngày hôm nay, chúng tôi sẽ chính thức đặt đơn hàng đầu tiên với Hoàng Su Phì là 20 tấn thảo quả cho năm 2024 nếu đảm bảo về chất lượng và giải quyết được các bài toán về đóng gói”, bà Lý cho biết thêm.

ông Trần Văn Hiển - Phó Trưởng ban Đào tạo và Hội viên
Ông Trần Văn Hiển - Phó Trưởng ban Đào tạo và Hội viên.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện cho VINASME, ông Hiển đề xuất: "Về nâng cao năng lực, Hiệp hội thường xuyên có những chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sau này, nếu có những chương trình thì tôi sẽ gửi thông tin để doanh nghiệp ở huyện Hoàng Su Phì có thể tham gia, vừa là nâng cao năng lực để phát triển bền vững hơn, vừa là thúc đẩy giao thương, kết nối các doanh nghiệp với nhau để học hỏi"

Ông Hiển thông tin thêm, hiện nay Ủy ban Dân tộc vừa có Đề án tập trung vào việc hỗ trợ sinh viên tiếp cận thực tập vào các doanh nghiệp, dự kiến quý 3 sẽ trình Thủ tướng. Đây sẽ là cơ hội để hỗ trợ bà con tại huyện Hoàng Su Phì tiếp cận công việc nhiều hơn".

Về phía Chi hội Nữ Doanh nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Nguyễn Thị Thanh chia sẻ: "Buổi gặp ngày hôm nay là một sự khởi đầu rất tốt cho cả 2 phía. Thực tế hiện nay, tôi nhận thấy được khó khăn đầu tiên trong việc kết nối sản phẩm từ huyện Hoàng Su Phì đến các tỉnh thành khác trên cả nước do địa bàn trên đó rất hiểm trở, nên nông sản đôi khi sẽ khó vận chuyển. Tôi mong sau khi đã có sự kết nối hỗ trợ, huyện sẽ có được một nhà máy chế biến hoặc sơ chế nông sản trên đó để có thể vận chuyển đi các miền trên Tổ quốc".

Qua lắng nghe từ các chia sẻ, TS. Tô Hoài Nam đã gửi lời cảm ơn đoàn công tác huyện Hoàng Su Phì đã có chuyến thăm tới VINASME. Ông cũng đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm hoạt động, đồng thời bày tỏ hy vọng đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy hợp tác ngày càng mở rộng giữa Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với huyện Hoàng Su Phì. 

Lãnh đạo VINASME cũng khẳng định, VINASME luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp huyện Hoàng Su Phì kết nối với doanh nghiệp tại các tỉnh thành trên cả nước, buổi gặp mặt lần này chính là dấu mốc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong tương lai. 

VINASME chụp ảnh kỷ niệm cùng đại diện Cơ quan Phát triển Công nghiệp thành phố Siheung.
Hai bên chụp ảnh kỷ niệm.

Bảo Trinh

Tags: