TSMC nhận khoản tiền hỗ trợ lên tới 11,6 tỷ USD từ chính phủ Mỹ

10:25 09/04/2024

Theo thông báo từ Bộ Thương mại, TSMC đã cam kết mở rộng khoản đầu tư của mình lên 65 tỷ USD và xây dựng thêm một nhà máy ở Arizona vào năm 2030.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chính phủ Mỹ hôm 8/4 đã công bố kế hoạch cung cấp cho Công ty sản xuất Chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 11,6 tỷ USD để hỗ trợ khoản đầu tư của nhà sản xuất chip này cho ba nhà máy chế tạo ở bang Arizona (Mỹ), khi công ty này cố gắng thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ đã ký một thỏa thuận sơ bộ với TSMC Arizona Corporation - công ty con của TSMC, để cung cấp khoản tài trợ lên tới 6,6 tỷ USD và khoản vay khoảng 5 tỷ USD theo Đạo luật CHIPS và Khoa học để hỗ trợ khoản đầu tư hơn 65 tỷ USD của TSMC vào lĩnh vực sản xuất chip.

Theo thông báo từ Bộ Thương mại, TSMC đã cam kết mở rộng khoản đầu tư của mình lên 65 tỷ USD và xây dựng thêm một nhà máy ở Arizona vào năm 2030.

Nhà máy mới này dự kiến sản xuất công nghệ chip 2 nanomet tiên tiến nhất thế giới, đánh dấu sự cộng tác chặt chẽ giữa Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) trong lĩnh vực công nghệ, Reuters đưa tin.

Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh rằng, những con chip sẽ được sản xuất tại nhà máy mới không chỉ là nền tảng cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo mà còn là thành phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ. Việc này phản ánh cam kết của Mỹ trong việc xây dựng một nền công nghiệp chip mạnh mẽ và độc lập.

Theo Bloomberg, việc TSMC nhận được khoản hỗ trợ lớn đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại Mỹ. Trong đó, chính phủ nước này đang thuyết phục các công ty sản xuất xây dựng nhà máy ở Mỹ sau nhiều thập kỷ chuyển dây chuyền ra nước ngoài.

Nhiều công ty lớn đã công bố đầu tư hơn 200 tỷ USD vào Mỹ kể từ khi ông Biden nhậm chức vào năm 2020, với các cụm công nghệ lớn tập trung ở Arizona, Texas và New York.

“Khoản tài trợ được đề xuất từ ​​Đạo luật Khoa học và CHIPS sẽ mang lại cho TSMC cơ hội thực hiện nhiều tham vọng trong tương lai. Ngoài ra, chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ đúc và nhiều công nghệ sản xuất chip tiên tiến khác ngay tại nước Mỹ”, Mark Liu, Chủ tịch TSMC cho biết.

TSMC, là một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới và nhà cung cấp cho các tên tuổi lớn như Apple và Nvidia, đã cam kết đầu tư 40 tỉ USD vào Arizona trước đó. Dự kiến, nhà máy sản xuất chip đầu tiên của họ tại đây sẽ bắt đầu hoạt động vào nửa đầu năm 2025.

Bộ Thương mại Mỹ cũng hy vọng rằng, dự án mới sẽ tạo ra 6.000 việc làm trực tiếp và 20.000 việc làm trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, 14 nhà cung cấp trực tiếp của TSMC đã cam kết xây dựng hoặc mở rộng các nhà máy ở Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi cung ứng chip.

Ngoài TSMC, các hãng công nghệ lớn như Intel Corp., GlobalFoundries, BAE Systems Electronic Systems và Microchip Technology Inc., cho đến nay đã được chọn là đối tượng thụ hưởng các khoản tài trợ từ Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ.

Dư luận Hàn Quốc đang đổ dồn sự chú ý vào việc "gã khổng lồ" công nghệ Samsung Electronics của Hàn Quốc sẽ nhận được bao nhiêu tiền theo Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ.

Theo Hãng tin Reuters hôm 8/4, chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch sẽ trao từ 6 tỷ USD đến 7 tỷ USD cho Samsung vào tuần tới để hỗ trợ xây dựng 4 cơ sở ở thành phố Taylor, bang Texas, bao gồm cả một nhà máy sản xuất chip trị giá 17 tỷ USD mà Samsung đã công bố vào năm 2021.

Samsung có kế hoạch tăng hơn gấp đôi tổng khoản đầu tư vào chất bán dẫn ở Texas lên khoảng 44 tỷ USD - một khoản đầu tư có thể ảnh hưởng đến nguồn tài trợ mà chính quyền Tổng thống Biden sẽ cung cấp cho Samsung Electronics.

Phương Linh (T/h)

Tags: