Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME: Mong muốn nhất của cộng đồng doanh nghiệp vẫn là dẫn vốn cho nền kinh tế

17:09 03/01/2023

VINASME tin tưởng rằng, năm 2023, Chính phủ sẽ chỉ đạo nhiều giải pháp để cải thiện kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là cho khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Tài chính tín dụng, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm qua đã thể hiện tính linh hoạt, hiệu quả và khả năng ứng phó với điều kiện bất lợi.

Những con số mà Tổng cục Thống kê đưa ra gần đây đã nói lên điều đó. Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng GDP cao, so với nền chung của thế giới và so với một số nước trong khu vực.

"Nếu tính từ cuối năm 2021, chúng ta vẫn giữ mạch tăng. Điều đó đã cho thấy mặc dù trải qua những thời điểm vô cùng khó khăn chúng ta vẫn tận dụng được thời cơ, khai thác được các lợi thế. Điều đó thể hiện tính linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và năng lực ứng phó với điều kiện bất lợi, khó khăn của Chính phủ và thực tế đã được kiểm chứng", TS. Tô Hoài Nam nói. 

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME)
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).

Đáng chú ý, lạm phát được kiểm soát dưới 4% trong bối cảnh chi phí đẩy bởi nhiều yếu tố đầu vào xăng dầu, các vấn đề về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp xảy ra những vụ việc phức tạp tác động không nhỏ đối với tâm lý của doanh nghiệp và người dân.

Để kiểm soát được lạm phát có rất nhiều yếu tố nhưng theo đại diện VINASME, yếu tố quan trọng chính là Việt Nam đã giữ vững an ninh lương thực, hàng hóa thiết yếu. Cũng chính yếu tố này đã đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế. Đó là thành công của Chính phủ.

Phân tích thêm một số điểm sáng trong kinh tế năm qua, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. "Chúng ta vẫn giữ vững được phong độ về xuất khẩu trong mọi bối cảnh, mọi tình huống, kể cả lúc trước thời điểm COVID-19, sau thời điểm COVID-19 hay có xung đột trên thế giới" - TS. Tô Hoài Nam nói.

Hơn nữa, việc thu ngân sách năm 2022 vượt dự toán sẽ bảo đảm nguồn lực hơn cho năm 2023 về chi tiêu công, bởi nếu giữ vững quốc khố khỏe mạnh thì đây là bệ đỡ hỗ trợ cho nền kinh tế lúc khó khăn và đầu tư cho phát triển, đặc biệt là cho những dự án đầu tư hạ tầng lớn tầm chiến lược quốc gia mà chúng ta không thể không làm trong năm 2023 như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam… 

"Mong muốn nhất của cộng đồng doanh nghiệp vẫn là dẫn vốn cho nền kinh tế, cho sản xuất, doanh nghiệp", TS. Tô Hoài Nam cho hay.

Bên cạnh đó, mặc dù năm 2022 là năm thực hiện một khối lượng công việc rất lớn với nhiều biến động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bối cảnh khó khăn như vậy, Việt Nam đã có thành công quan trọng trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ. Đây là yếu tố tăng trưởng có tính bền vững, lâu dài vì khoa học công nghệ sẽ tạo nên giá trị gia tăng cao cho hàng hóa Việt nam. Nhiều đơn vị phát triển khoa học công nghệ tầm thế giới nằm trong khu vực kinh tế tư nhân đã thể hiện được vị trí của mình. Điển hình như FPT đã sản xuất được chip vi mạch, VINFAST xuất khẩu ô tô điện ra thị trường thế giới…

Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia dẫn đầu thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều tập đoàn lớn, đơn cử như Samsung, Apple, LEGO, Foxconn… tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo TS. Tô Hoài Nam, điểm cần lưu ý là hiện nay, khả năng tiếp cận vốn của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực tư nhân còn khó khăn. Tính thanh khoản vẫn là vấn đề thách thức đối với các doanh nghiệp. Mặc dù NHNN đã nới room tín dụng nhưng trên thực tế vẫn khó để doanh nghiệp vay vốn.

Trong năm tới, cộng đồng doanh nghiệp hy vọng Chính phủ tiếp tục khai thác các lợi thế, không để các động lực suy giảm đặc biệt là yếu tố "cung cầu" cho thị trường nội địa, kiên quyết giữ vững GDP, kiểm soát lạm phát tốt, tăng cường xuất khẩu (giảm chi phí bởi Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia chi phí cho thủ tục xuất nhập khẩu cao hơn với khu vực); đầu tư công mạnh mẽ, đặc biệt là có cơ chế giải ngân vốn đầu tư công thật nhanh để tạo cầu cho thị trường; quan tâm hơn nữa đến phát triển khoa học công nghệ; thực hiện tốt các hiệp định FTA thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết.

VINASME tin tưởng rằng, năm 2023, Chính phủ sẽ chỉ đạo nhiều giải pháp để cải thiện kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là cho khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Tài chính tín dụng, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, tín dụng phải thông thoáng, vừa bảo đảm an ninh tiền tệ nhưng cũng phải điều tiết, điều hòa vốn cho cả nền kinh tế. Bởi hiện nay, hơn 75% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu vốn. Do đó, cần có những chính sách sớm trong quý I để có thể xử lý được thanh khoản.

"Mong muốn nhất của cộng đồng doanh nghiệp vẫn là dẫn vốn cho nền kinh tế, cho sản xuất, doanh nghiệp", TS. Tô Hoài Nam cho hay.

Một điểm nữa là khu vực người lao động cần tiếp tục được chăm lo, quan tâm, trong đó có vấn đề nhà ở cho người lao động, công nhân. Nếu người lao động không được hỗ trợ, chất lượng sinh hoạt, sức khỏe không bảo đảm, họ sẽ không thể yên tâm làm việc và ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp.

P.V