Việt Nam tích cực thực thi cam kết TFA

00:00 12/10/2020

Là một trong các quốc gia thành viên đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO (TFA), Việt Nam đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp thực thi các cam kết của hiệp định nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) và quá cảnh.

Thỏa thuận đa phương quan trọng với hệ thống thương mại toàn cầu

Theo bà Nguyễn Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) - TFA có hiệu lực sau khi được 110/164 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam phê chuẩn vào ngày 22/2/2017.

Thực hiện đầy đủ TFA sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm thời gian và chi phí thông quan

"Đây là thỏa thuận đa phương đầu tiên được ký kết trong lịch sử 21 năm của WTO, là cột mốc quan trọng đối với hệ thống thương mại toàn cầu" - bà Nguyễn Việt Nga đánh giá và dẫn số liệu từ Báo cáo thương mại thế giới - cho thấy, nếu thực hiện đầy đủ TFA có thể giảm trung bình 14,3% chi phí giao dịch và thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, TFA cũng được đánh giá có khả năng tiết kiệm 1,5 ngày thông quan hàng nhập khẩu, giảm 47% so với mức trung bình hiện tại và tiết kiệm gần 2 ngày thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, giảm 91% so với mức trung bình hiện nay.

Về các nội dung chính của TFA, bà Nguyễn Việt Nga cho biết, TFA gồm 3 phần chính với 24 điều quy định về các biện pháp kỹ thuật, tập trung vào các nội dung tiếp cận thông tin và tính minh bạch; quản lý các quy định pháp lý liên quan đến thương mại; thông quan hải quan và quá cảnh thương mại.

Các cam kết trong TFA được chia thành 3 phân cấp, gồm nhóm A - thực hiện ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực; nhóm B - thực hiện sau một thời gian quá và nhóm C - cần một thời gian quá độ tính từ khi Hiệp định có hiệu lực và hỗ trợ xây dựng năng lực để thực hiện.

Việt Nam - thành viên chủ động và tích cực

Theo bà Nguyễn Việt Nga, sau khi TFA được Quốc hội phê chuẩn, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, sửa đổi hoặc đang trong quá trình xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết của Hiệp định. Đặc biệt, Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK đã được xây dựng và đến cuối năm 2018, khi Nghị định của Chính phủ quy định về thực hiện thủ tục hành chính thông qua NSW, ASW và KTCN thì hệ thống pháp luật của Việt Nam sẽ hoàn thành tương thích với cam kết trong TFA.

Với 15 cam kết nhóm A, Việt Nam hoàn toàn tuân thủ và đang tiếp tục triển khai cùng với tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan. Cụ thể, từ tháng 7/2017, Việt Nam đã xây dựng Cổng thông tin thương mại quốc gia cung cấp các thông tin liên quan tới quy định pháp lý và thủ tục hiện hành về thương mại, các văn bản pháp quy, thủ tục hành chính, hướng dẫn, biểu mẫu, giấy phép, và mức phí áp dụng…

Về các cam kết về quản lý các quy định pháp lý liên quan đến thương mại và các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan; các cam kết liên quan tới các điều kiện, cơ chế thu phí, lệ phí, phạt vi phạm trong lĩnh vực hải quan; các cam kết liên quan tới duy trì thủ tục cho phép giải phóng nhanh hàng hóa; cam kết giảm bớt và đơn giản hóa các yêu cầu chứng từ nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và chấp nhận bản sao chứng từ tài khoản… Việt Nam cũng đã và đang tích cực triển khai. Còn với các cam kết nhóm B và C, hiện đã và đang được các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa năng lực áp dụng, thực hiện cam kết.

"Thực hiện đầy đủ TFA sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa XNK và quá cảnh, giúp doanh nghiệp cắt giảm thời gian và chi phí thông quan, tăng cường năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu và qua đó góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước" - bà Nguyễn Việt Nga khẳng định.

Theo tính toán, với các nước đang phát triển là thành viên WTO, trong đó có Việt Nam, việc thực thi đầy đủ TFA sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng XK thêm 3,5% và tăng trưởng kinh tế thêm 0,9%/năm.

Hoàng Châu