Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cà phê nhân lớn trong năm 2022

09:48 03/01/2022

Trung Quốc - quốc gia đông dân bậc nhất châu Á đã có nhu cầu nhập khẩu cà phê lớn trong năm ngoái và hứa hẹn rằng sẽ tiếp tục nhu cầu này trong 2022.

1 cảng xuất nhập khẩu của Trung Quốc

1 cảng xuất nhập khẩu của Trung Quốc. (Ảnh: Financial Times)

Theo tổng hợp, cà phê Việt Nam tính đến hôm nay đã chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu cà phê của Trung Quốc - một trong những thị trường lớn nhất thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc bao gồm cả cà phê nhân, rang xay, hoà tan, uống liền. Việc thúc đẩy hợp tác giữa Hiệp hội cà phê châu Á (ACA) và VICOFA sẽ hỗ trợ thúc đẩy B2B ở cả Việt Nam và xuất nhập khẩu, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại giữa hai quốc gia. Các chuyên gia dự đoán rằng, nhu cầu này của quốc gia tỷ dân sẽ còn lớn hơn trong 2022 bởi vị trí địa lý thuận lợi và sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, EU là thị trường tiêu thụ cà phê Việt nhiều nhất, chiếm 40% tổng lượng và 38% tổng kim ngạch xuất khẩu; đứng ngay sau  Đông Nam Á với 13%. 

Đáng chú ý, giá cà phê thế giới hiện nay đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua - giá cà phê trong nước có thời điểm lên mức cao nhất là 43.000 đồng/kg. Cả vụ 2020/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 2,8 tỷ USD. Cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 3 tỷ USD. Đặc biệt, cà phê rang xay và hoà tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần, tạo ra nhiều cơ hội cũng như triển vọng ngành cà phê khi Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua các FTA đã ký kết. 

Giới chuyên môn cho biết rằng, mục tiêu ngành cà phê Việt Nam trong năm 2022 giữ vững vị trí nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới và tăng kim ngạch xuất khẩu lên 5-6 tỷ USD vào năm 2030 với phương châm “Nâng suất, chất lượng, giá trị gia tăng”. Bên cạnh đó, lời khuyên cho cà phê Việt 2022 là cần đẩy mạnh cơ giới hoá chăm sóc và chế biến cà phê; nghiên cứu các dây chuyền chế biến cà phê, tham gia việc tái canh cà phê tại Tây Nguyên, Tây Bắc. Phát triển sản xuất an toàn; khuyến khích sản xuất cà phê có chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Xây dựng chuỗi khép kín từ trồng trọt đến sản xuất, xuất khẩu cà phê.

Ngoài ra, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu mặt hàng cà phê. Khuyến khích đầu tư các dây chuyền cà phê hiện đại, xây dựng được chuỗi. Đặc biệt, tiếp tục xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bảo Thu