Vào thời điểm mà Dung, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của một công ty khởi nghiệp phần cứng ở Đài Bắc, nhận ra ngành công nghệ toàn cầu đang đối mặt với tình trạng thiếu chip nghiêm trọng, anh ấy đã nhận ra công ty mình đang thực sự có vấn đề. 

"Khi tôi nhận ra sự thiếu hụt linh kiện thực sự vào tháng 1 này, thì mọi thứ đã quá muộn", Dung, người có công ty sản xuất máy tính công nghiệp với giá cả phải chăng cho biết. "Một số nhà cung cấp của tôi nói với tôi rằng tôi sẽ phải đợi đến tháng 10 hoặc thậm chí muộn hơn đối với một số chip, mà tôi đã từng có thể đặt hàng trước chỉ một tháng. ...Điều đấy có nghĩa là tôi gần như sẽ không có gì để giao hàng gần như toàn bộ năm nay, kể cả ngay khi tôi có đơn đặt từ khách hàng". 

Quy mô kinh doanh tương đối nhỏ của ông Dung đồng nghĩa với việc ông là một trong những người thua cuộc sớm nhất trong cuộc khủng hoảng chip toàn cầu chưa từng có diễn ra từ cuối năm ngoái - trong chuỗi cung ứng công nghệ, những người chơi lớn hơn sẽ có nhiều sức mua hơn.

Bốn tháng sau, tình trạng thiếu hụt đã trở nên nghiêm trọng và kéo dài đến mức nó đang ảnh hưởng đến những công ty lớn như Apple và Samsung Electronics, và thậm chí còn gây ra tình trạng khẩn cấp về chính trị và ngoại giao.

Vào ngày 12 tháng 4, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chủ trì một cuộc họp tại Nhà Trắng với các giám đốc điều hành công nghệ của Intel, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan; Samsung Electronics, và các nhà sản xuất ô tô bao gồm Ford Motor và General Motors, để thảo luận về tình trạng thiếu chip và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Tình trạng khan hiếm nguồn cung đã trở thành một vấn đề cấp bách đối với các chính phủ khi nó bắt đầu ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô vào đầu năm nay. Mỹ, Nhật Bản và Đức, ba quốc gia sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, bắt đầu gây áp lực buộc các nền kinh tế sản xuất chip quan trọng của châu Á - Hàn Quốc và Đài Loan - ưu tiên chip ô tô, ngay cả khi các khách hàng khác, bao gồm các nhà sản xuất điện thoại thông minh và nhà sản xuất máy tính phải trả giá.

Chính phủ ba nước đã cảnh giác với việc các nhà sản xuất ô tô phải chậm hoặc thậm chí ngừng sản xuất do thiếu chip - đe dọa việc làm trong nước và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Các công ty như TSMC  (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co, còn được gọi là Taiwan Semiconductor, là tập đoàn chuyên về chế tạo chất bán dẫn lớn nhất thế giới) và Samsung đã phản ứng bằng cách sản xuất chip nhanh nhất có thể.

Tuy nhiên, áp lực chính trị trong việc ưu tiên nhu cầu của các nhà sản xuất ô tô chỉ càng "đè nén" hơn nữa căng thẳng trong chuỗi cung ứng.

Mark Liu, Chủ tịch TSMC cho biết: “Chúng tôi đã đàm phán lại với một số khách hàng của mình và giúp chính phủ kêu gọi nên ưu tiên các chip ô tô quan trọng để giúp ích cho nền kinh tế toàn cầu. Điều này khác với trước đây, khi phân bổ năng lực sản xuất chip dựa trên nguyên tắc ai đến trước được phục vụ trước".

Một kết quả của sự hỗn loạn của việc thiếu hụt chip này là sự cạnh tranh vốn đã khốc liệt trong ngành công nghệ vốn đã gay gắt nay càng trở nên gay gắt hơn.

"Chúng tôi đang nói với các nhà cung cấp của chúng tôi rằng đừng cung cấp chip cho các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn và chúng tôi sẽ trả giá cao hơn để đảm bảo nhiều chip và linh kiện hơn. ... Tôi chắc chắn rằng các đối thủ cạnh tranh của tôi cũng đang nói điều tương tự với các nhà cung cấp", một giám đốc điều hành ngành công nghệ máy tính nói với Nikkei Asia. "Điều này giống như, nếu tôi không thể có đủ chip và linh kiện, tôi cũng không muốn bất kỳ ai, đặc biệt là các đối thủ của tôi, có đủ chúng. Nếu tôi bị ảnh hưởng, tôi phải kéo đối thủ của mình xuống theo". 

