TP Hồ Chí Minh thiếu "menu ẩm thực" cho du khách

00:29 18/06/2022

Đây là phát biểu của ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM tại công bố Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024" tại TP Hồ Chí Minh ngày 17/6/2022.

Ông Hòa cho rằng TPHCM thiếu menu ẩm thực cho du khách, trong khi ẩm thực TPHCM lại rất đa dạng. Phải làm sao để như Hà Nội có phở, hay nhắc tới đặc sản Hội An thì không thể không nhắc đến cao lầu,…

Ẩm thực người Việt đa dạng Ảnh MD
Ẩm thực người Việt đa dạng Ảnh MD.

"TP Hồ Chí Minh (TPHCM) đã và đang triển khai hàng loạt các sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm thu hút khách đến TPHCM và du lịch ẩm thực là một trong số đó. Đặc biệt, là vùng đất đón lượng du khách quốc tế nhiều nhất nhì cả nước, TPHCM trở thành điểm quan tâm, thích thú tìm hiểu về ẩm thực, các món ăn ngon, qua đó giới thiệu đến bạn bè, người thân biết nhiều hơn về du lịch TPHCM - Việt Nam.", ông Hòa nói.

Ảnh minh họa
Hiệp hội quảng bá, giới thiệu các món ăn đặc sắc theo vùng miền của Việt Nam đến người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Ảnh MD

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA, Đề án lần này sẽ gắn thương hiệu quốc gia về văn hóa ẩm thực với thương hiệu điểm đến về du lịch, góp phần phát triển kinh tế du lịch, thu hút khách quốc tế cũng như nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Đề án thúc đẩy thu thập dữ liệu về văn hóa, tôn vinh bảo tồn văn hóa ẩm thực Việt Nam và phát triển thành thương hiệu quốc gia.

Từ cơ sở dữ liệu thu thập nghiên cứu của đề án, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam sẽ sàng lọc Bộ ẩm thực có khả năng thành mô hình "Khởi nghiệp ẩm thực". Đồng thời, Hiệp hội quảng bá, giới thiệu các món ăn đặc sắc theo vùng miền của Việt Nam đến người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ từng bước quảng bá du lịch qua văn hóa ẩm thực vùng miền, với những tiêu chí cốt lõi như mang tính văn hóa di sản vùng miền "Ngon - Lành - Đặc sắc", phù hợp với nhu cầu thị trường và định hướng phát triển văn hóa ẩm thực của Việt Nam.

Ảnh minh họa
Sẽ xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương, được công nhận bởi Hội đồng chuyên môn của Hiệp Hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam. Ảnh MD

Trình bày đề án, bà Huỳnh Thị Đoan Thùy, Giám đốc điều hành Đề án cho biết, sản phẩm sau cùng của Đề án từ năm 2022 đến năm 2024 được thực hiện qua các giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2022, Đề án dự kiến sẽ thu thập cơ sở dữ liệu 300 món tiêu biểu Việt Nam và xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương, được công nhận bởi Hội đồng chuyên môn của Hiệp Hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Ảnh minh họa
Đề án thu thập dữ liệu 1.000 món ẩm thực và phát triển thành tổng tập của dữ liệu ẩm thực Việt Nam. Ảnh MD

Kết thúc năm 2022 sẽ tổ chức Liên hoan 100 món ẩm thực đặc sắc Việt Nam, quy tụ cộng đồng nghệ nhân của 63 tỉnh, thành tham gia, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương hội tụ tinh hoa ẩm thực Việt Nam; xây dựng Thực đơn Việt Nam theo từng vùng miền hoặc các chủ đề mang tính văn hóa truyền thống, phục vụ công tác ngoại giao, trao đổi văn hóa và quảng bá du lịch vùng miền Việt Nam...

Giai đoạn năm 2023, Đề án thu thập dữ liệu 1.000 món ẩm thực và phát triển thành tổng tập của dữ liệu ẩm thực Việt Nam từ nguyên liệu chế biến, định chuẩn và cách chế biến, nội dung, hình thức thể hiện từ giá trị nội tại đến giá trị ngoại quan của món ẩm thực.
 
Riêng giai đoạn năm 2024, Đề án sẽ chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành Bản đồ Ẩm Thực Việt Nam và thiết thực hơn là hướng đến xây dựng Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D và Bảo tàng Ẩm thực thực tế phục vụ du khách tham quan nếu được sự quan tâm của các tỉnh, thành và nhà đầu tư trong tương lai.

Mỹ Dung