Tranh giả, tranh mạo danh - hệ lụy và lợi thế của xã hội 4.0

00:00 12/10/2020

Tranh giả lúc nào cũng là câu chuyện “nóng”. Nhưng nó còn “sôi sục” hơn trong thời đại 4.0, kỷ nguyên phát triển internet với khá nhiều hệ lụy cho bản quyền tác phẩm nghệ thuật.

Tranh mạo danh họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp đã được hạ xuống khỏi phiên đấu (Ảnh cung cấp từ gia đình họa sĩ, chụp màn hình của nhà đấu giá Drouot tại Pháp)

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa cảnh báo trên trang facebook cá nhân: “Lần này thì chắc chắn là tranh giả mạo bố tôi. Tôi đã rất bình tĩnh để xem xét kỹ lưỡng. Tất cả những ai đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật VN thì đều có thể nhận ra ngay đây là kiểu bài tập của học sinh trung cấp hay tại chức mỹ thuật. Những lỗi chưa sạch nước cản về dáng, bố cục, tỷ lệ giữa các nhân vật... đều rất rõ. Ngay cả chất liệu cũng sai. Chữ ký nhái tưởng khá giống nhưng hóa ra sai 3 lỗi vì không hiểu thói quen của tác giả. Xin các nhà sưu tập lưu ý. Tranh giả này sẽ đấu giá vào thứ 7 ngày 10 tháng 10, lúc 13 giờ 30”.

Đây là họa sĩ Nguyễn Đức Hòa đang nói đến bức tranh màu nước trên giấy (khổ 34x50) của cố họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp. Tuy nhiên, sau cảnh báo của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, sàn đấu giá đã hạ bức tranh nói trên xuống khỏi phiên đấu online dự kiến diễn ra ngày 10/10 tới.

Cháu gái của họa sĩ Nguyễn Khang, họa sĩ Nguyễn Quế Hương cũng đưa trên trang facebook cá nhân thông tin cho biết bức tranh sơn mài của cố họa sĩ Nguyễn Khang lẽ ra có mặt trong phiên đấu cũng là tranh giả.

Họa sĩ Nguyễn Quế Hương sinh trưởng trong một gia đình 3 đời đều là họa sĩ: Nguyễn Khang - Nguyễn Kim Điệp - Nguyễn Quế Hương.

Tranh giả mạo danh Nguyễn Khang khiến gia đình họa sĩ bức xúc (Ảnh trên trang cá nhân của họa sĩ Nguyễn Quế Hương chụp lại màn hình của nhà đấu giá Drouot, Pháp, đơn vị phối hợp thực hiện đấu giá online cùng với PI Aution House)

“Mình hạnh phúc bao nhiêu khi xem kỹ lại các phác thảo của ông và mẹ, thì lại càng bức xúc và giận dữ khi phải thấy những bức tranh của ông bị làm giả. Tác phẩm nghê thuật chính gốc là tinh túy qua bao bản thảo từ những ký họa, là nguồn gốc ra đời với câu chuyện, ý nghĩa. Tác phẩm thật thể hiện bút pháp mạnh mẽ nhưng phóng khoáng, đường nét tuyệt đẹp và điêu luyện. Mình mong muốn các trường hợp giả mạo cần được xử lý, các nhà sưu tầm tranh cần quan sát và tìm hiểu kỹ hơn khi chọn mua, và các nhà cố vấn, nhà tổ chức đấu giá cần trau dồi kiến thức, tìm hiểu nguồn gốc kỹ hơn trước khi cho lên sàn đấu giá” – Họa sĩ Nguyễn Quế Hương viết trên trang facebook cá nhân.

Sau khi họa sĩ Nguyễn Quế Hương và họa sĩ Nguyễn Đức Hòa cùng lên tiếng trên mạng xã hội, trao đổi với VietTimes về vấn đề tranh thật tranh giả, ông Nguyễn Sơn - Giám đốc điều hành sàn đấu giá trực tuyến PI Auction House cho biết, vì phải chuẩn bị cho phiên đấu sắp tới lên đến 180 tác phẩm nghệ thuật nên cũng khó tránh khỏi những sai sót.

“Khi biết thông tin từ gia đình hai cố họa sĩ Nguyễn Khang và Nguyễn Trọng Hợp, chúng tôi đã cử người đi thẩm định lại các bức tranh có ý kiến. Sau khi thẩm định, nhà cung cấp không chứng minh được nguồn gốc các bức tranh nói trên. Từ cơ sở đó, chúng tôi đã hạ cả bức sơn mài ghi tên họa sĩ Nguyễn Khang và bức tranh màu nước trên giấy ghi tên họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp xuống khỏi phiên đấu dự kiến”.

Rất nhiều ý kiến từ các họa sĩ lên tiếng về hệ lụy của thời đại 4.0 khiến hình ảnh tác phẩm bị phát tán khắp nơi, nguyên nhân chính làm cho nạn tranh giả, tranh mạo danh tràn lan, xâm phạm nghiêm trọng bản quyền tác giả.

Tuy nhiên, mặt khác, cũng phải nhìn nhận nếu tận dụng nền tảng CNTT để làm bước đà, thì những phương thức như đấu giá trực tuyến cũng là một trong những cách thúc đẩy thị trường nghệ thuật đáng kể, nhất là trong lúc cả thế giới cùng phải giãn cách xã hội như hiện tại. Hơn nữa, việc phát hiện ra tranh giả để nhà đấu giá có thể hạ xuống ngay trước phiên đấu cũng là điều rất tốt, nhờ vào lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội.

Hoà Bình