Triển vọng tăng trưởng GDP của Singapore bị thách thức bởi lạm phát và chiến tranh giữa Nga-Ukraine

10:35 25/05/2022

Các quan chức thương mại cho biết, cuộc xung đột đã làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng, lương thực và các mặt hàng khác trên toàn cầu, từ đó làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát toàn cầu và ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Singapore đang cảm thấy tác động của lạm phát, với thước đo giá chính của nước này đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ. © Reuters

Singapore cho biết lạm phát đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Singapore trong ngày hôm nay (25/5) cho biết rằng, nước này vẫn bám sát dự báo tăng trưởng kinh tế của mình cho năm nay ngay cả khi cuộc chiến Nga-Ukraine đẩy mạnh lạm phát gia tăng và phủ bóng đen lên sự phục hồi kinh tế của thành phố. 

Bộ Thương mại và Công nghiệp cho biết, họ đang giữ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội hàng năm ở mức từ 3% đến 5%, mặc dù kết quả "có khả năng đến ở nửa dưới của phạm vi dự báo."

Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 đạt 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn con số sơ bộ 3,4% được công bố vào tháng 4.

Theo khu vực, công nghiệp chế tạo tăng 7,1%, nhưng tốc độ tăng trưởng của xây dựng và một số ngành dịch vụ vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch.

Trước khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra vào tháng 2, Singapore đã công bố mức tăng trưởng 6,1% trong quý 4 năm 2021, khi họ tiến hành phục hồi nền kinh tế trong nước và chào đón khách du lịch đã tiêm phòng từ các quốc gia được chọn.

Tuy nhiên, các quan chức thương mại cho biết, cuộc xung đột đã làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng, lương thực và các mặt hàng khác trên toàn cầu, từ đó làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát toàn cầu và ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của nhiều nền kinh tế. Đầu tuần này, Singapore đã thông báo rằng tỷ lệ lạm phát cơ bản của họ đạt 3,3% vào tháng 4, mức cao nhất trong một thập kỷ.

Các vụ phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 ở Trung Quốc cũng khiến chuỗi cung ứng gặp rủi ro và khiến nền kinh tế Trung Quốc lo ngại về sự suy thoái hơn nữa, điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của châu Á. Bộ Thương mại cho biết: "Sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu dự kiến ​​sẽ nghiêm trọng và kéo dài hơn so với dự kiến ​​trước đó, có khả năng kéo dài trong suốt năm 2022". 

Các nhà phân tích Chua Hak Bin và Lee Ju Ye từ Maybank của Malaysia dự báo tăng trưởng của Singapore ở mức thấp 2,8% trong năm nay, trong một báo cáo được công bố hồi đầu tháng. Họ lưu ý rằng, tăng trưởng xuất khẩu phi dầu mỏ đã "giảm xuống tốc độ chậm nhất trong 8 tháng", khi các chuyến hàng đến Trung Quốc và Hồng Kông bị giảm do ngừng hoạt động và gián đoạn nguồn cung.

Các nhà phân tích viết: "Triển vọng về thương mại toàn cầu bị che khuất bởi những thách thức mới bao gồm chiến tranh Nga-Ukraine, việc Trung Quốc đóng cửa và thắt chặt tiền tệ toàn cầu có thể làm mất khả năng phục hồi trong nửa cuối năm. Những thách thức ngày càng tăng trên toàn cầu có thể sẽ lấn át và làm giảm đà tăng trưởng của Singapore vào nửa cuối năm".

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền gần đây với Nikkei, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh, lạm phát là một vấn đề cần lưu tâm, vì cuộc chiến giữa Nga-Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng và lương thực.

Ông nói trong cuộc phỏng vấn: "Lạm phát đang ở mức khá cao. Cần có những biện pháp khá quyết liệt để giảm nó xuống. Rất khó để làm được điều đó, và cần có những biện pháp quyết liệt và lâu dài". 

Đầu tháng này, Thủ tướng đã cảnh báo người dân Singapore rằng "có thể có một cuộc suy thoái trong vòng hai năm tới". 

"Chúng tôi phải đối mặt với những thực tế này. Singapore đang hội nhập chặt chẽ vào nền kinh tế toàn cầu", ông nói vào thời điểm đó.

Lyly