Đam mê vượt qua khó khăn thành nghệ nhân tranh gỗ

10:32 24/04/2021

Khi đến Rạch Gầm – Xoài Mút (Tiền Giang) nhắc đến tranh gỗ là người ta thường nhắc đến nghệ nhân Lê Đức Ngọc vì ông không những đam mê, tự học, tự mày mò, nghiên cứu...mà còn sáng tạo ra nhiều tác phẩm tinh xảo có giá trị về mặt nghệ thuật như: tranh lọng, tranh ghép gỗ và tranh lá. Hiện nay có một số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Tiền Giang. Giới chuyên môn đánh giá cao về mặt kỹ thuật, mỹ thuật cũng như sự điêu luyện trong từng chi tiết, đường nét.

Trong gần 50 năm qua với những đóng góp đáng ghi nhận, nghệ nhân Lê Đức Ngọc vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Nhắc đến ông người ta thường nhắc đến những khó khăn vất vả lúc đầu thấy nhóm bạn cùng phòng đăng ký học lớp tranh lọng, ông mê lắm nhưng không có điều kiện tham gia. Lúc rảnh, ông tranh thủ mượn dụng cụ của bạn để tự học, tự nghiên cứu và thực hành. Có lúc thấy những bức tranh tuyệt đẹp nên nể phục từ đó đam mê sau đó bắt tay vào làm thử. Sau khi hoàn thành một số bức tranh mẫu, tuy không sắc sảo lắm nhưng ông vẫn quyết định mang lên Sài Gòn để trình làng nhằm lắng nghe những bình phẩm, góp ý từ khách hàng để tiếp tục hoàn thiện. 

  Tác phẩm “Trận thủy chiến Rạch Gầm – Xoài Mút” của nghệ nhân Ngọc được trưng bày tại Bảo tàng Tiền Giang.

Theo ông thì để tạo ra tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật, đòi hỏi nghệ nhân phải có niềm đam mê, sáng tạo, năng khiếu cộng với sự khéo tay và đức tính kiên trì. Đồng thời, mỗi thể loại tranh có yêu cầu riêng về kỹ thuật cũng như mỹ thuật. Chẳng hạn, đối với tranh ghép gỗ đòi hỏi bố cục và sự phối màu phù hợp, các chi tiết được gia công tinh xảo trước khi ghép. 

  Nghệ nhân Lê Đức Ngọc tại Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. 

Theo ông thì không thể nhớ hết mình đã sáng tác ra bao nhiêu tác phẩm nhưng hầu hết tác phẩm của ông đều được các nhà chuyên môn, giới mộ điệu và khách hàng đánh giá cao. Trong đó, gian hàng trưng bày và bán sản phẩm tranh ghép gỗ, tranh lọng của ông tại Khu du lịch cồn Thới Sơn được tiêu thụ khá mạnh đa số là du khách nước ngoài. Rất nhiều tác phẩm của ông nên thơ gần gũi với cuộc sống dân dã, đời thường nên rất được khách hàng ưa chuộng.

Từ những mẩu gỗ vô hồn, qua đôi tay khéo léo của mình, nghệ nhân Lê Đức Ngọc đã biến chúng thành những tác phẩm đặc sắc, đầy ấn tượng. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông được trưng bày tại Bảo tàng Tiền Giang gồm có: Tranh ghép gỗ trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút, tranh ghép gỗ phẳng Đám cưới trên đường quê, Quê hương, Hai câu thơ của nhà thơ Học Lạc (Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho/Đâu đâu thiên hạ cũng nhường cho)... Đặc biệt, ông được xem là chuyên gia có một không hai của Tiền Giang có khả năng tạo ra những bức tranh lá đặc sắc.

Văn Tiến