Tín dụng chính sách xã hội tăng bình quân 10%/năm

11:57 13/05/2021

Trong những năm qua, ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy vai trò đòn bẩy kinh tế quan trọng, là kênh tín dụng chính sách đặc thù giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi.

Trong 10 năm qua (2011-2020), tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt bình quân 10%/năm. Quy mô tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng gấp 2,5 lần, từ mức gần 90.000 tỷ đồng năm 2010 lên hơn 226.000 tỷ đồng đến ngày 31/12/2020. Trong đó, với dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 56.550 tỷ đồng, tín dụng chính sách đã đến 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nào thể hiện mức độ đạt được từ mục tiêu này, nhưng số lượng đối tượng phục vụ của Ngân hàng trong giai đoạn 2011-2020 đã liên tục tăng lên.

Từ năm 2011 - 2020, nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Đã có trên 21,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 509.020 tỷ đồng.

Theo GS-TS. Trần Văn Phòng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Triết học - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kể từ khi ra đời đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện vai trò là một công cụ tài chính đắc lực của Nhà nước trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự giúp sức của Ngân hàng Chính sách xã hội, nước ta đã đạt thành tựu vượt bậc trong công cuộc giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, giai đoạn 2011-2015 giảm từ 14,2% xuống 4,25% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn dưới 2,9% (năm 2020).

Dù trong quá trình thực hiện Chiến lược Phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020, tại một số thời điểm, đất nước gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Ngân hàng đã tổ chức thực hiện hoàn thành các mục tiêu Chiến lược đã được Thủ tướng phê duyệt.

Trong quá trình thực hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tín dụng chính sách xã hội với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Có thể khẳng định, tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước.

PV