Thưa bà, vốn biết đến bà là một nữ tướng của ngành dệt may, là Chủ tịch Hội đồng quản trị của May Hồ Gươm và May Chiến Thắng, vậy cơ duyên nào đưa bà đến với nông nghiệp, một lĩnh vực từ trước đến nay vẫn được đánh giá là nhiều khó khăn và lắm rủi ro?

Quê gốc tôi ở Nam Định, sinh ra lớn lên ở Thành phố Hải Phòng, sau đó sang Đức học và trở về lập nghiệp ở Hà Nội. Gần như cả cuộc đời tôi ở thành phố, ít có cơ hội gắn bó với người nông dân và cũng không phải là dân nông nghiệp nhưng lại rất yêu nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chính vì thế dù làm may mặc nhưng đi đâu tôi cũng thích nói về nông nghiệp, thậm chí ngay trong những cuộc trò chuyện với những người làm may mặc. Có một lần tôi đi công tác được nghe ai đó nói câu “phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất minh” và bản thân nhận thức được vai trò của nông nghiệp rất quan trọng.

Tôi cũng từng xem một bộ phim truyền hình của Nga, trong đó có một người đàn ông thời chiến đã cầm một cục vàng để đi mua một món đồ có giá trị nhưng người bán hàng nói với ông ta cầm một miếng bánh mỳ đến thì có thể đổi được món đồ kia chứ cục vàng thì ông ta không cần. 

Câu chuyện đó đã khẳng định một điều là phi nông bất ổn. Và từ đó tôi luôn ấp ủ, suy nghĩ, đất nước mình là nông nghiệp vậy thì tại sao lại không làm giàu từ nông nghiệp?

Tại sao cứ phải đi nhập khẩu rất nhiều thứ trong lĩnh vực nông nghiệp như hoa quả, ngô khoai sắn...?

Tôi thấy buồn về những điều đó và quyết tâm sẽ tiến quân vào nông nghiệp dù biết có nhiều khó khăn, rủi ro. Từ những năm 2008, 2009 tôi đã gom đất nông nghiệp ở Bắc Ninh để khi có cơ hội sẽ thực hiện quyết tâm của mình.

Một ông bạn người Israel làm cùng ngành dệt may thấy tôi say sưa nông nghiệp quá đã mời sang bên đó gặp gỡ những người bạn của ông, những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp của đất nước họ.

Và chính chuyến đi đó giúp tôi định vị được những suy nghĩ, trăn trở và quyết tâm của mình là đúng.

Khi trở về tôi quyết định sẽ làm và tự đặt cho mình mục tiêu làm một cái gì đó thực sự đột phá, một cái gì đó thật khó, chưa ai làm được.

"Chưa ai làm được" như việc xuất khẩu lá tía tô sang Nhật với giá 700 đồng/lá?

(Cười). Đó là một cơ duyên. Một ông bạn người Nhật Bản nói với tôi, nếu thích khó thì làm tía tô xuất sang Nhật. Bởi vì xưa nay đây là thị trường cực khó. Quần áo đi Nhật khó, thực phẩm đông lạnh hay đồ khô lại càng khó nhưng tôi đã quyết định chọn cái khó nhất của khó là đồ ăn tươi cao cấp - lá tía tô. 

 

Chúng ta thử nghĩ mà xem, 500 tỷ phú giàu nhất thế giới tôi chả thấy ai từ nông nghiệp cả, già nửa số đó là bất động sản, là công nghệ... Điều đó thể hiện rằng, nếu chọn con đường làm giàu thì sẽ rất ít người chọn nông nghiệp.

Nhưng chúng ta cũng thấy, tỷ phú Bill Gate khi đã rất giàu rồi thì lại quay trở lại để làm nông nghiệp, để trở thành địa chủ lớn nhất thế giới. Đó chẳng phải là triết lý phi nông bất ổn hay sao?

Tôi cũng nghĩ rằng nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc nhất của bất kì nền kinh tế nào.

Lựa chọn đầu tư vào nông nghiệp là tôi muốn đóng góp thêm vững chắc trụ cột của đất nước và chia sẻ để mọi người cùng dấn thân vào nông nghiệp, một lĩnh vực rất bền vững. Chứ tôi làm nông nghiệp không phải vì mục tiêu làm giàu, không phải vì tiền bởi suy cho cùng nhu cầu của con người mỗi ngày cũng chỉ ăn ba bữa, cũng chỉ vài bộ quần áo mà thôi.

Có tiền. Tâm huyết có thừa. Song, chọn làm cái “khó nhất của khó”, mọi việc có suôn sẻ không thưa bà?

