TP.HCM: Cảnh báo khi đầu tư bất động sản hàng hiệu

07:06 07/06/2021

Bất động sản hàng hiệu là loại hình bất động sản hợp tác giữa một thương hiệu quản lý bất động sản nổi tiếng toàn cầu với một doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản cao cấp hạng sang, siêu sang. Nó đang tạo sóng tại thị trường TP.HCM, nhắm đến giới siêu giàu và tầng lớp nhà giàu mới.

Khi mua bất động sản hàng hiệu hình thành trong tương lai, khách hàng đã đặt niềm tin vào đẳng cấp của sản phẩm. Thực chất đây là hoạt động đầu tư kinh doanh sản phẩm dự án nhà ở cao cấp hạng sang, siêu sang theo phương thức đứng trên vai người khổng lồ, vay mượn uy tín thương hiệu của bất động sản hàng hiệu nước ngoài để kinh doanh. Vì bất động sản hàng hiệu đang có giá trị từ triệu USD trở lên, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) khuyến nghị khách hàng, nhà đầu tư xem xét 4 vấn đề nhằm đảo bảo dòng vốn hàng chục tỷ đồng được đầu tư an toàn và minh bạch.

Tiêu chuẩn hàng hiệu còn quá mới

Một dự án để được công nhận là bất động sản hàng hiệu phải đạt tiêu chuẩn rất cao của đơn vị quản lý thương hiệu và không có bữa ăn nào miễn phí. Để được sử dụng tên của hàng hiệu thì chủ đầu tư dự án phải trả chi phí không hề nhỏ cho đơn vị quản lý thương hiệu. Chi phí này chắc chắn được tính đủ trong giá bán nhà mà người mua phải thanh toán chi phí mượn tên này. Hiện phân khúc bất động sản hàng hiệu vẫn còn quá mới, chưa có tiền lệ kiểm chứng giá trị và tiêu chuẩn chất lượng, vì vậy, nhà đầu tư cần thận trọng trước khi ra quyết định chọn mặt gửi vàng.

Thời hạn sử dụng thương hiệu bao lâu

Có hai trường hợp xảy ra, một là nếu dự án bất động sản hàng hiệu là do chủ đầu tư phát triển dự án, tự cung cấp các dịch vụ, thì tên thương hiệu được sử dụng ổn định lâu dài theo dự án. Hai là dự án bất động sản hàng hiệu được chuyển nhượng quyền sử dụng tên thương hiệu, thời hạn sử dụng phải theo giao kết của hợp đồng. Ở trường hợp nhượng quyền, sau thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng, dự án không còn được phép sử dụng tên thương hiệu nữa. 

Một dự án ở quận 1, TP.HCM đang chào bán với giá khoảng 500 triệu đồng/m2
Một dự án ở quận 1, TP.HCM đang chào bán với giá khoảng 500 triệu đồng/m2. (Ảnh: PV)

Rắc rối trong vận hành bất động sản hàng hiệu

Các chủ sở hữu căn hộ chính là người thanh toán chi phí vận hành bất động sản hàng hiệu, kể cả chi phí quản lý vận hành toà nhà trong giai đoạn trước khi thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Thế nhưng, nếu chủ sở hữu bất động sản hàng hiệu không thuê đơn vị quản lý vận hành đạt chuẩn thương hiệu nhượng quyền yêu cầu, toà nhà có nguy cơ không được tiếp tục sử dụng tên thương hiệu quốc tế nữa.

Chiêu tạo khan hiếm bất động sản hàng hiệu

Thường thì chủ đầu tư dự án bất động sản hàng hiệu sẵn sàng chi đậm cho công tác quảng bá sản phẩm và thực hiện phương thức ra hàng nhỏ giọt. Họ chia nhỏ rổ hàng để tạo sự khan hiếm và kích thích tâm lý của khách hàng. HoREA khuyến nghị khách hàng, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các thông tin của dự án bất động sản hàng hiệu và nhất là nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng để tránh bị nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm.

Mai Anh (TH)