Tiêu thụ nội địa 8.698 tấn điều nguyên liệu nhập khẩu không đạt chất lượng: Vi phạm hành chính hay hình sự?

12:44 19/05/2022

Chi cục Kiểm tra sau thông quan- Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam đã bán tiêu thụ nội địa 8.698 tấn điều nguyên liệu nhập khẩu không đạt chất lượng để đưa vào sản xuất xuất khẩu. Công ty đã có những giải trình, việc mua bán lượng hàng này được doanh nghiệp thể hiện trên các chứng từ, hoá đơn và khai báo, hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với cơ quan thuế nội địa đầy đủ...

Tiêu thụ nội địa nhằm giảm bớt thiệt hại về kinh tế

Những ngày qua, vụ việc Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam (có địa chỉ tại số 37 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) tiêu thụ hơn 8.000 tấn điều phế phẩm không khai báo cơ quan Hải quan đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt là của giới doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều.

Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Bình Phước

Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Bình Phước.

Nội dung vụ việc tóm tắt như sau: Thực hiện kiểm tra sau thông quan tại trụ sở đối với Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam, qua kiểm tra, đối soát số liệu tồn kho thực tế tại doanh nghiệp bao gồm: nguyên phụ liệu tồn kho, sản phẩm dở dang trên chuyền sản xuất, thành phẩm tồn kho và số liệu tồn khai báo với cơ quan Hải quan tại cùng thời điểm 31/12/2020 và 31/10/2021 do doanh nghiệp cung cấp, Chi cục Kiểm tra sau thông quan đã phát hiện Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam có hành vi vi phạm sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, sử dụng không đúng mục đích mà không khai báo chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan Hải quan. Cụ thể, Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam đã bán tiêu thụ nội địa 8.698 tấn điều nguyên liệu nhập khẩu không đạt chất lượng để đưa vào sản xuất xuất khẩu. Trị giá số điều nhập khẩu trên 214,121 tỷ đồng.

Vụ việc hiện nhận được rất nhiều sự quan tâm, bởi lẽ Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam đã thực hiện nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Cũng theo giải trình của doanh nghiệp này thì họ đã luôn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, do các phế phẩm tồn kho cao, một số bị giảm chất lượng nên công ty đã chuyển tiêu thụ nội địa nhằm giảm bớt thiệt hại. Doanh nghiệp không ý thức đến việc phải giải trình và xin phép cơ quan chức năng.

Chi cục Kiểm tra sau thông quan đã ban hành quyết định ấn định thuế, truy thu hơn 10 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước. Sau khi Chi cục Kiểm tra sau thông quan ban hành quyết định thuế, Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam đã thực hiện nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Ngày 28/3/2022, Chi cục Kiểm tra sau thông quan đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam do đã có hành vi “Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế không đúng mục đích mà không khai báo chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan Hải quan”. Trị giá hàng vi phạm trên 214 tỷ đồng.

Vì đâu nên nỗi?

Qua tìm hiểu được biết, tiền thân của Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam là Công ty TNHH Rals Việt Nam - trực thuộc Tập đoàn Intersnack (Đức) chuyên chế biến và bảo quản rau củ quả. Được thành lập năm 2011 và đã hoạt động 7 năm trên thị trường. Có văn phòng đại diện tại địa chỉ Phòng 3, Lầu 16, Tòa nhà AB, 76 Lê Lai, Phường Bến Thành , quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi chuyển đổi thành Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam, do chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nên chủ sở hữu người nước ngoài chủ yếu chỉ điều hành doanh nghiệp từ xa. Thực tế này đã gây những ảnh hưởng không nhỏ tới việc quản lý, điều hành và không cập nhật đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Doanh nghiệp có các hoạt động đầu tư nhà xưởng, máy móc trang thiết bị tại cả 3 cơ sở sản xuất và 1 địa điểm lưu giữ hàng hoá. Cơ quan Hải quan nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là sơ chế hạt điều từ nguồn nhập khẩu để xuất khẩu. Trong đó, sản phẩm được bao tiêu 100% và khách hàng chính là đơn vị liên kết thuộc tập đoàn mẹ của công ty tại nước ngoài; sản phẩm chỉ bán cho đơn vị ngoài tập đoàn khi không đạt chất lượng theo yêu cầu của tập đoàn.

Theo quy trình sản xuất tại công ty, các phế phẩm phát sinh từ các công đoạn ban đầu của quá trình như phân loại, sàng lọc đến công đoạn chế biến như kích cỡ điều thô quá nhỏ, bị loại trong quá trình sản xuất phân cỡ không thể đưa vào sản xuất; sản phẩm bị vỡ vụn; lượng vỏ thu hồi… Sau đó các phế phẩm này sẽ chuyển đến kho lưu giữ. Khi lượng phế liệu, phế phẩm này du thùa quá nhiều sẽ dẫn đến tồn kho cao, một số bị giảm chất lượng. Vì vậy, doanh nghiệp đã tìm đến thị trường tiêu thụ nội địa. Việc bán phế phẩm trên chỉ nhằm giảm bớt thiệt hại về kinh tế do lượng phế phẩm này nhiều, không thể đưa vào sản xuất sản phẩm để xuất khẩu thu về lợi nhuận nên công ty có giải pháp bán lỗ thu hồi một phần vốn.

Doanh nghiệp không cố tình che giấu

Đến nay, qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nhận thấy, doanh nghiệp có hành vi đã vi phạm quy định tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, là sử dụng hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, hàng quản lý theo hạn ngạch thuế quan không đúng mục đích quy định mà không khai báo chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan Hải quan.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hành vi trên là hành vi trốn thuế được quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Mặt khác, hành vi này cũng được quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015. Vì lẽ đó, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nhận thấy khó khăn trong việc xác định đây là vi phạm hành chính hay vi phạm hình sự.

Theo Cơ quan Hải quan, việc bán nội địa các nguyên liệu trên mà doanh nghiệp hiểu là phế phẩm bị loại ra trong quá trình sản xuất đều thể hiện trên các hóa đơn và được hạch toán sổ sách kế toán đầy đủ, doanh nghiệp không cố tình che giấu.

Cùng với đó, sau khi được Đoàn kiểm tra thuộc Chi cục Kiểm tra sau thông quan hướng dẫn, giải thích các quy định của pháp luật Việt Nam và chỉ ra các sai phạm, doanh nghiệp nhận ra sai sót, cam kết không tái phạm, đồng thời doanh nghiệp này cũng đã hoàn tất nghĩa vụ thuế theo Quyết định của Đoàn kiểm tra.

Được biết, để thống nhất hành vi vi phạm, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã gửi hồ sơ vụ việc đến Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM để trao đổi, xem xét có hay không dấu hiệu hình sự trong vụ việc vi phạm nêu trên.

Doanhnghiephoinhap.vn sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có những diễn biến mới./.

Trần Linh