Tất nhiên là rất khó khăn. Từ lúc quy hoạch đã phải thuê chuyên gia Nhật với giá rất đắt đỏ và chấp nhận chi phí rất nhiều. Toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị, toàn bộ quy trình gieo trồng, thu hoạch cũng là do người Nhật tư vấn theo đúng tiêu chuẩn hiện đại nhất của họ thì họ mới nhận hàng.

Phải sau hơn một năm họ rút dần và mình mới có thể tự lực được 100%, làm đến đâu xuất đến đó. Hiện chúng tôi đang có khoảng 11,7 ha, trong đó có 6 ha là nhà lưới để trồng tía tô. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam đã tạo ra những lá tía tô ngon hơn cả của Nhật, người Nhật họ rất thích.

Và chúng tôi có thể tự hào rằng kể cả ở Nhật cũng chưa có nơi nào trồng tía tô diện tích lớn như thế cả, thậm chí có nhiều người Nhật sang đây đã cúi đầu bày tỏ sự khâm phục. 

Từ năm 2017, chúng tôi bán lá tía tô sang Nhật với giá khoảng 500 - 700 đồng/lá, hiện nhu cầu ở bên họ vẫn rất cần và rất chuộng tía tô Việt Nam, tuy nhiên do tình hình Covid-19 nên lượng hàng xuất khẩu không được nhiều.

Các cửa hàng bên Nhật đang đóng cửa, cách ly. Ngày trước cứ hai ngày xuất qua đường hàng không một chuyến nhưng hiện nay việc xuất khẩu đang cực kỳ nghiêm ngặt, một tuần chi đi được 1-2 lần với giá máy bay gấp 4 lần bình thường.

Với thị trường trong nước, vì đây là sản phẩm đắt đỏ, một hộp tía tô bằng cả cân thịt nên cũng ít người mua, chủ yếu là các nhà hàng Nhật cao cấp và chúng tôi cũng không thể bán phá giá được. Còn một hướng nữa là chiết xuất thành tinh bột, tinh dầu để bán cho những người chữa bệnh gout.

Đến giờ bà đã thu được lợi nhuận từ lá tía tô chưa? 

Thực sự cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa có lợi nhuận từ lá tía tô bởi vì đầu tư rất lớn, chưa khấu hao được. Hi vọng từ giờ trở đi bắt đầu đến điểm hòa vốn. Tôi nghiệm ra rằng, làm nông nghiệp nếu tiềm lực kinh tế không mạnh thì rất khó để làm.

“Khởi nghiệp” lĩnh vực nông nghiệp khi đã lớn tuổi, kinh tế lại đủ đầy, hỏi thật, khi bà đầu tư vào nông nghiệp, có ai phản đối không?

(Cười). Khi tôi quyết định đầu tư vào nông nghiệp, người thân cho rằng bà này hâm, đang yên lành lại cứ đi vào những cái khó khăn, nhưng tôi luôn nghĩ như thế mới là mình.

Đặc biệt là khi sang Israel thì mới thấy tinh thần đó của mình là đúng. Người Israel họ giỏi và thông minh, họ quan niệm người sinh ra hạnh phúc nhất là được làm việc, hạnh phúc hơn nữa là được làm việc cho tới lúc chết.

Năm 2015 tôi sang đó gặp một người phụ nữ 85 tuổi vẫn mặc quần bò, lái ô tô làm việc và tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của bà ấy trong những công việc mình làm. 

Theo dõi những chiến lược phát triển nông nghiệp của bà chúng tôi nhận thấy không chỉ là lựa chọn cái khó mà còn là sự lựa chọn liên kết với các đối tác nước ngoài. Với chiến lược hợp tác đó, hẳn bà học được rất nhiều điều từ họ?Sau tía tô, chúng tôi cũng thấy bà mở rộng sang trồng bơ, trồng nấm... Vậy khát vọng của bà đối với nông nghiệp là gì?

Tôi đã từng đi 10 ngày ở đất nước Israel, từ Đông sang Tây từ Nam sang Bắc và chỉ đi để xem họ làm nông nghiệp. Ấn tượng nhất là vùng biên giới giữa Israel và Palestine. Đất đai Israel rất khô cằn, khan hiếm nguồn nước nhưng so với Palestine thì họ lại vô cùng xanh tốt.

Hai bên đường ở Israel người ta trồng chà là, cam, bưởi, chuối... để những người nghèo có thể đến đó thu hoạch. Họ tối ưu hóa, không lãng phí và rất tinh tế từ những điều nhỏ nhất. Mỗi nhà dân bên đó đều có một cây chanh, một mảnh đất chỉ tầm 1m2 cũng đầy đủ rau thơm như húng bạc hà để uống trà. 

