Vị thế của Việt Nam qua góc nhìn các Đại sứ và kỳ vọng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng

16:48 25/01/2021

Nhân dịp xuân mới Tân Sửu, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập gửi tới quý bạn đọc ý kiến của các Đại sứ tại Việt Nam về cái nhìn tổng quan trong năm 2020 đầy biến động và đưa ra kỳ vọng cho năm tới.

Năm 2020, Việt Nam được quốc tế đánh giá là một ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế thế giới

Năm 2020, Việt Nam được quốc tế đánh giá là một ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế thế giới.

Năm 2020, thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam không chỉ là một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng dương mà còn nằm trong Top đầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, được quốc tế đánh giá là một ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế thế giới. Nhân dịp xuân mới Tân Sửu, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập gửi tới quý bạn đọc ý kiến của các Đại sứ tại Việt Nam về cái nhìn tổng quan trong năm 2020 đầy biến động và đưa ra kỳ vọng cho năm tới.

Ông Ivo Sieber, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam: Việt Nam là một nơi tuyệt vời để kinh doanh.

Với bất kỳ nhà ngoại giao nào, việc đưa các quốc gia, chính phủ, người dân và doanh nghiệp lại gần nhau hơn và tạo cơ hội giao lưu trên mọi lĩnh vực là một nhiệm vụ đầy thách thức. Trong năm 2020, tôi có thể khẳng định rằng quan hệ kinh doanh và đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đang hoạt động tốt và bền chặt, bất chấp tác động của đại dịch. Rõ ràng sự thành công trong công tác kiểm soát dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam cùng những con số tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế rất đáng để hoan nghênh. Những lời khen thế này tôi cũng được nghe rất nhiều từ cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ tại Việt Nam. 

Năm 2020, mặc dù con số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn rất ấn tượng so với toàn cầu, song do tác động của dịch Covid-19, GDP của Việt Nam tăng trưởng chậm lại xuống khoảng 2,9%. Sự suy giảm này đương nhiên cũng tác động đến quan hệ thương mại giữa Thụy Sĩ và Việt Nam. Trong năm 2019, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 2,2 tỷ USD với các mặt hàng như dược phẩm, hóa chất, máy móc, thiết bị và điện tử của Thụy Sĩ chiếm các danh mục sản phẩm chính. Thế nhưng, số liệu thương mại sơ bộ của năm nay đã cho thấy sự sụt giảm. Trong khi “cơ cấu sản phẩm” không thay đổi đáng kể, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị điện tử và nông sản sang Thụy Sĩ – sản lượng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có xu hướng thấp hơn khoảng 670 triệu đô la Mỹ. 

Tôi đánh giá sự quan tâm của các công ty Thụy Sĩ đối với thị trường Việt Nam ở mức cao. Tổng vốn đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ vào cuối năm 2019 lên tới khoảng 2 tỷ đô la Mỹ, đưa Thụy Sĩ trở thành một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn tại Việt Nam. Hiện có hơn 100 công ty Thụy Sĩ được thành lập tại Việt Nam, bao gồm từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các công ty đa quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực như dược phẩm, xây dựng, chế biến thực phẩm, máy móc, công nghệ thông tin, logistic và thương mại. Từ kinh nghiệm của tôi khi nói chuyện với nhiều công ty trong số này, họ đều cảm thấy Việt Nam là một nơi tuyệt vời để kinh doanh.

Năm 2021 sẽ là một năm quan trọng đối với quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ khi mà cả hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong ba thập kỷ qua, tổng viện trợ không hoàn lại của chúng tôi cho Việt Nam lên tới hơn 500 triệu USD. Đây là ví dụ điển hình về sự tận tâm và tin cậy của chúng tôi trong quan hệ đối tác với Việt Nam. Ngoài ra, chính phủ Thụy Sĩ cũng cam kết sẽ tăng cường và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong tương lai.

Có thể nói, môi trường kinh doanh thuận lợi chính là chìa khóa để thu hút vốn FDI. Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để cải thiện, sự cải thiện này được thể hiện rõ qua bảng bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới (Việt Năm tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và nền kinh tế). Ngoài ra, những cam kết của Việt Nam theo các quy tắc của WTO và FTA cũng được cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ rất hoan nghênh. 

Việc ký kết Hiệp định EVFTA sẽ củng cố thêm vị trí của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, nơi các doanh nghiệp Thụy Sĩ và các thành viên EU khác có thể đầu tư chiến lược và mở rộng hoạt động của họ tại một trong những khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới. Hơn nữa, điều này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Thụy Sĩ - Việt Nam và điều này sẽ là một trong những dấu ấn để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sĩ-Việt Nam vào năm 2021.

Trong năm 2021, các công ty Thụy Sĩ sẽ tiếp tục tìm thêm nhiều các cơ hội kinh doanh mới và quan hệ đối tác mới tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng và dịch vụ. Đây là 2 lĩnh vực mà các doanh nghiệp Thụy Sĩ có chuyên môn để cạnh tranh và tiềm năng đóng góp vào quá trình hiện đại hóa, phát triển của Việt Nam. Các lĩnh vực như tài chính và bảo hiểm, giao thông, năng lượng, nước, quản lý chất thải, phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và thương mại hoặc các dịch vụ kỹ thuật cũng được chú ý đến. Một lĩnh vực hấp dẫn khác với tiềm năng cao là nền kinh tế kỹ thuật số. 

Tôi tin tưởng trong năm 2021, xu hướng đầu tư cùng sự quan tâm của các công ty Thụy Sĩ tại thị trường Việt Nam sẽ gia tăng hơn nữa. Chính sự hiện diện mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ sẽ là một động lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế.

Ông Miguel Angel Rodriguez Melo, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Colombia tại Việt Nam: Quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Colombia còn nhiều dư địa để phát triển.

Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Colombia và Việt Nam đã có những bước tăng trưởng quan trọng trong những năm gần đây, ngoại trừ năm 2020 vừa qua, do những khó khăn từ Đại dịch Covid-19 gây ra. Colombia là một trong những quốc gia có sự ổn định kinh tế nhất ở Mỹ Latinh. Việt Nam đã nắm bắt được môi trường kinh doanh thuận lợi này, và năm 2019, trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã đạt xấp xỉ 600 triệu USD, đưa Colombia trở thành đối tác thương mại thứ năm của Việt Nam tại Mỹ Latinh. 

Thật không may, vào năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương mại song phương bị ảnh hưởng và giảm khoảng 40%. Tuy nhiên, tôi tin rằng điều này không ảnh hưởng đến mối quan hệ trong tương lai của cả hai nước. Chắc chắn rằng quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Colombia vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. 

Năm 2021 sẽ là thời điểm để khôi phục lại các hoạt động kinh doanh đã bị đình trệ trong thời gian qua, đồng thời sẽ là lúc khám phá ra các cơ hội kinh doanh và đầu tư mới. Do đó, việc thiết lập mối quan hệ thương mại giữa các cộng đồng doanh nghiệp của cả hai quốc gia là rất quan trọng, trong đó các công ty vừa và nhỏ đóng một vai trò thiết yếu.

Hiện tại, chúng tôi tập trung vào việc tập hợp các doanh nghiệp trong các lĩnh vực then chốt đối với nền kinh tế của cả hai nước như thực phẩm, đồ uống, du lịch và dệt may. Năm 2018, thông qua Đại sứ quán, nhiều công ty Việt Nam trong các lĩnh vực này đã được mời tham gia Hội nghị bàn tròn kinh doanh (có tên là MacroRueda de Negocios) tại Thượng Hải, một sự kiện lớn nơi các nhà nhập khẩu trên toàn châu Á gặp gỡ trực tiếp các công ty xuất khẩu Colombia. Vào năm 2021, chúng tôi sẽ tiếp nối Hội nghị này, dự kiến sẽ tổ chức từ ngày 22 tháng 2 đến ngày 5 tháng 3. Các doanh nghiệp của Việt Nam nếu quan tâm có thể liên hệ với chúng tôi. 

Chúng tôi hy vọng rằng năm 2021 sẽ là một năm hiệu quả khi dự kiến các phái đoàn và các doanh nghiệp cả hai bên sẽ đến thăm, đồng thời đẩy mạnh các cuộc họp dưới hình thức trực tuyến nhằm đánh giá và mở ra các hoạt động hợp tác kinh doanh mới.

Ông Guido Hildner - Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam: Sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam là lực lượng lao động hùng hậu.

