Từ chuyện xuất khẩu nông sản đến chuyện “đi đánh xứ người”

08:58 20/10/2020

Hiệp định EVFTA mang đến vô vàn lợi ích nhưng không có nghĩa là được trải thảm đỏ cho các doanh nghiệp. Để vào được thị trường EU thì doanh nghiệp phải vượt qua những tiêu chí rất ngặt nghèo, phải chắt chiu từ những việc làm nhỏ, đảm bảo chuẩn mực, chữ tín và lựa chọn hướng đi bền vững…

Hiệp định EVFTA sẽ giúp nông sản Việt Nam vươn xa

Muốn đi đường dài phải tuân thủ luật chơi

EVFTA là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thứ 13 mà Việt Nam tham gia có hiệu lực. Hiệp định này giúp nông sản Việt Nam vươn xa, với thuế suất bằng 0%, các mặt hàng nông sản có cơ hội cạnh tranh với các nước và điều kiện xuất khẩu trở nên thuận lợi hơn. Tận dụng điều đó, những doanh nghiệp (DN) có nhiều kinh nghiệm đã phản ứng nhanh nhạy hơn để nắm bắt các cơ hội xuất khẩu với ưu đãi thuế quan.

Với kinh nghiệm làm việc có sẵn với Đức hơn 20 năm và có mối quan hệ tốt với Đức và EU, ông Đỗ Văn Vẻ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hương Sen, cho rằng, Hiệp định EVFTA là sự nỗ lực đàm phán gần một thập kỷ qua của của Việt Nam và EU để có được kết quả này. Đây là một Hiệp định rộng lớn và hiện đại, toàn diện, phù hợp với người dân và cộng đồng doanh nghiệp của châu Âu và Việt Nam, được ví như “con đường cao tốc” giữa Việt Nam và EU- một thị trường chiếm đến 22% GDP của thế giới.

“Thị trường EU rất rộng lớn, chúng ta cần tận dụng để đưa các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường này, nhất là các mặt hàng có lợi thế như là dệt may, nông, lâm, thủy sản… một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tất nhiên, ở chiều ngược lại chúng ta cũng có những áp lực rất lớn từ các mặt hàng nhập vào như sữa, các mặt hàng logistics, tài chính… Chúng ta cần chớp lấy, cần làm nhanh, vào cuộc ngay và cần hiểu được luật chơi đối với thị trường, và nhất là phải nâng chất lượng sản phẩm...”, ông Vẻ khẳng định.

Là doanh nghiệp có lô hàng giá trị cao xuất khẩu đợt này, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group chia sẻ: Lô hàng xuất khẩu đợt này của Vina T&T Group qua EU gồm 2.200 thùng quả dừa; 13 tấn bưởi và 3 tấn thanh long với tổng giá trị 73.000 USD. Điểm đặc biệt của lô hàng này chính là được hưởng những ưu đãi do Hiệp định EVFTA mang lại. “Sau khi EVFTA có hiệu lực các mặt hàng xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào EU được hưởng nhiều lợi thế, đặc biệt là thuế quan. Chính điều này đã tạo động lực cho Vina T&T nói riêng và các DN xuất khẩu rau quả nói chung của Việt Nam tập trung khai thác mạnh hơn thị trường này trong thời gian tới”, ông Tùng cho biết.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Tùng còn chia sẻ thêm, để vào được châu Âu DN phải có vùng trồng quy hoạch rõ ràng theo tiêu chuẩn Global GAP và nhà máy chế biến phải đạt tiêu chuẩn HACCP. Cụ thể, Vina T&T đã xây dựng nhà máy sơ chế đạt chuẩn HACCP, đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu 500 hecta tại Vĩnh Long và Đồng Tháp để trồng xoài, nhãn và một số loại trái cây khác để phục vụ cho xuất khẩu. Ngoài ra, Công ty còn xây dựng những chứng chỉ xã hội, môi trường… để phấn đấu tăng 20% kim ngạch xuất khẩu vào EU trong năm 2021.

