UBND xã Nhuận Trạch (Hòa Bình): Có hay không giá gói thầu được “phù phép” cao hơn thị trường?

09:20 18/11/2020

Nhiều hàng hóa trong gói thầu có dấu hiệu được đẩy giá cao hơn so với ngoài thị trường, nhà thầu trúng thầu có năng lực hạn chế, gói thầu có chỉ số tiết kiệm thấp, là những điểm nổi cộm bất thường trong hoạt động đấu thầu tại UBND xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình?

Tòa soạn Doanh nghiệp & Hội nhập nhận được thông tin phản ánh về việc gói thầu do UBND xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn làm chủ đầu tư có dấu hiệu thẩm định giá cao hơn so với thị trường, chỉ số tiết kiệm thấp, nhà thầu trúng thầu năng lực hạn chế. Vậy có hay không việc cá nhân, tổ chức đứng sau “gửi giá” nhằm trục lợi bất chính từ hoạt động đấu thầu công khai, minh bạch?

 

Quyết định lựa chọn nhà thầu

Ngày 06/10/2020 ông Hoàng Văn Thống – Chủ tịch UBND xã Nhuận Trạch ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: “Mua sắm, lắp đặt trang thiết bị cho UBND xã Nhuận Trạch” có giá gói thầu là 703.202.000 VNĐ. Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nội thất Mai Dung với giá trúng thầu 701.190.000 VNĐ, thời gian thực hiện 20 ngày.

Qua tìm hiểu, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nội thất Mai Dung thành lập năm 2018, có 3 nhân viên. Tuy vậy cùng thời điểm đó công ty này thực hiện nhiều gói thầu như: Gói thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ công trình nhà văn hóa xã Hà Sơn do UBND xã Hòa Sơn làm chủ đầu tư có giá trị trúng thầu là 992.090.000 VNĐ ngày 28/9/2020; Gói thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ trụ sở làm việc Huyện ủy Lương Sơn do UBND huyện Lương Sơn làm chủ đầu tư có giá trúng thầu là 990.547.000 VNĐ ngày 3/9/2020; Gói thầu mua sắm thiết bị dạy học cho các Trường Tiểu học và THCS Nhuận Trạch, Tân Vinh, Cửu Long do phòng Giáo dục và Đào tạo Lương Sơn làm chủ đầu tư có giá gói thầu là 729.750.000 VNĐ ngày 3/9/2020. Với năng lực nhân sự, tài chính như vậy, liệu Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nội thất Mai Dung có đáp ứng được những tiêu chí để thực hiện gói thầu trên đúng quy định hay không?

Ngoài chỉ số tiết kiệm rất thấp, đáng chú ý tại phần giá của các hạng mục hàng hóa trong gói thầu có dấu hiệu được “phù phép” cao hơn thị trường một cách bất ngờ, đơn cử như: Sản phẩm bàn hội trường với thông số kỹ thuật được làm bằng gỗ MDF siêu mịn sản, bề mặt sơn phủ PU chống xước, chống ẩm. Mặt bàn hình chữ nhật có sơn khác mầu tạo điểm nhấn, có tạo gờ mặt trước kích thước: (1200x500x750)mm có đơn giá dự thầu là 6.990.000 VND/chiếc, sản phẩm có giá trên thị trường khoảng 1.559.000/chiếc VND. Với số lượng 56 chiếc chênh lệch khoảng 304.136.000 VND.

Sản phẩm bàn hội trường có giá thị trường.

Tiếp đến, sản phẩm điều hòa Funiki ký hiệu mác sản phẩm 24000BTU có đơn giá dự thầu là 14.750.000 VND/bộ, sản phẩm có giá trên thị trường khoảng 11.650.000/bộ VND. Với số lượng 5 bộ chênh lệch khoảng 15.500.000 VND.

 

Sản phẩm điều hòa Funiki 24000BTU trên thị trường.

Ngoài ra một số sản phẩm trong gói thầu có giá trị chênh lệch rất cao so với thị trường ...

Để xác minh thông tin, phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND xã Nhuận Trạch. Sau nhiều ngày, phóng viên có buổi làm việc với ông Lê Vinh Quang  – Công chức Tài chính Kế toán UBND xã Nhuận Trạch. Ông Quang cho biết:“Khi xét một nhà thầu có trúng thầu hay không, giá không thể nói lên tất cả mà đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chất lượng. Tuy Công ty Đông Nam bỏ giá thấp hơn nhưng báo cáo kỹ thuật không đạt”. Còn việc thẩm định giá gói thầu thì theo ông Quangt: Tại vì họ là đơn vị độc lập nên không rõ họ căn cứ như thế nào, tin tưởng hoàn toàn vào đơn vị thẩm định giá. Với thông tin đơn vị trúng thầu liên tiếp trúng thầu nhiều gói thầu cùng thời điểm, thực hiện nhiều gói thầu thì đại diện phía chủ đầu tư không nắm được. Còn thông tin năng lực kinh nghiệm, các hợp đồng tương đương, nguồn gốc sản phẩm tại gói thầu trên, phía đại diện chủ đầu tư chưa cung cấp được lý do bảo mật thông tin nhà thầu.

Trao đổi về vấn đề trách nhiệm của chủ đầu tư khi giá cao hơn thị trường thì ông Quang cho rằng, vấn đề này thuộc về trách nhiệm đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm định giá do hợp đồng đã được ký kết với các đơn vị trên. Điều này khiến dư luận đặt ra nghi vấn, việc giá hàng hóa được mua sắm trong gói thầu có dấu hiệu cao hơn thị trường là sự ngẫu nhiên hay có sắp đặt từ trước? Trách nhiệm chủ đầu tư ở đâu khi giá sản phẩm trong gói thầu cao hơn thị trường, có hay không việc chủ đầu tư dành sự “ưu ái” cho nhà thầu có năng lực không phù hợp?

Đề nghị UBND huyện Lương Sơn, UBND tỉnh Hòa Bình, Cục Quản lý Hoạt động Đầu thầu sớm vào cuộc thanh tra, làm rõ những dấu hiệu bất thường tại gói thầu do UBND xã Nhuận Trạch làm chủ đầu tư. Đồng thời, cần làm rõ cá nhân, tổ chức có dấu hiệu buông lỏng quản lý nhằm “gửi giá” để trục lợi bất chính từ  hoạt động đấu thầu công khai, minh bạch này.

Doanh nghiệp & Hội nhập  sẽ tiếp tục thông tin về vụ viêc.

Văn Tiến- Tuyết Nhung