Một số nhà sản xuất máy tính thậm chí còn đặt hàng nhiều hơn và sớm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu để tăng dung lượng và cản trở khả năng đảm bảo nguồn cung của đối thủ, Nikkei Asia cho biết.

Những người khác cũng đang trong một nỗ lực để giữ cho nguồn cung tiếp tục "chảy" vào công ty mình

"Ngay cả nguồn cung cấp linh kiện cũng đang khan hiếm. Tôi đã đi ăn tối với sếp của những nhà cung cấp này tám lần vào tuần trước và đi chơi gôn với họ rất nhiều lần, trao đổi mong muốn họ ưu tiên nhu cầu của tôi và cho tôi nhiều nguồn cung cấp nhất có thể, "một giám đốc cấp cao của Compal Electronics, nhà sản xuất máy tính xách tay số 2 thế giới, cho biết.

Trong khi nhu cầu tăng đột biến từ các nhà sản xuất ô tô đã làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung, thì gốc rễ của vấn đề lại đi xa hơn.

Sự bùng phát của dịch Covid-19 vào đầu năm ngoái, dẫn đến việc đóng cửa và kiểm dịch trên khắp Trung Quốc, điều này đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng công nghệ. Một khi việc giao hàng trở lại đúng tiến độ, các nhà sản xuất điện tử đua nhau đặt trước nhiều hàng tồn kho hơn so với trước đây để đảm bảo rằng chúng sẽ không bị thiếu hụt một lần nữa. 

Đại dịch cũng kích thích thêm nhu cầu mạnh mẽ hơn. Việc áp dụng hàng loạt yêu cầu làm việc và học tập từ xa đã thúc đẩy một sự chuyển đổi kỹ thuật số quy mô lớn. Từ đó, việc triển khai mạng 5G và điện thoại thông minh cũng sẽ đòi hỏi nhiều chip và linh kiện hơn.

Ví dụ, một điện thoại thông minh 5G điển hình có ba ăng-ten, so với một ăng-ten trên điện thoại thông minh 4G. Nó cũng cần nhiều "thành phần" hơn (từ 30% đến 50%) so với thiết bị cầm tay 4G.

Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, trước đại dịch, cũng đã gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng. Khi Washington hạn chế mạnh mẽ quyền tiếp cận của Huawei với lĩnh vực công nghệ quan trọng của Mỹ, công ty đã dự trữ nhiều nguồn cung cấp nhất có thể và các công ty Trung Quốc khác, lo sợ bị đối xử tương tự, cũng đã làm theo vậy. Kết quả là dẫn đến một lượng lớn nhu cầu lớn về chip và các thành phần quan trọng khác đã diễn ra

Hôm thứ Hai (12/4), Huawei đã công khai đổ lỗi cho Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, nói rằng các lệnh trừng phạt của Washington đối với các công ty công nghệ Trung Quốc đã thúc đẩy hoạt động mua linh kiện và chip gây rối loạn chuỗi cung ứng. Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, cho biết: “Rõ ràng các lệnh trừng phạt không chính đáng của Mỹ đối với Huawei và các công ty Trung Quốc khác đang tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung toàn ngành và điều này thậm chí có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới.

Làm cho vấn đề tồi tệ hơn, một số đối thủ cạnh tranh của Huawei đã tăng cường đơn đặt hàng của họ với hy vọng giành lấy thị phần từ công ty Trung Quốc vốn bị Mỹ bị coi thường này.

"Mọi người đều nghĩ rằng họ có thể giành được toàn bộ thị phần mà Huawei đã đánh mất tại Mỹ", một giám đốc điều hành ngành công nghiệp chip nói với Nikkei Asia. Xiaomi, Samsung, Oppo và Vivo chỉ là một số nhà sản xuất điện thoại thông minh đã đạt được vị thế trên toàn cầu với sau khi chiếm lấy khoản trông mà Huawei đã mất.

Các hành động khác của Hoa Kỳ nối tiếp sau đó, bao gồm việc đưa nhà sản xuất lớn nhất về chip của Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International (SMCI), công ty Qualcomm cũng như nhiều nhà phát triển chip Trung Quốc là khách hàng của Mỹ vào danh sách đen. Các khách hàng lo lắng về khả năng duy trì nguồn cung liên tục của SMIC.