 

Cũng vì khan hiếm nguồn nước mà người Israel tận dụng cả nước thải để lọc tưới cho cây. Một nông trường ở bên đó rộng khoảng 3.000 ha được quyền mua nước thải của một quận để tưới nhỏ giọt...

Họ nói rằng không gì tốt bằng tự nhiên, không gì quý bằng được thiên nhiên ưu đãi và họ cũng nói Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi. Thế thì tại sao mình không tận dụng điều kiện thuận lợi đó để phát triển? Tôi nghĩ rằng phải thay đổi từ những điều nhỏ nhất, ví như dân mình cứ thích mua hoa tươi về cắm xong lại vứt ra môi trường thì tại sao không tự trồng lấy.

Ngoài tía tô hiện chúng tôi đang trồng nấm đùi gà, nấm hải sản, nấm yến và sang năm sẽ có nấm hương phục vụ thị trường nội địa. Còn cây ăn quả, chúng tôi liên kết với người Israel trồng bơ tại nông trường Sông Âm ở Thanh Hóa.

Vì sao bà chọn lựa cây bơ?

Theo người Israel cây bơ có rất nhiều tác dụng mà thế giới chưa biết hết. Bình quân mỗi người Israel ăn hết khoảng 5kg/người/năm, cao nhất thế giới, trong khi Châu Âu chỉ 0,6kg, Nhật Bản 0,8kg còn Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia tỉ dân chưa biết đến giá trị của của cây bơ. Xu thế của thế giới ngày càng giảm chất từ động vật, tăng cường chất từ thực vật. 

Nói cách khác, đối với cây bơ cả thế giới đều cần. Một ông chuyên gia Israel đã dành cả cuộc đời để đi tìm đối tác để hợp tác trồng bơ và sau nhiều năm ông ấy đã lựa chọn chúng tôi, lựa chọn Việt Nam để góp tiền cùng đầu tư. Chúng tôi hoạt động theo mô hình liên doanh, người Israel chịu trách nhiệm về cây giống, kỹ thuật chăm sóc, bán hàng còn mình chịu trách nhiệm về đất đai, chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu, nhân công...

Hiện ở nông trường Sông Âm đang có khoảng gần 1.000 ha đất và diện tích có thể trồng trọt vào khoảng gần 800 ha. Kế hoạch của chúng tôi là trồng và nghiên cứu giống để tìm ra loại giống phù hợp nhất sau đó cung cấp cho người dân, liên kết với họ sau đó thu mua lại sản phẩm. Tiếp đó sẽ xây dựng nhà máy chế biến. Theo kế hoạch khoảng hai năm nữa bơ ở Sông Âm sẽ có quả.

Ngày trước, khi còn đi làm thuê cho người nước ngoài tôi từng nghĩ là tại sao mình phải làm thuê cho họ và luôn có khát vọng sẽ thuê ngược lại họ làm cho mình. Đến bây giờ tôi đã thực hiện được điều đó.

Mình đang kém lĩnh vực nào thì phải thuê người ta bởi đó là con đường ngắn nhất để đạt kết quả, còn về lâu dài, như câu chuyện tía tô, nấm, đến lúc chúng ta lành nghề thì hoàn toàn có thể tự làm. 

 

Nhìn lại những thành tựu của bà trong ngành may, có thể thấy gần như một tay Anh hùng Lao động Ninh Thị Ty vực dậy May Hồ Gươm, Chiến Thắng, Bắc Kạn, Thành Đông... Với bà, giá trị cốt lõi để hun đúc nên những thành công đó là gì?

Thứ nhất tôi nghĩ mình là người lạc quan và luôn luôn nỗ lực lao động. Thứ hai là những quyết sách, chính sách phù hợp với từng doanh nghiệp một.

Có lẽ sự lạc quan và ý chí của tôi được thừa hưởng từ mẹ mình. Ngày xưa bà ở trong đội Việt Minh, nhanh nhẹn tháo vát và rất thông minh. Cuộc đời của bà, ý chí nghị lực rất lớn của bà đã là một cảm hứng truyền lại cho tôi rất nhiều. Cộng với thời gian khá dài học tập ở Đức đã giúp tôi học hỏi và rèn luyện, hun đúc thêm sức mạnh tinh thần.

Sức mạnh tinh thần giúp bà vượt qua khó khăn thế nào?

Ví dụ năm 2020, đại dịch Covid - 19 hoành hành như vậy, đa phần các doanh nghiệp đều gặp khó khăn chung nhưng thay vì kêu ca thì tôi luôn nghĩ mọi con đường đều có lối thoát của nó. Mình phải suy nghĩ tích cực như thế chứ cứ nghĩ tiêu cực rằng không có lối thoát thì chính trong tư tưởng mình đã không có lối thoát và không thể thành công được. 

