Trung Quốc phê duyệt 1.528 mã nông sản thực phẩm của Việt Nam

16:36 09/02/2022

Tính đến ngày 8/2/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 1.528 mã sản phẩm nông sản thực phẩm cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên hiện còn một số doanh nghiệp gặp vướng mắc, đăng ký đúng quy trình hướng dẫn mà chưa được cấp mã sản phẩm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thời gian qua, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc về việc đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm sang Trung Quốc đáp ứng quy định Lệnh 248 ban hành "Quy định về Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc" và Lệnh 249 ban hành các “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (có hiệu lực ngày 1/1/2022).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, tính đến ngày 8/2/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 1.528 mã sản phẩm nông sản thực phẩm cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Tuy nhiên điều đáng chú ý là, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được kiến nghị của một số doanh nghiệp còn gặp vướng mắc.

Cụ thể, một số doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký với cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1/11/2021 theo hướng dẫn tại Công hàm số 353 ngày 27/9/2021 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc; đã có đơn hàng, đã thông quan tại cảng xuất khẩu của Việt Nam, đã có tờ khai hải quan trước ngày 1/1/2022, hiện các lô hàng đang tại cảng của Việt Nam nhưng chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã.

Trong văn bản số 17/SPS-BNNVN ngày 8/2/2022 gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc về việc phối hợp làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu các lô hàng nêu trên vì doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký đúng quy trình hướng dẫn.

Ngoài ra, theo Văn phòng SPS Việt Nam, hiện có 6 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký với cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1/11/2021 theo hướng dẫn tại Công hàm số 353 ngày 27/9/2021 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhưng chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Lương thực Intimex (Intimex Food Joint Stock Company), địa chỉ: ấp An Ninh, xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (An Ninh Hamlet, Dinh An Commune, Lap Vo District, Dong Thap Province, Viet Nam) đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã xuất khẩu sản phẩm gạo CVNM08012112010042 nhưng công ty xin bổ sung một số thông tin.

Văn phòng SPS Việt Nam cũng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra hồ sơ của 7 mã sản phẩm không thuộc thẩm quyền quản lý của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); đề nghị cấp lại mật khẩu cho doanh nghiệp và mật khẩu cho cơ quan thẩm quyền của Việt Nam là Cục Thú y (Bộ NN&PTNT).

“Để đảm bảo không làm gián đoạn thương mại nông sản giữa hai nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy việc cấp mã sản phẩm đối với các doanh nghiệp của Việt Nam đã đăng ký qua cơ quan thẩm quyền trước và sau ngày 1/11/2021 và có giải pháp xử lý các vướng mắc nêu trên”, ông Nam nhấn mạnh.

Với Lệnh số 248, toàn bộ doanh nghiệp (DN) nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu (XK) đi Trung Quốc đều phải đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thay vì chỉ áp dụng đối với DN sản xuất mặt hàng năm trong diện "Danh mục cần đăng ký" như trước đây.

Hải quan Trung Quốc phân loại DN theo mức độ rủi ro. Cụ thể, nhóm 1: DN sản xuất 18 loại thực phẩm XK sang thị trường Trung Quốc phải đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (gồm: thịt và các sản phẩm từ thịt; sản phẩm thủy sản; sản phẩm từ sữa, yến sào và sản phẩm từ tổ yến; ruột động vật (dùng làm vỏ xúc xích); sản phẩm từ ong; trứng và các sản phẩm trứng; dầu thực phẩm và nguyên liệu; bánh có nhân các loại; ngũ cốc dùng làm thực phẩm; sản phẩm bột ngũ cốc và mạch nha; các loại rau tươi, rau tách nước, đậu khô; gia vị nguồn gốc tự nhiên; quả hạch và các loại hạt; trái cây sấy khô; hạt cà phê và cacao chưa rang; thực phẩm ăn kiêng đặc biệt; thực phẩm chức năng).

Nhóm 2: Bao gồm các DN sản xuất các loại thực phẩm XK đi thị trường Trung Quốc không nằm trong 18 loại thực phẩm của nhóm 1 thì có thể tự nộp hồ sơ hoặc ủy quyền cho DN/đại lý nhập khẩu (NK) của Trung Quốc thực hiện đăng ký với Hải quan Trung Quốc thông qua "Ứng dụng quản lý đăng ký DN sản xuất thực phẩm NK nước ngoài" trên hệ thống một cửa thương mại quốc tế https://www.singlewindow.cn từ ngày 1/11/2021.

Với Lệnh số 249, Trung Quốc đưa ra một số quy định mới như: Yêu cầu đánh giá sự phù hợp, đưa ra nguyên tắc quản lý NK đối với các loại thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc và thực phẩm được sản xuất bằng nguyên liệu thực phẩm mới; thay đổi về yêu cầu ghi nhãn,...

Theo TCHQ