Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả Kinh tế tập thể

00:00 12/10/2020

Kinh tế tập thể, hợp tác xã dù đã có thành công bước đầu nhưng sự phát triển còn chưa tương xứng tiềm năng. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, cần có giải pháp đồng bộ để khu vực kinh tế này đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nói chung, qua đó khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), diễn ra chiều 14/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Giảm chi phí, tăng giá bán

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thứ trưởng Võ Thành Thống trình bày tại hội nghị cho thấy, tính đến 31/12/2018, cả nước có 101.405 tổ hợp tác (THT), 22.861 HTX và 74 Liên hiệp HTX. Trong tổng số 22.861 HTX cả nước, có 13.856 HTX nông nghiệp, 1.183 quỹ TDND và 7.822 HTX phi nông nghiệp, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng HTX tăng khoảng 59% so với năm 2003. Số lượng các HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 57% trong tổng số HTX.

HTX tác động đến kinh tế thành viên thông qua tạo việc làm, giảm chi phí, tăng giá bán, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Thực tế cho thấy, giữa hộ thành viên HTX so với hộ không phải là thành viên HTX về năng suất lao động không chênh nhau, nhưng giá thành thì có sự chênh lệch rõ rệt. Các hộ thành viên HTX bán hàng với giá cao hơn các hộ không phải thành viên HTX khoảng trên 10%, chi phí sản xuất giảm khoảng 25%, do vậy, thu nhập của hộ thành viên HTX cao hơn so với các hộ không phải thành viên HTX khoảng 30%. Qua đó khẳng định vai trò quan trọng của HTX đối với nông dân, đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX phải đánh giá trên giá trị gia tăng của các hộ nông dân và giá trị sản phẩm của hộ nông dân tham gia, hiệu quả hoạt động của HTX vừa là hiệu quả của hộ gia đình, của kinh tế thành viên.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”. Thủ tướng nhấn mạnh, KTTT đã có những đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia với 4%. Các HTX đã có sự phát triển mạnh mẽ, tổ chức lại, làm ăn có lãi nhiều hơn, tham gia các hoạt động thương mại trong nước và quốc tế. KTTT, HTX đã có sự phát triển khá cả về lượng và chất, đặc biệt là có sự hỗ trợ đối với hơn 6 triệu xã viên về vốn, tạo việc làm, xây dựng khối liên kết trong nông nghiệp. Cùng với cộng đồng doanh nghiệp đã tạo ra diện mạo nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững. Vai trò của OCOP hiện nay rất phong phú, đem lại giá trị sản phẩm cho người nông dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Đến nay số lượng HTX tăng hàng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, có nhiều HTX đã tâm huyết cam kết, có trách nhiệm, đóng góp và có kinh nghiệm với thị trường, gắn với ứng dụng khoa học để tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ.

“Tôi rất phấn khởi, bởi đến nay có gần 60% HTX làm ăn hiệu quả, có lãi. Đây là kết quả rất đáng khích lệ. Nhiều HTX có mô hình hoạt động rất mới, rất hiệu quả và thể hiện sự tiến bộ, sáng tạo, đổi mới của các thành viên. Chẳng hạn như HTX Dịch vụ vận tải Nhơn Trạch có hơn 1.000 đầu xe, ứng dụng khoa học công nghệ vào điều hành, quản lý là hết sức tích cực và cần được triển khai nhân rộng”.

Khẳng định vai trò của KTTT, HTX

Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bất cập, đó là tốc độ tăng trưởng của kinh tế khu vực này so với khu vực khác còn chậm, chưa phát huy hết tiềm năng, tăng trưởng chậm, thiếu tính ổn định, đóng góp vào GDP của cả nước còn khiêm tốn. Mô hình HTX kiểu mới thành công còn chưa lớn, quy mô HTX còn nhỏ, năng lực cạnh tranh còn thấp, người dân còn chưa mặn mà, chưa thấy cuốn hút bởi các mô hình mới. Đặc biệt là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Nhà nước, cơ chế chính sách pháp luật hỗ trợ để thúc đẩy phát triển KTTT, HTX còn nhiều khó khăn, còn vướng mắc, chậm sửa đổi.

Khó khăn nhất của các HTX hiện nay là vấn đề tiếp cận vốn, xử lý đất đai, nhân lực, công nghệ, thông tin thị trường. Đất ở địa phương thì rất nhiều, nhưng tại sao không tạo điều kiện cho HTX. Điều này cho thấy sự quan tâm chỉ đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa đến nơi, đến chốn. Cấp ủy, chính quyền và một số bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, chưa thấy hết vai trò của KTTT, mà nòng cốt là HTX. Những mô hình tốt, cách làm hay của một số nước chưa được triển khai học tập, chưa có chính sách hỗ trợ đầu vào, đầu ra tích cực cho HTX. Trình độ, năng lực, quản lý của cán bộ còn hạn chế...

Thủ tướng Chính phủ cho biết, mục tiêu phát triển KTTT trong thời gian tới là khắc phục yếu kém, hạn chế hiện nay; tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT. Xây dựng và phát triển mô hình KTTT, nòng cốt là HTX bền vững trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc HTX, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên. Thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia KTTT, HTX, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện công bằng xã hội. Nâng cao hình ảnh và vị thế của khu vực KTTT trong xã hội.

Thủ tướng khẳng định, cần tiếp tục nâng cao, thống nhất nhận thức trong hệ thống chính trị và xã hội về phát triển KTTT theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách, pháp luật, vai trò và các mô hình KTTT hoạt động có hiệu quả. Chú trọng tuyên truyền, tập huấn cho các tầng lớn nhân dân, thành viên HTX hiểu rõ, hiểu đúng bản chất, nguyên tắc và pháp luật về HTX, cơ chế quản trị, điều hành và kiểm soát hoạt động của HTX.

“Khu vực HTX cần năng động hơn, kết nối hơn với các chủ thể khác trong nền kinh tế, mở rộng lĩnh vực hoạt động theo nhu cầu phát triển, trước hết là phát huy vai trò tích cực trong thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, kết nối và mở rộng hợp tác, tạo điều kiện gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ và các chủ thể khác nhằm nâng cấp chuỗi giá trị, dịch vụ cho hộ gia đình, nông nghiệp công nghệ cao, tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế”.

Phạm Duy