Việt Nam đang phấn đấu xuất khẩu 1.500 tấn vải thiều sang Hoa Kỳ

23:45 14/05/2023

Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, năm 2023, toàn tỉnh có 29.700 ha vải thiều; trong đó, diện tích cho thu hoạch ước đạt sản lượng trên 180.000 tấn, thời gian thu hoạch dự kiến từ 20/5 - 30/7.

Năm 2023, công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều có điểm đổi mới, thay vì tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại ở nhiều tỉnh, thành phố, Sở Công thương Bắc Giang sẽ chuyển sang kết nối trực tiếp cho các nhà vườn, hợp tác xã với doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải.

Trước đó tại Hội nghị trực tuyến kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế vào thị trường Mỹ, theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng, phát triển tốt, dự báo sản lượng vải toàn tỉnh năm 2023 trên 180.000 tấn (sản lượng vải sớm khoảng 60.000 tấn; vải chính vụ 120.000 tấn).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Về sản xuất và tiêu thụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang nhất quán và xuyên suốt từ chính quyền đến người trồng vải thiều lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có; bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc làm chỗ đứng bền vững ở thị trường trong và ngoài nước.

Để việc xuất khẩu vải thiều vào thị trường Hoa Kỳ được thuận lợi, tỉnh Bắc Giang đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm và có những định hướng giúp tỉnh Bắc Giang trong các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Bắc Giang ở thị trường Hoa Kỳ; hỗ trợ thông tin về thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… và các hàng rào kỹ thuật của thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Xác định Hoa Kỳ là thị trường lớn, tiềm năng, hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này, đồng nghĩa với việc có thể xuất khẩu vào nhiều thị trường tiềm năng khác trên thế giới, tỉnh Bắc Giang đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất để phục vụ thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là quả vải thiều.

Trong đó, người nông dân cần nghiêm chỉnh thực hiện chế độ chăm sóc đảm bảo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu. Cơ sở đóng gói cần thao tác cẩn thận, nhẹ nhàng, tránh tình trạng quả vải bị va đập từ khâu chuyển từ vườn về tới xưởng và trong từng công đoạn sơ chế, đóng gói. Việc chiếu xạ cần có phương án linh hoạt để đảm bảo được chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngọc Phi (TH)

Tags: