Vì sao golf lại là môn thể thao của người giàu?

15:10 21/03/2022

Không chỉ Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, người ta vẫn gọi golf bằng những cái tên như “thú chơi quý tộc” hay “môn thể thao của người giàu”.

Golf được du nhập về Việt Nam từ những năm 1920 nhờ vua Bảo Đại. Thời điểm đó, golf là môn thể thao xa xỉ của vua chúa mà hiếm người Việt nào biết đến. Phải tới những năm 1990, bộ môn này mới thực sự nổi tiếng.

Tuy nhiên, nổi tiếng không có nghĩa là trở nên “bình dân”. Từ lúc mới xuất hiện tại Việt Nam cho tới nay, golf vẫn luôn là môn thể thao đẳng cấp dành cho giới thượng lưu giàu có vì chi phí cho mỗi lần chơi golf  được xếp vào dạng "tốn kém".

Golf xứng danh là môn thể thao của người giàu
Golf xứng danh là môn thể thao của người giàu.

Với người mới bắt đầu chơi golf, chi phí đội lên khá nhiều. Trước hết, người chơi cần đầu tư một khóa học đánh golf cơ bản với học phí tầm 1.000 - 2.000 USD trong khoảng 3 tháng. Mức chi phí này có thể tăng thêm nếu người dạy có tên tuổi. Tất nhiên chất lượng bài học cũng sẽ tốt hơn. Trong lúc học, người chơi còn phải bỏ tiền thuê gậy, thuê sân, thuê bóng...

Nếu không muốn thuê gậy, người chơi có thể tự mua bộ gậy golf của riêng mình. Và đây cũng là khoản đầu tư tốn kém nhất. Giai đoạn mới bắt đầu, golfer có thể sử dụng bộ gậy cũ hoặc mua của các hãng tầm trung để có thể giảm bớt chi phí.

Thường một bộ gậy golf ở mức trung bình sẽ có giá dao động quanh mức 1.500 - 2.000 USD. Gậy xịn hơn có thể lên tới hàng chục nghìn USD. Nhiều golfer chọn cách không mua gậy mới mà bỏ ra 25 USD để thuê gậy chơi golf.

Với golfer xác định theo đuổi lâu dài, họ cần sở hữu thẻ hội viên của một sân gorf nào đó, bởi nếu chơi theo dạng vãng lai thì chi phí mỗi vòng chơi rất đắt đỏ. Tùy vào sân mức chi phí cho thẻ hội viên sẽ khoảng từ 20.000 USD – 25.000 USD mỗi năm. Đối với sân golf đẳng cấp, riêng tư dặc biệt, giá còn có thể lên tới 50.000 USD – 60.000 USD/người/năm.

Một chiếc thẻ thành viên của các câu lạc bộ golf độc quyền, sang trọng cũng thường đi kèm với một địa vị xã hội cao hơn. Vì để sở hữu, thường có nhiều yêu cầu khắt khe, không chỉ bao gồm tiền bạc. 

Ngoài ra, một số câu lạc bộ siêu sang chỉ gửi thẻ thành viên cho một số người nhất định. Không phải cứ bỏ thật nhiều tiền là có thể mua được vị trí hội viên tại đây. Nếu bạn là thành viên của một câu lạc bộ như vậy, điều đó có nghĩa là bạn có rất nhiều mối quan hệ có địa vị cao và quen thuộc trong giới thượng lưu. 

Trong mỗi trận golf, khoản chi phí lớn nhất phải chi chính là phí thuê sân. Ngoài tiền gậy thì người chơi cũng cần chi một khoản cho thời trang golf bởi đây là một trong số những chuẩn mực trên sân golf mà bạn cần phải tuân thủ để thể hiện được phong cách, đẳng cấp chơi golf. Tùy vào túi tiền mà mỗi người chơi sẽ tự quyết định việc mua hàng chính hãng hay hàng Việt Nam xuất khẩu để tiết kiệm chi phí.

Khi chơi golf, người chơi thường sẽ cần xe điện để di chuyển trong sân và thuê caddies golf. Khoản chi phí này được tính dựa trên số giờ chơi golf hoặc số lượt người chơi thuê trong một gói.

Sân golf Shadow Creek (Mỹ) – một trong những sân golf đắt nhất thế giới
Sân golf Shadow Creek (Mỹ) – một trong những sân golf đắt nhất thế giới.

Tại Việt Nam, lệ phí sân golf thường được chia làm 3 loại: Đối với hội viên mức phí dao động khoảng 15 - 30 USD cho mỗi lần chơi. Khách mời của hội viên phải trả giá cao hơn, khoảng 60 - 80 USD. Phí cho khách vãng lai là cao nhất, lên tới 100 USD. Chi phí này có thể thay đổi tùy vào khung giờ khách đặt, cũng như sẽ cao hơn nếu chơi vào thời điểm cuối tuần.

Đây là mới tính phí chơi golf, chưa kể đến tiền trà nước, tiền típ cho Caddie cũng trung bình khoảng 300.000 đồng nữa, phí thuê xe điện riêng từ 500.000-800.000 đồng. Cuối cùng sẽ là chi phí ăn uống sau mỗi lần tập tại các nhà hàng 5 sao trên sân golf. Golfer sẽ chi trả khoảng 500.000 đồng trở lên tùy theo món ăn lựa chọn.

Golf là môn thể không đòi hỏi nhiều năng lượng thể chất. Nó cũng không yêu cầu người chơi phải có phong độ thể lực cao. Thậm chí, người lớn tuổi cũng có thể tiếp tục chơi golf. Golf cũng thu hút người chơi nhờ khu vực sân chơi cực rộng với cảnh quan thiên nhiên đẹp và luật chơi độc đáo, khó dự đoán kết quả.

Tuy nhiên, nhiều cá nhân chơi golf không chỉ vì đam mê thể thao mà để có cơ hội kết nối và giao lưu với những người giàu có khác. Càng tham gia vào nhiều mạng lưới quan hệ thì họ càng có nhiều cơ hội hợp tác, tiến tới những giao dịch kinh doanh. Khi mọi người dành thời gian chơi golf cùng nhau, cùng bàn bạc về các chiến thuật, chúc mừng những cú swing đẹp mắt, họ trở nên thân thiện với nhau hơn. Điều này giúp cả hai bên cùng tìm ra một thỏa thuận, giải quyết những khác biệt về quan điểm và phát triển một kế hoạch thành công. 

(t/h)