Quảng Ninh đưa công nghệ Nhật Bản vào xử lý rác thải tạo năng lượng điện

19:30 30/09/2022

Hiện nay, với số lượng chất thải trên 1000 tấn/ngày, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư Dự án Xử lý chất thải y tế - Xử lý chất thải sinh hoạt thành năng lượng, nhằm giảm thiểu phát thải nhà kính qua việc phát điện.

Dự án được thực hiện tại khu xử lý rác Khe Giang, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh bằng hình thức đầu tư liên doanh. UBND tỉnh đã đồng ý để liên doanh gồm: Công ty Việt Long (tại Quảng Ninh) - Công ty Chodai - Tập đoàn Maeda (của Nhật Bản) nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải y tế - chất thải sinh hoạt thành năng lượng. Dự án dựa trên nền tảng công nghệ mới đã được áp dụng tại Thái Lan từ các đối tác Nhật Bản. Rác thải sẽ được đốt, thu hồi nhiệt để chạy tua bin phát điện. 

Quang cảnh Lễ khởi động Dự án Xử lý chất thải y tế - Xử lý chất thải sinh hoạt thành năng lượng ứng dụng công nghệ Nhật Bản
Quang cảnh Lễ khởi động Dự án Xử lý chất thải y tế - Xử lý chất thải sinh hoạt thành năng lượng ứng dụng công nghệ Nhật Bản.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, tổng lượng chất thải phát sinh năm 2021 là hơn 8.567 tấn/năm; năm 2022 đến thời điểm hiện tại là trên 1.000 tấn/ tháng. Trong đó 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) (tương đương 787 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; mới chỉ 26% tổng lượng CTRSH (tương đương 295 tấn/ngày) được xử lý bằng công nghệ đốt; 2-4% lượng CTRSH (tương đương 22 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp tái chế thu hồi nhựa, chế biến phân compost.

Như vậy việc đầu tư dự án, giúp tái tạo năng lượng, giảm thiểu phát thải nhà kính qua việc phát điện, đóng góp vào chủ trương trung hoà khí cacbon đang được nhà nước ta rất quan tâm. Đây là dự án mà UBND tỉnh đã có Quyết định số 4012/QĐ-UBND, ngày 30/11/2016, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Phạm Hường