CHLB Đức và Việt Nam gắn kết với nhau bằng quan hệ hữu nghị lâu năm và quan hệ đối tác chặt chẽ. Năm 2020 cũng là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam. Trong quãng thời gian đó quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát triển liên tục. Năm 2020 hai nước đảm nhận những trọng trách đặc biệt. Cả hai nước là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Đức là Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU trong nửa cuối của năm. Hai bên nỗ lực vì trật tự quốc tế dựa trên quy tắc gìn giữ luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương, nỗ lực cho tự do trên biển và tự do thương mại. Đức rất coi trọng việc tăng cường chủ nghĩa đa phương. Chúng tôi rất mong muốn làm sao tăng cường quan hệ EU - ASEAN, dự kiến thời gian tới sẽ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược EU - ASEAN.

Sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam với nhà đầu tư Đức là lực lượng lao động hùng hậu, vị trí địa lý thuận lợi khi nằm giữa một khu vực tăng trưởng kinh tế rất mạnh. Vấn đề Việt Nam cần cải thiện là trình độ nguồn nhân lực, đó là vấn đề chúng tôi hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam. Yêu cầu chúng tôi đặt ra là rất cao.

Trong quan hệ kinh tế, việc ký Hiệp định Thương mại Tự do EU -  Việt Nam (EVFTA) đã tạo nên cột mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa EU và Việt Nam. Trước khi ký Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU. Sau khi ký, chắc chắn trao đổi thương mại giữa hai nước sẽ tăng lên.

Đức thúc đẩy phát triển của Việt Nam thông qua các dự án phát triển từ nhiều năm nay. Hai bên thống nhất tiếp tục duy trì hợp tác phát triển trong 3 trọng tâm: Môi trường, năng lượng, dạy nghề. Biến đổi khí hậu là thách thức tiếp theo trong quan hệ hai nước. Tổng ngân sách cho các dự án hợp tác song phương này là hơn 1 tỷ euro.

Trong thời gian sắp tới, lĩnh vực đào tạo - dạy nghề cũng là một trong những trọng tâm mà hai nước cần đẩy mạnh hợp tác. Hiện có hơn 6.700 học sinh, sinh viên và hơn 1.000 nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Đức. Điều này minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong lĩnh vực này. Cùng với đó là hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước thông qua Hiệp định EVFTA. Đó sẽ là những nội dung mà chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ, đẩy mạnh hợp tác trong năm 2021.

Ông Pier Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam: Điều chỉnh chính sách là con đường tốt nhất để Việt Nam hội nhập sâu hơn.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU trong 30 năm qua phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, quốc phòng đến kinh tế-thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa... Hai bên chia sẻ những chính sách chung; tin tưởng vào nền kinh tế mở, xã hội mở, giao lưu nhân dân và trật tự đa phương. Việt Nam là nước có số lượng Hiệp định Thương mại lớn nhất tại châu Á, vì thế, chúng tôi mong muốn thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương với các bạn.

Năm 2020, đánh dấu mối quan hệ giữa Việt Nam và EU thông qua việc ký kết EVFTA. EVFTA cho thấy kết quả mang lại cả lợi ích hữu hình và nhiều lợi ích kinh tế khác, không đơn thuần là giảm thuế cho các đơn vị xuất nhập khẩu và có lợi cho túi tiền của người dân. Tôi đánh giá thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là phần nội dung quan trọng của EVFTA. EU muốn tăng cường hơn nữa FDI với Việt Nam, nếu không tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu và hoạt động thương mại toàn cầu là bất lợi rất lớn. Vì vậy, cần có sự hiểu biết sâu sắc về các chuỗi giá trị toàn cầu, những cơ hội và thách thức để làm sao có thể tăng cường được vị thế của Việt Nam, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị này.

Việt Nam chưa cần tạo ra thay đổi lớn toàn bộ các chính sách, nhưng phải có những điều chỉnh để chính sách càng phù hợp với các quy định của EU, bởi đó là điều các nhà đầu tư EU rất quan tâm. Việc làm rõ và điều chỉnh chính sách là con đường tốt nhất để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.Với việc EVFTA được thông qua, Việt Nam có hầu hết yếu tố để các công ty đến đây. 

Tôi nghĩ phần còn lại phụ thuộc vào Chính phủ Việt Nam. Nhà đầu tư sẽ không đến chỉ vì mời gọi hoặc giảm thuế, mà họ sẽ đến nơi có môi trường đầu tư tốt nhất. Chính phủ Việt Nam nên tinh giản thủ tục hành chính, đây là yếu tố quan trọng trong quyết định của nhà đầu tư.

Tôi nghĩ Chính phủ hiểu điều này và đang cố gắng thực hiện. Nếu làm được vậy, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất của khu vực.

Bảo Trinh