Mỗi khi doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn tôi vẫn thường chia sẻ với cán bộ nhân viên mình câu chuyện rừng mơ của Tào Tháo.

Đối với một người chủ doanh nghiệp, sai một li sẽ đi một dặm nên những lúc càng khó khăn thì càng phải bình tĩnh. Có thể ăn mặc đẹp hơn một tí, cho phép mình đi chơi một tí và phải luôn nhớ rằng sẽ có lối thoát và mình sẽ phải bình tĩnh để tìm ra.

Quá trình tái cơ cấu May Chiến Thắng cũng vậy, thời điểm tôi tiếp quản doanh nghiệp đang thua lỗ nặng nề nhưng bài đầu tiên tôi làm lập tức tăng 20% lương cho toàn thể cán bộ công nhân viên công ty.

Đó là thời điểm Chiến Thắng mỗi tháng lỗ 100.000 USD và giám đốc điều hành đã hỏi đi hỏi lại tôi có biết thực trạng đó không. Tất nhiên là tôi biết chứ, nhưng lỗ là câu chuyện của tôi chứ không phải của bất kỳ ai, việc của người lao động là làm việc và nhận lương.

Người ta phải đủ sống và sau đó khi họ đã có khí thế, cộng với việc mình tư vấn bằng nghề của mình đã đạt được năng suất cao hơn trước rất nhiều.

Mình cũng là người lao động, mình muốn thế nào thì người lao động mình quản lý cũng muốn như thế và mình phải đáp ứng trước khi yêu cầu họ phải thế này thế khác. Người ta không biết bơi thì phải dạy họ bơi để vào bờ chứ không phải cứ quẳng xuống nước rồi bắt họ phải bơi đi.

Với triết lý đó, hiện chúng tôi đang quản lý gần 6.000 lao động và đã thành một hệ thống, rất đúng quy trình.

Bà dự báo thế nào về năm 2021, đặc biệt là các lĩnh vực như may mặc, nông nghiệp? Đối với nông nghiệp, theo bà hiện đang có những vướng mắc gì cần phải gỡ bỏ để việc đầu tư vào lĩnh vực này thực sự tốt hơn? 

Theo tôi cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đang có những thuận lợi nhất định. Thứ nhất là công tác phòng chống dịch của chúng ta tốt, thứ hai là các chính sách đã và đang khắc phục được một số tồn tại trước đây, khôi phục lại được niềm tin của người dân, cộng với chính trị, an ninh cũng đang rất ổn định.

Ngoài ra, vị thế của Việt Nam trên thế giới ngày càng uy tín và các sản phẩm của chúng ta cũng tốt dần lên.

Cá nhân tôi cho rằng ngành dệt may, nông nghiệp năm 2021 sẽ thuận lợi hơn năm 2020. Vấn đề còn lại là từng doanh nghiệp phải phân tích tình hình thế giới và đất nước để nắm bắt cơ hội.

Trước hết cần phải thay đổi tư duy, phải thay đổi việc hô hào kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành Tự hào dùng hàng Việt Nam.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp theo tôi vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là đất đai và giải phóng mặt bằng. Muốn làm nông nghiệp tốt thì phải cơ giới hóa, tự động hóa còn nhỏ lẻ, manh mún thì rất là khó.

Thứ hai là nhận thức và tâm huyết. Làm nông nghiệp lúc đầu sẽ khó khăn và phải chấp nhận rủi ro nên tôi mong muốn các doanh nghiệp đã có tích lũy, đã lớn sẽ có những sự đầu tư đúng mực và kiên trì, chứ không phải kiểu xin đất xong thấy khó khăn rồi lại bỏ. Thực tiễn cho thấy những gì càng khó khăn thì thành quả càng ngọt, càng thơm.

Cũng mong rằng các chính sách Nhà nước hiểu được cái khó của doanh nghiệp để các cơ quan ban ngành ủng hộ một cách thiết thực, nên là cơ quan phục vụ chứ không phải là cơ quan “hành chính”.

Tôi ước mơ đến một ngày dân Việt Nam sẽ như dân Israel, sẽ tự hào là không nhập ngoại mặt hàng ăn uống mà tôi chỉ dùng đồ Việt Nam của tôi mới chuẩn, mới ngon, mới tốt.

5 năm, 10 năm hay đến lúc mình chết đi có được nhìn thấy hay không nhưng đó là ước mơ cháy bỏng. Muốn được như thế theo tôi cần phải có những sự thay đổi, đặc biệt là về tư duy. 

 

 Mai Xuân Nghiên - Hoàng Anh
 Trọng Toàn
 Tùng Đinh