Sự bùng nổ về đơn đặt hàng chip - phản ánh cả nhu cầu thực tế và đặt để dự trữ đã 'hút' gần như toàn bộ năng lực sản xuất chip và linh kiện trên toàn cầu.

Một lý do khiến tình trạng khan hiếm nguồn cung rất khó khắc phục là thời gian cần thiết để tăng năng lực sản xuất, tại các cơ sở hiện có hoặc bằng cách xây dựng các nhà máy mới là khá lâu. Intel của Mỹ đã tuyên bố sẽ chi 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy chip ở Arizona, nhưng những nhà máy này sẽ không đi vào hoạt động cho đến năm 2024.

Sự thiếu hụt đã bắt đầu ảnh hưởng đến các nhà sản xuất thiết bị chip , có nghĩa là ngay cả khi các công ty muốn mở rộng công suất (và không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro đó), họ phải đối mặt với thời gian chờ đợi đơn đặt hàng mới kéo dài.

Những thảm họa kinh hoàng như bão mùa đông ở Texas và hỏa hoạn tại một nhà máy ở Nhật Bản cũng khiến nguồn cung bị thắt chặt hơn.

Ngay cả những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất cũng bắt đầu cảm thấy bị "bóp nghẹt".

Samsung Electronics, cũng là nhà cung cấp chip nhớ lớn nhất, cảnh báo rằng tình hình sẽ khó khăn trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6. Apple, một trong những nhà mua sắm linh kiện và chip mạnh nhất thế giới, đã phải trì hoãn ​​việc sản xuất một số sản phẩm MacBook và iPad.

Peter Hanbury, đối tác của Bain & Co và là chuyên gia về chuỗi cung ứng công nghệ, cho biết vấn đề cơ bản là nhu cầu đã vượt xa nguồn cung hiện có. Peter cho biết: "Trong một số phân khúc và công nghệ nhất định, tổng nhu cầu đang vượt quá tổng nguồn cung hiện có, vì vậy chúng tôi hiện đang đối mặt với thách thức lớn hơn là xây dựng thêm năng lực sản xuất, điều này sẽ mất từ ​​ba đến bốn năm và tốn hàng tỷ đô la".

Tuy nhiên, những người khác khó có thể chắc chắn hơn. Theo quan điểm của họ, số lượng lớn các đơn đặt hàng cung ứng để dự trữ, nỗ lực tích trữ điên cuồng và quyết tâm loại bỏ các đối thủ có nguy cơ tạo ra một bong bóng lớn là tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ xảy ra khi "cơn sốt" này đang bùng nổ.

"Nhu cầu mạnh mẽ này sẽ không kéo dài mãi mãi được", một nhà điều hành trong chuỗi cung ứng chip cho biết. "Tôi lo lắng sẽ có sự điều chỉnh khi một trong những ông lớn bắn phát súng đầu tiên và bắt đầu cắt các đơn đặt hàng".

Chủ tịch TSMC Liu đã thừa nhận rằng khách hàng gần như chắc chắn đặt dự trữ hai lần để giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng địa chính trị gây ra. Tuy nhiên, công ty đã cảnh báo vào ngày 15/4 rằng, khi báo cáo lợi nhuận hàng quý vẫn tăng kỷ lục, tình trạng thiếu chip có thể chỉ kéo dài đến năm 2022. 

Wallace Gou, chủ tịch kiêm CEO của nhà phát triển chip điều khiển hàng đầu Silicon Motion cho biết: “Sự thiếu hụt nghiêm trọng này có thể gây bất lợi, đặc biệt là đối với nhiều công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ”. "Nhiều người trong số họ có thể ngừng kinh doanh nếu một số nguồn cung cấp chip quan trọng không thể đến kịp."

Dung, người sáng lập công ty khởi nghiệp phần cứng,cũng thừa nhận việc này.

Ông nói: “Chúng tôi (các công ty khởi nghiệp) không có đủ nguồn lực và sức mạnh mua sắm như các công ty lớn để tung ra các cuộc đấu thầu quyết liệt nhằm giành lấy hàng tồn kho. Bây giờ chúng tôi chỉ có thể làm việc suốt ngày đêm để thay đổi thiết kế của mình và tìm một số thành phần thay thế có sẵn hơn để có thể chiến đấu vì sự sống còn".

Bảo Trinh