TP. Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư 160.000 tỷ đồng cho 28 dự án phát triển tăng trưởng xanh

23:05 29/01/2024

Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành danh mục 28 dự án kêu gọi đầu tư phát triển tăng trưởng xanh theo các hình thức kết hợp công – tư với tổng số vốn gần 160.000 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, trong tổng số 28 dự án kêu gọi đầu tư của TP. Hồ Chí Minh lần này có 6 dự án liên quan đến công nghệ cao. Trong đó có 3 dự án sản xuất công nghệ cao lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn trên diện tích 5,5 ha với tổng mức đầu tư dự kiến trên 4.100 tỷ đồng; 1 dự án nghiên cứu và triển khai lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn cần nguồn vốn 213 tỷ đồng.

Hai dự án còn lại là dự án Trung tâm dữ liệu (Data Center) là dự án lớn nhất được mời gọi đầu tư với số vốn 6.950 tỷ đồng và dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, 345 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 5 dự án chỉnh trang đô thị và tái định cư được đưa vào danh mục này với số vốn kêu gọi là 1.440 tỷ đồng.

Một số dự án khác như ở lĩnh vực môi trường, chủ yếu tập trung vào xử lý nước thải với tổng vốn khoảng 30.000 tỷ đồng, bao gồm nhà máy Tây thành phố, Tân Hóa - Lò Gốm; Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 2); Bắc Sài Gòn 2.

Phối ảnh nút giao Tân Vạn trên đường Vành đai 3 khi hoàn thành. (Ảnh: Ban giao thông)
Phối ảnh nút giao Tân Vạn trên đường Vành đai 3 khi hoàn thành (Ảnh: Ban giao thông).

Ngoài ra, ở lĩnh vực giao thông, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết có 9 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, cấp bách, ưu tiên hoàn thành trước năm 2030, với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 97.000 tỷ đồng cần kêu gọi đầu tư.

  1. TP. Hồ Chí Minh được xác định là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) công bố cho thấy trung bình mỗi năm tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2. Trong đó, có 3 nguồn thải chính từ hoạt động công nghiệp với gần 20 triệu tấn CO2, giao thông đóng góp hơn 13 triệu tấn CO2, còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. Đồng thời, thành phố cũng đang phải đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.

    Thành phố cũng đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 để xây dựng môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp
    TP. HCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 để xây dựng môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

    Cùng với xu hướng chung của thế giới, TP. Hồ Chí Minh chọn tăng trưởng Xanh là chiến lược phát triển tương lai, ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Thành phố cũng đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 để xây dựng môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.  

Nhằm từng bước đạt được những mục tiêu đầy tham vọng này, thành phố cần sự hỗ trợ về các nguồn lực tài chính, kinh nghiệm từ cộng đồng các nhà đầu tư, các định chế tài chính trong nước và quốc tế.

Uyển Nhi