TP. HCM: Nhiều đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian chống dịch

09:36 11/06/2021

Tại hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất TP cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ. Các ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ và điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ…

Thực hiện “mục tiêu kép”

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định sự phát triển của TP không thể tách rời sự phát triển của doanh nghiệp. TP không thể đứng ngoài cuộc mà cần phải tập hợp những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp, từ đó triển khai phương án hỗ trợ kịp thời. Ngay từ đầu năm 2021, TP đã chủ động đẩy mạnh các giải pháp xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, với mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, thực hiện nhiều đề án nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tuy bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng kinh tế TP.HCM vẫn có những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên từ ngày 27-4, dịch bùng phát trở lại, xuất hiện nhiều chùm lây bệnh, dù không mong muốn nhưng TP vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội. 

Các doanh nghiệp kiến nghị hàng loạt giải pháp đối với lãnh đạo TP.HCM
Các doanh nghiệp kiến nghị hàng loạt giải pháp đối với lãnh đạo TP.HCM. (Ảnh: PV) 

Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5%

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM,  5 tháng đầu năm 2021 có 6.461 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 89,69% so với cùng kỳ 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước 174.608,470 tỉ đồng, đạt gần 48% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thời gian qua các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. TP có 2.458 doanh nghiệp giải thể, tăng 5% và 9.849 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng gần 24% so với cùng kỳ. 

Để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, TP kiến nghị Chính phủ cần điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi doanh nghiệp thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong nước; chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu, đề xuất thực hiện một loạt giải pháp hỗ trợ trọng tâm. Đặc biệt, TP kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021, đồng thời kéo dài thời gian giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp du lịch 2021. Tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021… 

Doanh nghiệp mong muốn sớm ban hành gói hỗ trợ riêng

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp bằng hình thức online, có hơn 84% các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do đợt dịch COVID-19 lần thứ tư này; trong đó thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%, thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm 52%, bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%, bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%. Mặc dù một số doanh nghiệp ở một số ngành công nghiệp trọng yếu đã nhanh chóng kết nối lại được nguồn nguyên liệu, điều chỉnh lại hoạt động phù hợp với các điều kiện hiện tại và khả năng tiêu thụ sản phẩm nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng lên chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm; nhiều doanh nghiệp muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đẩy mạnh mua bán online… nhưng đang kẹt về vốn. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố đề xuất triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ; gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành cần khắc phục rào cản mà lần hỗ trợ thứ nhất các doanh nghiệp gặp phải. Các ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi thấp hơn giúp cho doanh nghiệp sản xuất bớt khó khăn.

Doanh nghiệp mong muốn thành phố sớm ban hành gói hỗ trợ riêng, quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm yếu tố chi phí sản xuất như tiền điện, vận chuyển, phí giao thông, cảng biển, chăm lo an sinh xã hội cho công nhân mất việc, phải nghỉ chờ việc; hỗ trợ doanh nghiệp phải bố trí nhà ở, khu lưu trú tạm cho công nhân để duy trì sản xuất do chấp hành các quy định cách ly xã hội; hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất hay thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi sản xuất.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, dịch COVID-19 đã khiến nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Trong số bốn doanh nghiệp cung ứng màng plastic cho công ty thì có tới ba đơn vị tạm ngừng hoạt động. Thêm vào đó, giá nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu nhập khẩu liên tục tăng cao khiến doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây là nhóm mặt hàng thiết yếu, tham gia bình ổn thị trường nên không thể tăng giá bán trong lúc này.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) nêu: Du lịch chiếm 10% GDP Thành phố, bao gồm lữ hành, lưu trú, vận chuyển. Tuy nhiên, khi xuất hiện các đợt bùng phát dịch, các doanh nghiệp đều phải dừng hoạt động và "mắc kẹt" trong bài toán giữ chân người lao động.

Tài sản lớn nhất của các đơn vị này là đội ngũ người lao động. Thế nhưng, sau nhiều đợt dịch, hàng chục ngàn lao động phải nghỉ việc, doanh nghiệp không có nguồn thu để trả lương, trong khi các gói hỗ trợ của Chính phủ rất khó tiếp cận, lãi suất rất cao. Doanh nghiệp ngành du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành không có tài sản cố định để thế chấp nên không tiếp cận được bất cứ gói hỗ trợ nào.

Từ những ý kiến của các doanh nghiệp, lãnh đạo TP.HCM cho biết sẽ nhanh chóng tập hợp những khó khăn cũng như kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện phương án triển khai gói hỗ trợ tiếp theo, bao gồm cả tài chính và chính sách.

Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của thành phố, các sở, ngành sẽ tập hợp và kiến nghị lên các Bộ, Ngành, Chính phủ để có phương án tháo gỡ sớm nhất, đảm bảo doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa trong việc thực hiện nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Tuệ Minh