Thương mại điện tử “bức tử” doanh nghiệp Việt?

00:00 12/10/2020

Theo “Báo cáo E-Economy SEA 2018” do Google và Temasek công bố, giá thị trường kinh tế số tại Việt Nam đạt 33 tỉ USD vào năm 2025.

Thị trường mở ra nhưng thị phần dường như đang thu hẹp lại đối với các doanh nghiệp Việt. Báo cáo của Google và Temasek nghiên cứu ở 4 lĩnh vực gồm di chuyển (taxi, xe ôm công nghệ, giao hàng, giao thức ăn), thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến và du lịch trực tuyến. 4 lĩnh vực này trong năm 2018 được cho rằng có tổng giá trị khoảng 8 tỉ USD.

p/Việt Nam lọt top 3 thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Việt Nam lọt top 3 thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

“Miếng ngon” hay “đòn đau”?

Những con số hấp dẫn trên lý giải tại sao, những “đại gia” trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) nước ngoài như Lazada, Shopee, Robins, Lotte… đang quyết liệt giành thị phần cùng với các trang TMĐT Việt Nam như Tiki, Sendo.

Dù được đánh giá là hấp dẫn và giàu tiềm năng, nhưng thực tế, ngay cả khi các “đại gia” mạnh tay đầu tư lớn thì quả ngọt vẫn chưa đến.

Lazada đã lỗ liên tiếp 1.000 tỷ đồng/năm trong 2 năm 2015-2016. Tính đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Lazada đã lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Cùng cảnh ngộ, dù chính thức ra mắt vào tháng 8/2016, Shopee lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm đầu tiên. Sang năm 2017, mức lỗ tăng lên hơn 600 tỷ đồng.

Không thoát khỏi vòng xoáy thị trường, các trang TMĐT của Việt Nam như Sendo, Tiki cũng đồng loạt lỗ. Sendo với mức lỗ 60 tỷ đồng trong năm 2015 và 136 tỷ đồng trong năm 2016.

Không quá khó để giải thích về tình trạng thua lỗ của các “đại gia” trong lĩnh vực TMĐT bởi họ đang trong giai đoạn đầu tư, mở rộng thị trường, quyết liệt giành thị phần trong khi các chi phí liên quan đến bán hàng, logistics, khuyến mãi thu hút người dùng… đều rất lớn.

Trước đó, theo báo cáo TMĐT năm 2018 của công ty đo lường toàn cầu Nielsen, có đến 98% trong số người tiêu dùng truy cập vào internet Việt Nam đã mua hàng trực tuyến. Con số này tăng thêm một điểm phần trăm so với năm trước nhờ nhu cầu về sự tiện lợi trong hệ sinh thái mua hàng trực tuyến được đáp ứng ngày càng tốt hơn.

Khe cửa hẹp

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam đang có những điều kiện tốt cho nền kinh tế số phát triển mạnh. Internet đã trở thành một phần thiết yếu của các ngành thương mại dịch vụ như ngân hàng, giao thông, y tế…
Ước tính mức độ đóng góp của Internet là khoảng 2-3% GDP của Việt Nam và dự báo sẽ tăng đến 40-50% GDP trong tương lai.

Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Năm 2007, số người sử dụng Internet ở Việt Nam là 17,7 triệu người. Đến năm 2017, số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã tăng lên mức 64 triệu, xấp xỉ 67% dân số. Dựa trên số liệu của tập đoàn Miniwatts Marketing, Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới.

Quy mô thị trường, hạ tầng công nghệ, xu hướng tiêu dùng là lý do để các tập đoàn TMĐT mạnh tay tiếp tục “xuống tiền” đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đầu năm 2018, Tập đoàn Alibaba cho biết sẽ rót thêm 2 tỷ USD vào Lazada. Shopee cũng có những động thái đầu tư mạnh tay, vươn lên dẫn vị trí số một với hơn 34,5 triệu lượt truy cập trong ba tháng quý III.

Cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Trên thực tế thì ngay cả các thương hiệu Việt như Sendo, Tiki cũng đều được “hà hơi tiếp sức” bởi những nhà đầu tư nước ngoài. Tiki được đầu tư từ JD.com là sàn TMĐT trong Top 3 tại Trung Quốc, Sendo nhận đầu tư 51 triệu USD từ tập đoàn tài chính SBI Holdings của Nhật Bản.

Trước cuộc đua “kim tiền” khốc liệt, liệu Sendo, Tiki có trụ vững hay sẽ phải “bán mình” cho các tập đoàn nước ngoài?

Cuối năm 2017, doanh thu TMĐT của Việt Nam đạt 1,08 tỷ USD, chiếm chưa đến 1% doanh số bán lẻ trị giá 130 tỷ USD trong nước. Tuy nhiên, Hiệp hội TMĐT Việt Nam khẳng định Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ nhất, với tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng 30%, trong vài năm gần đây. Tỷ lệ này có thể duy trì đến năm 2020

Mục tiêu được Bộ Công Thương đề ra trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT đến năm 2020 là 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị bình quân mỗi năm khoảng 350 USD một người. Doanh số TMĐT B2C (business to customer, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng) dự báo tăng 20% mỗi năm, đạt 10 tỷ USD và chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Phan Nam