Triển vọng thương mại tự do của Việt Nam sau một năm kí kết EVFTA

10:47 14/10/2021

Trong bối cảnh toàn thế giới nỗ lực chống dịch và phục hồi kinh tế, Liên minh châu Âu EU và Việt nam đã tiến tới thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do mang tính bước ngoặt và có hiệu lực vào tháng 8 năm 2020. Mười bốn tháng sau khi kí kết, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đã thúc đẩy thương mại song phương và giảm thiểu tác động suy thoái kinh tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: KEPPEL CORPORATION LTD)

Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho biết, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU đạt 27 tỷ đô la từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020 và được đánh giá là "một thành tựu đáng kể trong bối cảnh đại dịch toàn cầu". Tháng trước, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã viết trong một báo cáo bày tỏ kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 3,8% vào năm 2021. Đáng chú ý, đây là một mức giảm khá lớn so với ước tính tăng trưởng 6,7% của tháng 4. Tuy nhiên, nước ta vẫn đạt mức trên trung bình của khu vực là 3,1%.

EVFTA là Hiệp định thứ hai mà EU ký kết với một nước ASEAN, sau Singapore nhưng đây không phải là Hiệp định thương mại tự do lớn và duy nhất đang thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Trong vài năm gần đây, một loạt các FTA đã có hiệu lực tại quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu. Các quan chức tại Việt Nam cho biết, đây là một phần trong định hướng dài hạn của đất nước nhằm xây dựng một nền kinh tế hiện đại và định hướng thị trường, trước mắt mang lại nhiều kết quả tích cực.

Ngân hàng Thế giới cho biết trong một báo cáo có tiêu đề: "Việt Nam: Hội nhập quốc tế sâu rộng và thực hiện EVFTA" như sau: "Trong trường hợp của Việt Nam, những lợi ích rõ ràng là tăng trưởng kinh tế cao và nhất quán, giảm tỷ lệ đói nghèo". Tuy nhiên, các FTA đa phương như vậy vẫn chưa phổ biến trong các nước láng giềng ASEAN của Việt Nam. Singapore, Malaysia và Brunei là các quốc gia thành viên ASEAN duy nhất đã ký kết CPTPP. Trong một diễn biến khác, thỏa thuận của Campuchia với EU (EBA) đã bị thu hồi vào năm 2020 vì những lo ngại về nhân quyền, chưa đầy hai tuần sau khi EVFTA có hiệu lực, mở ra cơ hội cho nhiều nhà sản xuất châu Âu chuyển đến Việt Nam thay thế. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang EU chỉ đạt hơn 3 tỷ đô la, 98% trong số đó được hưởng thuế ưu đãi theo sáng kiến ​​EBA.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến bày tỏ mặc dù tham vọng thương mại quốc tế tại Việt Nam ngày càng khởi sắc nhưng nước ta cần phải nỗ lực hơn nữa, cải cách nhằm đạt được những lợi ích đầy đủ của EVFTA. "Nếu Việt Nam có thể hành động một cách quyết đoán để thu hẹp khoảng cách về pháp lý và năng lực thực hiện thì Việt Nam có thể tận dụng một thỏa thuận thương mại đem lại lợi ích trực tiếp lớn nhất trong lịch sử đất nước", ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ. Ông nói thêm: "Covid-19 hoạt động như một nút tái khởi động và EVFTA là bàn đạp tăng tốc, hiện là thời điểm hoàn hảo để thực hiện những cải cách sâu rộng hơn trong nước".

Khi đại dịch lắng xuống và biên giới quốc tế dần được mở lại, Việt Nam đang hướng tới một làn sóng thương mại lớn hơn nữa với khối 27 thành viên EU. Triển vọng của ADB đối với nền kinh tế Việt Nam vào năm 2022 cho thấy mức tăng trở lại gần với mức trước Covid là 6,5%.

TL (theo ASEAN Business)