Tỷ lệ cao doanh nghiệp Nhật Bản định hướng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam

23:55 18/01/2022

Đó là thông tin của ông Takeo Nakajama - Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại buổi làm việc với Bộ Công Thương tại Hà Nội, diễn ra chiều ngày 18/1.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao nỗ lực của JETRO trong tiến hành cuộc khảo sát và đưa ra kết quả hữu ích đối với nhiều đối tượng phía Việt Nam, trong đó có Bộ Công Thương. Chúng ta nhận thấy, năm 2020, 2021 DN Nhật Bản tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn chủ yếu do điều kiện khách quan là dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn giữ vững được hoạt động sản xuất kinh doanh, đây là điều đáng mừng.

Tại buổi làm việc, ông Takeo Nakajama - Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội đã trình bày sơ lược kết quả Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm chính sách 2021 (ấn bản Việt Nam). Theo ông Takeo Nakajama, khảo sát được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 9/2021- thời điểm Việt Nam đang hứng chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, nhất là tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam do đó kết quả khá “khắt khe”. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng gợi mở chính sách cho Việt Nam trong việc xây dựng hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản.

Cuộc khảo sát, ngoài những nội dung truyền thống được thực hiện hàng năm như: Triển vọng lợi nhuận kinh doanh, triển khai hoạt động kinh doanh từ nay về sau, sức hấp dẫn và vấn đề trong môi trường đầu tư, JETRO đã đưa thêm một số nội dung vào khảo sát năm 2021, như: Nỗ lực trong việc khử carbon, việc sử dụng công nghệ số, vấn đề nhân quyền trong chuỗi cung ứng…

Thông qua kết quả khảo sát, JETRO đã chỉ ra những điểm chính trong định hướng của các DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, số DN trả lời lợi nhuận kinh doanh “cải thiện” đã tăng lên so với khảo sát lần trước. Tuy nhiên, hơn 40% DN tại miền Nam và miền Trung của Việt Nam có lợi nhuận kinh doanh “suy giảm”.

Tỷ lệ DN có dự định mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới tại Việt Nam là 55.3%, đứng đầu khu vực ASEAN. Việt Nam có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, như: Khả năng thị trường, tiềm năng phát triển, tình hình chính trị, xã hội ổn định, chất lượng nhân viên cao. 67% số DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng hoá sang Nhật Bản. Tỷ lệ sử dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do là 60% và tăng dần quan từng năm.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra những rủi ro đối với DN Nhật Bản đến từ thủ tục hành chính phức tạp, tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên cao. Mặc dù mức lương tối thiểu năm 2021 không tăng nhưng tại các DN của Nhật Bản, lương tăng trung bình 5,4%. Mặt khác, nhiều DN muốn mở rộng việc thu mua tại chỗ nhưng chất lượng, kỹ thuật của bên đối tác chưa đủ, thu mua nguyên vật liệu trong nước còn khó khăn.

Tại Việt Nam, DN Nhật Bản quan tâm nhiều nhất đến tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm tài nguyên trong xu thế nỗ lực giảm lượng phát thải khí hiệu ứng nhà kính (khử carbon). Ngoài ra, ít DN Nhật Bản đang hợp tác với DN khởi nghiệp của Việt Nam, chỉ khoảng 5% và DN có dự định hợp tác chỉ ở mức 3% nhưng DN có quan tâm hợp tác là 30%, cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á, châu Đại Dương.

Với những điểm còn hạn chế được chỉ ra thông qua kết quả khảo sát như thủ tục hành chính phức tạp, tăng lương và tỷ lệ nhân viên nghỉ việc ở mức cao…, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đó là những nhược điểm cần khắc phục. “Trong thời gian tới chúng tôi mong muốn nhận được sự hợp tác với JETRO để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động thiết thực với DN hai nước”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, giải thích cho sự chênh lệch tăng doanh thu giữa DN Nhật Bản và DN trong nhóm hàng thực phẩm nói chung, đại diện JETRO, bày tỏ: Trong bối cảnh dịch bệnh, tăng doanh thu ở nhóm mặt hàng thiết yếu có sự gia tăng. Tuy nhiên, DN Nhật Bản sản xuất mặt hàng cao cấp, sản phẩm phục vụ cho hệ thống nhà hàng bị ảnh hưởng do nhà hàng đóng cửa.

Cùng đó, DN chế biến thực phẩm của Nhật Bản tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam. Thời điểm khảo sát khu vực này đang rất căng thẳng về dịch bệnh đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của DN. “Tuy nhiên, triển vọng phục hồi ngành thực phẩm trong năm 2022 thuộc top trên”, ông Takeo Nakajama nói.

Trước kết quả khảo sát chỉ ra vấn đề nhận thức về hiệp định thương mại tự do còn hạn chế và gánh nặng thủ tục xuất nhập khẩu của DN Nhật Bản, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mong muốn: Thông qua JETRO, Bộ Công Thương muốn biết cụ thể gánh nặng của DN Nhật Bản là gì để có phương án xử lý. Cùng đó, để khuyến khích DN sử dụng các hiệp định thương mại tự do trong xuất nhập khẩu, JETRO hợp tác với Bộ Công Thương trong công tác tuyên truyền, chuẩn bị tài liệu để giới thiệu sâu rộng hơn nữa các hiệp định thương mại tự do tới DN Nhật Bản.

Hùng Nga