Tương tự, câu chuyện hạt gạo Việt tiến vào EU kể từ khi EVFTA có hiệu lực đã gây nhiều ấn tượng khi lần đầu tiên giá gạo Việt xuất khẩu chạm đến mức kỷ lục hơn 1.000 USD/tấn. Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Đức và Pháp với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết, giá gạo ST20 mà Công ty xuất khẩu sang EU đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn. Trong khi trước đây, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU chỉ khoảng 800 USD/tấn, gạo Jasmine 520 USD/tấn. Cũng theo ông Phạm Thái Bình, bản thân Công ty đã xuất khẩu gạo sang EU nên hiểu thị trường này luôn yêu cầu chất lượng rất cao. Sản phẩm phải có vùng trồng rõ ràng, truy xuất được nguồn gốc và có chứng nhận GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), VietGAP hoặc tương đương và bảo đảm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. 

“Để xuất khẩu được hàng hóa sang thị trường hơn 500 triệu dân này, các DN cần hiểu cặn kẽ yêu cầu thị trường EU về chất lượng, an toàn thực phẩm và xuất xứ. Bên cạnh đó, DN cần phối hợp chặt chẽ với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường”, ông Bình khuyên.

  

Tuân thủ cam kết EVFTA sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu gạo vào EU

Vào cuối tháng 9, 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg của Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) đã lên đường sang châu Âu bằng visa mang tên Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Được biết, để có được kết quả trên, Tập đoàn Lộc Trời đã đầu tư tập trung cho việc trồng và kiểm soát chất lượng cho thị trường EU từ năm 2018 và đã xuất khẩu hơn 10.000 tấn gạo, bao gồm Jasmine 85, Japonica DS1, OM18, OM5451... vào thị trường này với nhiều quy cách đa dạng. Từ ngày 1/8, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, Tập đoàn Lộc Trời đã có sự chuẩn bị trên các lĩnh vực về giống, vùng trồng, lực lượng cho mùa vụ tiếp theo, chủ động làm việc với các đối tác EU để nắm bắt về số lượng, chủng loại và các yêu cầu khác để đáp ứng phù hợp. 

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Tập đoàn Lộc Trời ý thức rõ việc hàng hóa muốn xuất khẩu vào các thị trường này cần đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng. Với chiến lược tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và năng lực sản xuất luôn đáp ứng các tiêu chuẩn cao cấp, Lộc Trời sẽ nỗ lực tận dụng hiệu quả những ưu đãi mà Nhà nước đã mang lại, đưa hạt gạo nói riêng và nông sản nói chung đến các thị trường trên khắp thế giới. Đặc biệt, Lộc Trời đang triển khai lộ trình tiến tới mục tiêu tiêu thụ 1 triệu tấn gạo thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống 1.000 HTX liên kết, ứng dụng 1.000 thiết bị máy bay không người lái (drone) trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024.

 

EVFTA đang mở ra cơ hội cho các DN tiến vào thị trường EU

Tuân thủ cam kết EVFTA để tận dụng cơ hội

Theo một đánh giá, hơn 50% các DN Việt Nam có thể đáp ứng được tiêu chí của thị trường châu Âu (có thể đáp ứng chứ chưa hẳn là đáp ứng được mà cần phải phấn đấu). Như vậy, số DN chưa đáp ứng được là không nhỏ, trong đó, có hơn 98% là DN nhỏ và vừa, và đây là bài toán khó cần giải quyết.

Mặc dù có nhiều cơ hội, nhưng lại có rất ít DN tìm hiểu về EVFTA, điều đó cho thấy DN sẽ để vuột mất nhiều cơ hội. Việt Nam được đánh giá là thị trường có lợi thế về lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong khi EVFTA đang mở ra cơ hội cho các DN tiến vào thị trường, nhưng nếu không quan tâm thì sẽ không thể bước vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu. Bên cạnh đó, thị trường EU yêu cầu về nguồn xuất xứ rất cao, nhưng hầu hết hàng linh kiện lại nhập từ Trung Quốc và các nước Asean, cho nên DN Việt Nam rất khó mà đạt được mức giảm thuế xuống 0%.

