Vắc xin Cuba mang lại hy vọng cho các quốc gia có thu nhập thấp

22:24 13/01/2022

Tỷ lệ tiêm chủng của Cuba hiện đã vượt qua hầu hết tất cả các cường quốc trên thế giới. Hòn đảo Caribe đã đạt được cột mốc quan trọng bằng cách sản xuất vắc xin Covid-19 của riêng mình ngay cả khi phải vật lộn với lệnh cấm vận thương mại, thiếu nguồn cung lương thực kéo dài hàng thập kỷ của Hoa Kỳ.

Một con phố ở Havana, Cuba giữa đại dịch Covid-19 vào ngày 2 tháng 10 năm 2021
Một con phố ở Havana, Cuba giữa đại dịch Covid-19 vào ngày 2 tháng 10 năm 2021. (Ảnh: Xinhua)

Bà Helen Yaffe, chuyên gia kiêm giảng viên đại học Glasgow, Scotland chia sẻ: "Đó là một kỳ tích đáng kinh ngạc. Vắc xin Cuba là sản phẩm của chính sách, ý thức của chính phủ về đầu tư cho lĩnh vực này".

Cho đến nay, theo số liệu của Our World in Data, khoảng 86% dân số Cuba đã được tiêm phòng đầy đủ ba liều. Con số này bao gồm cả trẻ em nhỏ từ hai tuổi đã bắt đầu được chủng ngừa từ vài tháng trước. Cơ quan y tế đất nước hiện đang triển khai các mũi tiêm tăng cường cho toàn bộ dân số trong tháng này nhằm hạn chế lây lan biến thể Omicron. Bà Yaffe cũng nhấn mạnh: "Theo tôi, nhiều quốc gia ở phía nam bán cầu coi vắc xin Cuba là hy vọng tốt nhất của họ để được tiêm chủng vào năm 2025".

Đất nước nhỏ bé với khoảng 11 triệu dân là quốc gia duy nhất tại Mỹ Latinh và vùng Caribe nghiên cứu thành công vắc xin "cây nhà lá vườn". Ông John Kirk, giáo sư danh sự tại đại học Dalhousie, Canada chỉ ra công nghệ sinh học của Cuba đã phát triển năm loại vắc xin Covid khác nhau, bao gồm Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus. Tuy nhiên dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của vắc xin của Cuba chưa qua đánh giá đồng cấp khoa học quốc tế. Về thành phần và công thức, không giống như các hãng dược khổng lồ như Pfizer và Moderna, tất cả vắc xin của Cuba đều là dưới dạng đơn vị phân tử sẽ có giá thành rẻ hơn, có thể sản xuất quy mô lớn và không yêu cầu cấp đông sâu, phù hợp với các nước thu nhập thấp. 

Trong bối cảnh chưa đến 10% dân số châu Phi tiêm chủng đầy đủ, vắc xin Cuba xuất hiện như một cứu cánh, đem lại niềm tin cho nhiều quốc gia nghèo khó. Để hy vọng này thành hiện thực, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ cần phê duyệt vắc xin Cuba. Thế nhưng quan chức y tế nước này cho rằng quy trình đánh giá của WHO đã làm chậm tiến độ đưa vắc xin vào sử dụng. 

Cả bà Yaffe và ông Kirk đều đồng tình rằng nếu WHO chấp nhận thông qua vắc xin do Cuba sản xuất sẽ mang lại ý nghĩa to lớn đối với các quốc gia đang phát triển. "Vắc xin ảnh hưởng tới tất cả chúng ta, những gì thế giới đang trải qua với biến thể Omicron và sẽ còn nhiều biến thể khác sau này, đặc biệt là khi các nước tư bản tích trữ vắc xin", bà Yaffe nhận định. Với ông Kirk: "Điều quan trọng là vắc xin Cuba không yêu cầu bảo quản nhiệt độ cực thấp như Pfizer và Moderna. Tại những nơi như châu Phi không có khả năng lưu trữ, đây là một bước tiến đáng kể". Ông cũng chỉ ra rằng Cuba đã đề nghị tham gia chuyển giao công nghệ để chia sẻ chuyên môn sản xuất vắc xin của mình với các nước thu nhập thấp: "Mục tiêu của Cuba không phải là kiếm tiền nhanh mà là giữ cho hành tinh chung được khỏe mạnh. Dù có thể tạo ra lợi nhuận nhưng Cuba không trục lợi bằng lãi cắt cổ như một số công ty đa quốc gia khác".

TL