Tiền ảo Pi đang hoạt động phạm pháp

15:12 01/03/2021

Nhiều luật sư, chuyên gia nhận định như vậy khi nói về hoạt động của tiền ảo Pi ở Việt Nam.

Tiền ảo Pi đang hoạt động phạm pháp
Tiền ảo Pi đang hoạt động phạm pháp. 

Trên một trang thương mại sử dụng đồng Pi, trang này tự nhận là nơi "trung gian cung cấp thông tin cho các bên có nhu cầu trao đổi hàng hoá bằng đồng tiền điện tử Pi Network", nó thuộc sở hữu và vận hành bởi "Tập thể những người tiên phong tại Việt Nam". Như vậy, có thể thấy trang web này không thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức có tính pháp lý nào.

Về cách giao dịch, trang này khuyến nghị các bên nên thực hiện trực tiếp. Hai bên tự đồng thuận cho việc xem, dùng thử hàng hóa...Dựa theo một hợp đồng mua bán đã thực hiện, trang này định giá 1 Pi tương đương 100.000 đồng. Người mua có thể lựa chọn các tỉ lệ trao đổi gồm: 100% đồng Pi, 50% Pi + 50% VNĐ, 40% Pi + 60% VNĐ hoặc 30% Pi +70% VNĐ. 

Tuy nhiên, theo nhiều luật sư, việc trao đổi, mua bán bằng các đồng tiền thuật toán trong lưu thông tiền tệ là hành vi trái pháp luật Việt Nam.

Luật sư Diệp Năng Bình - Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật phân tích: Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hóa. Điều 105 Bộ luật Dân sự nêu rõ, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bao gồm cả bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Theo định nghĩa trên, tài sản chỉ tồn tại ở 1 trong 4 dạng.

Trong khi đó, anh Hoàng Trung Hiếu, một người có kinh nghiệm trong việc xây dựng và vận hành hệ thống máy tính đào Bitcoin cho biết, cách thức để đào được Bitcoin hay những đồng tiền điện tử khác là sử dụng hệ thống máy tính chuyên dụng có trang bị card đồ họa số lượng lớn chạy liên tục để giải mã các thuật toán. Do đó, việc đào tiền ảo (hay giải mã các thuật toán) trên điện thoại là một điều khó khả thi. Anh Hiếu dẫn chứng: “Một dự án mang tên Electroneum từng có giai đoạn cho phép dùng điện thoại để thực hiện công việc này. Nhưng đó chỉ là sự hiện diện của người dùng trên nền tảng đám mây chứ bản chất không hề dùng điện thoại để giải mã thuật toán".

Hơn nữa, hoạt động của Pi Network theo mô hình Ponzi. Mô hình Ponzi là một hình thức lừa đảo thu hút các nhà đầu tư và trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư trước đó bằng tiền từ các nhà đầu tư gần đây hơn. Mô hình này khiến nạn nhân tin rằng lợi nhuận đến từ việc bán sản phẩm hoặc các phương tiện khác, và họ vẫn không biết rằng các nhà đầu tư khác là nguồn tiền.

Nói về việc nhiều thành viên khoe nhau rằng giao dịch Pi để đổi lấy tài sản lớn như nhà, xe hơi, anh Hiếu cho rằng những giao dịch này chỉ là các trao đổi ngang hàng, tự phát vì Pi chưa hề được định giá hay lên sàn. Thậm chí, anh Hiếu còn nghi ngờ về sự xác thực của những thông tin trên.

Theo quy định tại khoản 6, 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặtvề thanh toán không dùng tiền mặt thì: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. "Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định vừa nêu”, Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.

Theo ông Bình, nếu chứng minh được Pi đang dụ dỗ, lôi kéo người chơi dựa trên những viễn cảnh không có thật được tô vẽ, có thể khởi tố xử lý hình sự theo điều 290 của bộ luật Hình sự quy định tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đó là hoạt động lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, thanh toán điện tử, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng…

PV