Cơ hội xuất khẩu vào EVFTA thì rất nhiều DN nhận thức được, nhưng không phải ai cũng nắm bắt và tận dụng thực sự được cơ hội. Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) từng chia sẻ rằng, tại một hội thảo có đến 90% DN xuất khẩu sang EU nhưng phần lớn theo hình thức FOB. Nghĩa là người bán chỉ cần giao hàng lên tàu ở cảng, không cần quan tâm đến thuế, chi phí vận chuyển hay bảo hiểm, trong đó có mặt hàng gạo. DN Việt nhận được rất nhiều đơn hàng từ EU nhưng chỉ là xay xát. Khi xuất khẩu sang EU thì sản phẩm đó được dán nhãn, thương hiệu của họ chứ không phải của Việt Nam. Như vậy, DN Việt chỉ gia công sản phẩm thôi, giá trị mang lại vẫn thấp và không có nhiều khác biệt. Vì vậy, để tận dụng được thực sự cơ hội, thuế suất mà EVFTA mang lại, DN phải chủ động tự nâng cấp mình, phải thay đổi tư duy "an phận thủ thường" với hợp đồng gia công. Đồng thời là nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đầu tư trang thiết bị, máy móc và nắm rõ những nguyên tắc của Hiệp định. Có như vậy "cao tốc' EVFTA mới thực sự có ý nghĩa với doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Khanh còn cho rằng, trên hành trình chinh phục người tiêu dùng, cạnh tranh ngay trên sân nhà trong khuôn khổ EVFTA hay bất cứ Hiệp định nào khác thì còn cần sự vào cuộc, sự hỗ trợ  và quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Bởi đến nay, EVFTA có hiệu lực được 2 tháng, số lượng kế hoạch triển khai Hiệp định mà Bộ Công Thương nhận được từ các bộ, ngành, địa phương vẫn còn rất khiêm tốn, dù trước đó Chính phủ đã có kế hoạch triển khai thực thi từ rất sớm. Hoặc tránh lặp lại tình trạng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau 8 tháng có hiệu lực, Bộ Công Thương mới nhận được đầy đủ kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định của các bộ, ngành địa phương.

 Có thể nói chỉ khi nâng cao được năng lực cạnh tranh của DN thì đó mới là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt ở những giá trị cao hơn. Rõ ràng, phát triển bền vững trong DN chưa bao giờ là giáo điều. Đáng nói, sự tuân thủ các chuẩn mực, đạo đức kinh doanh, tầm nhìn dài hạn trong các chiến lược phát triển của các DN đã tạo nên sức hút với dòng vốn của các quỹ đầu tư, sức hút với khách hàng… 

Bà Nguyễn Thị Trà My- Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn PAN:

Ngoài việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì DN còn phải chuẩn bị bài bản, quy mô trong toàn bộ chuỗi giá trị khép kín. Từ việc gieo trồng, sử dụng giống bản quyền, thu hoạch và chế biến bằng công nghệ, máy móc trang thiết bị hiện đại, đảm bảo sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất để đáp ứng tiêu chuẩn của EU. Có như vậy thì sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam mới có chỗ đứng vững chắc tại thị trường này sau khi "đường cao tốc đã mở", qua đó đem lại lợi ích thực sự cho người sản xuất cuối cùng: “Người nông dân Việt Nam nếu không được hưởng lợi từ EVFTA thì Hiệp định chưa thành công.

Tiến sĩ John Walsh  - Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học RMIT:

EU áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Những tiêu chuẩn này có thể sẽ ngặt nghèo hơn nữa sau đại dịch COVID-19. Châu Âu cũng đề cao việc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật hơn nhiều khu vực khác.

Ngoài ra, một số chuỗi bán lẻ cao cấp có thể có tiêu chuẩn riêng, thậm chí còn cao hơn các tiêu chuẩn chung, bởi chất lượng sản phẩm là lợi thế cạnh tranh của họ.

Nhiều người tiêu dùng châu Âu cũng đưa ra quyết định mua hàng dựa trên các tiêu chí như mức sử dụng hóa chất, các vấn đề thương mại công bằng và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Tất nhiên, số người mua hàng dựa trên giá cả vẫn đông đảo hơn và nhiều nhà bán lẻ giá rẻ đang phục vụ cho những khách hàng này. Song những nhà bán lẻ như vậy không mang lại lợi nhuận cao cho các nhà cung cấp.

Nhìn chung, để tránh bị coi là sản phẩm thô và chỉ cạnh tranh được bằng giá thành, sản phẩm phải được chế biến, đóng gói và có thương hiệu chuyên nghiệp, đồng thời phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết. Mục đích cuối cùng là thu được lợi nhuận lớn hơn, bởi lẽ người tiêu dùng thường sẵn sàng trả giá cao hơn cho hương vị, hình ảnh và thương hiệu tốt.

 

Gia Gia