Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc

10:19 10/04/2021

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết trong 2 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su (mã: HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 1,87 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 433,97 triệu USD, tăng hơn 65% so với cùng kỳ năm 2020. 

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 chiếm 23,18%, tăng mạnh so với mức 15,98% của 2 tháng đầu năm 2020.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc - Ảnh 1.

10 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021. Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc/Bộ Công Thương.

 

Trong 2 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS 4001) đạt 493,33 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 3 cho Trung Quốc, đạt 46,75 triệu USD, tăng hơn 108% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 9,48%, tăng so với mức 5,33% của 2 tháng đầu năm 2020.

Ngoài ra, Trung Quốc nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280) đạt 807,96 triệu USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Indonesia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc. Trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn nhất cho Trung Quốc với 385,81 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 47,75% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, tăng so với mức 31,51% của 2 tháng đầu năm 2020.

Theo đánh giá, nhu cầu cao su của Trung Quốc tăng nhanh sau khi các chính quyền địa phương nước này kích thích sử dụng xe ô tô nhỏ, từ đó thúc đẩy các hãng sản xuất lốp xe tăng sản lượng gấp 3 lần. Trong khi đó, nguồn cung cao su nội địa của Trung Quốc đã sụt giảm mạnh do các vườn trồng cao su bị ảnh hưởng mạnh do hạn hán và bão lũ trong năm 2020. 

Cùng với nhu cầu sử dụng cao su để chế biến găng tay y tế tăng mạnh khiến hoạt động xuất khẩu nhập cao su sôi động, trong tháng 2-2021, giá các mặt hàng cao su trên thế giới cũng đã tăng cao.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá cao su có xu hướng tăng mạnh đến cuối tháng 2-2021. Ngày 26-2-2021, giá cao su giao kỳ hạn tháng 3-2021 giao dịch ở mức 272 Yên/kg (tương đương 2,55 đô la Mỹ/kg), tăng 11,2% so với cuối tháng 1-2021 và tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2020.

(RSS – rubber smoke sheet, là cao su tự nhiên ở dạng sơ chế, có dạng tấm, được làm khô bằng công nghệ xông khói. Chất lượng của RSS được phân loại giảm dần từ RSS1 đến RSS5 - PV).

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 26-2-2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 3-2021 ở mức 15.980 NDT/tấn (tương đương 2,47 đô la Mỹ/kg), tăng 11,7% so với cuối tháng 1-2021 và tăng 41,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại Việt Nam, giá thu mua mủ nước tại vườn của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng ở mức 340 đồng/TSC, tăng 5 đồng/TSC so với thời điểm tháng 1-2021. Trong đó, TSC là chỉ số hàm lượng chất khô có trong mủ cao su thiên nhiên, thường gọi là độ mủ cao su, dùng làm cơ sở để tính giá cao su.

Lâm Nghi

Tags: