Bình Dương đi đầu về phát triển nhà ở xã hội với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả

23:06 31/03/2023

Ngày 31 -3 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo: Phát triển nhà ở xã hội - Góc nhìn doanh nghiệp.

Tham dự có ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và bất động sản, Bộ Xây dựng; Tiến sĩ Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam; bà Nguyễn Trường Nhật Phượng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương; bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Sở Xây dựng các tỉnh, thành và các doanh nghiệp.

Bình Dương hiện có hơn 3 triệu dân với trên 50% là nhập cư
Bình Dương hiện có hơn 3 triệu dân với trên 50% là nhập cư.

Hội thảo là dịp để các nhà lãnh đạo và quản lý ngành Xây dựng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội trên cả nước, các chuyên gia cùng nhau trao đổi, thảo luận tháo gỡ vướng mắc liên quan đến chính sách nhằm có những kiến nghị hữu ích đóng góp cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển NƠXH để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.

Toàn  cảnh buổi hội thảo
Toàn cảnh buổi hội thảo phát triển nhà ở xã hội, góc nhìn doanh nghiệp.

Tính đến cuối năm 2022, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở trong khu vực đô thị và nhà ở công nhân trong khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2. Kết quả này đã giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm ngàn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế về quỹ đất dành cho NƠXH, thủ tục đầu tư, tài chính và đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH.

Theo bà Trần Thị Hà - Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn Lê Phong, quy định cứng về khoảng lợi nhuận mà nhà đầu tư được hưởng như mức lợi nhuận định mức không quá 10% (đối với nhà ở xã hội bán) hoặc không quá 15% (đối với nhà ở xã hội cho thuê hoặc thuê mua), trên tổng chi phí đầu tư (kể cả lãi vay nếu có) mà không tính đủ các khoản chi phí hợp lệ, hợp lý khác như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Quy định các chủ đầu tư chỉ được bán nhà sau 5 năm sử dụng với 20% diện tích nhà ở xã hội dùng cho thuê trong dự án gây ra sự lãng phí vì phần diện tích cho thuê thường không được lấp đầy. Việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội trên cơ sở hồ sơ thiết kế dự toán theo quy định tại thời điểm thẩm định là không sát với thực tế tại thời điểm lập hồ sơ hoàn công và quyết toán công trình đưa dự án vào khai thác vận hành. Thủ tục xác định tính tiền sử dụng đất, thuê đất rườm rà, bảo lãnh vay ngân hàng thương mại gặp khó khăn.

Ông Trần Thu Tâm - Giám đốc khối Đầu tư Tập đoàn Bcons đề xuất cho phép nhà đầu tư tự quyết định giá thuê, giá thuê mua, giá bán NƠXH, Nhà nước thực hiện tổ chức hậu kiểm theo giá tại thời điểm lập hồ sơ hoàn công và quyết toán công trình đưa dự án vào khai thác vận hành để nhà đầu tư có thể sớm huy động vốn, hoặc cho phép áp dụng giá trần. Nhà nước mạnh dạn cấp các gói tín dụng với lãi suất thấp, khoảng từ 1-2%/năm.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc đầu tư nhà ở xã hội trong thời gian qua là thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và chấp nhận chủ trương đầu tư nhà ở xã hội  còn phức tạp, chồng chéo. Đối tượng hưởng chính sách được quy định khá chi tiết dẫn đến yêu cầu về thủ tục và xét duyệt mất nhiều thời gian. Do đó doanh nghiệp kiến nghị xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, dân cư để xác định điều kiện về chỗ ở của đối tượng được hưởng chính sách. Mở rộng đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội (bỏ quy định nhà ở xã hội trong khu công nghiệp chỉ dành cho công nhân trong khu công nghiệp); đơn giản hóa thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội.

Tỉnh xác định đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt ổn định chỗ ở là nhiệm vụ quan trọng để người lao động yên tâm với công việc, gắn bó lâu dài với tỉnh.

Ông Võ Hoàng Ngân - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bình Dương đã thu hút 82 dự án phát triển nhà ở xã hội, với tổng diện tích sàn nhà ở là 3,8 triệu m2, đáp ứng cho 238.325 người, với tổng mức đầu tư 19.034 tỷ đồng. Trong đó có 43 dự án thuộc Đề án nhà ở an sinh x​ã hội do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư. Đã có 23 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, với tổng diện tích sàn nhà ở 431.488 m2, đáp ứng nhu cầu cho 37.500 người. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã đầu tư được 1,33 triệu m2 sàn/2 triệu m2 sàn, đạt tỷ lệ 65% kế hoạch đề ra.

Bài học kinh nghiệm của Bình Dương là huy động các nguồn lực khác nhau để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội. Trong đó, mô hình chung cư nhà ở an sinh xã hội của Tổng công ty Becamex đã mang lại hiệu quả.

Trên 250 ha quỹ đất được quy hoạch dành riêng cho các khu nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Các khu đất được bố trí gắn liền với tổng thể khu vực, được hưởng các điều kiện về vị trí tương đương các khu nhà ở thương mại. Khoảng cách di chuyển tới các khu công nghiệp thuận tiện, dễ dàng tiếp cận về giao thông công cộng cũng như các tiện ích chung về không gian cộng đồng, y tế, giáo dục.

Đối với mức thu nhập thấp của công nhân, Becamex đề xuất mô hình nhà ở cho thuê, hay một dạng nhà trọ giúp cung cấp chỗ ở trong thời gian ban đầu khi người dân cần tìm hiểu, làm quen với môi trường sống và làm việc mới mẻ. Đến năm 2022, trên 30.000 phòng cho thuê đã giải quyết chỗ ở cho hàng chục ngàn lao động ở khắp các khu công nghiệp lớn trong tỉnh.

Khi đã có công việc lâu dài hơn và vốn tích lũy, người lao động có cơ hội mua nhà để ổn định nơi ở tại địa phương thì đăng ký mua nhà thuộc dự án. Các khu đô thị ViệtSing (TP.Thuận An), Hòa Lợi, Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một) hay Mỹ Phước (TX.Bến Cát) là minh chứng cho sự thành công của mô hình NƠXH khi đáp ứng đúng nhu cầu, lối sống và phù hợp khả năng của người mua. Đến nay trên 10.000 căn hộ đã tới được với công nhân, cán bộ, viên chức, sinh viên, người lao động mọi ngành nghề...

Khu nhà ở Định Hòa – Becamex
Khu nhà ở Định Hòa – Becamex.

Tổng công ty Becamex IDC đang tiếp tục xúc tiến các nghiên cứu hướng tới phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ để đáp ứng nhu cầu khi người lao động bước qua bậc thang thu nhập cao hơn. Khi đó, người dân cũng có thể tìm được sản phẩm nhà ở tầm trung tương xứng.

Bình Dương sẽ tiếp tục bám sát nhu cầu của người lao động để có các điều chỉnh phù hợp, đẩy mạnh xây dựng các khu nhà ở xã hội mới, giá cả hợp lý thông qua ứng dụng công nghệ xây dựng mới và cải tiết thiết kế. Đồng thời xây dựng cơ chế để huy động vốn, khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong phát triển nhà ở xã hội; đơn giản hóa thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hỗ trợ về chính sách giúp người dân tiếp cập nhà ở. Tất cả vì mục tiêu chung là mang lại sự ổn định lâu dài, an cư lạc nghiệp cho người lao động.

Hoàng Thu