Những câu hỏi ngành điện phải trả lời. Bài V: Người dân cần ngành điện lý giải về tình trạng thiếu điện

05:00 08/06/2023

Vì sao quá tải hệ thống truyền tải? Có thực sự quá tải? Quá tải nhưng vẫn nhập khẩu, vẫn đưa được hàng ngàn MW điện tái tạo lên lưới? EVN lỗ, nhưng sao các công ty con lại lời, lấy tiền gửi ngân hàng? EVN có “làm khó” các doanh nghiệp điện tái tạo…

Tình hình thiếu điện vẫn rất gay gắt. Lịch cắt điện dày đặc trong ngày 6-6, từ Bắc Giang, Thái Nguyên đến Hà Nội. Theo Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), trong những ngày nắng nóng vừa qua, số lượng yêu cầu kết nối qua các kênh chăm sóc khách hàng tăng đột biến. Đặc biệt, ngày 2-6, trung tâm tiếp nhận 21.655 cuộc gọi vào tổng đài. Những thông tin này cho thấy tình hình thiếu điện ở miền Bắc vẫn đang rất gay gắt. Trong khi đó EVN đang làm gì với nhiều câu hỏi mà các cơ quan chức năng, dư luận đang đặt ra?

Mất điện, bà con ở Nghệ An ra đồng, ra vườn ăn cơm, chống nóng! Ảnh: MXH
Mất điện, bà con ở Nghệ An ra đồng, ra vườn ăn cơm, chống nóng! Ảnh: MXH.

Thủ tướng yêu cầu phải đàm phán xong giá điện tái tạo trong tháng 6

Ngày 6-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 517/CĐ-TTg về việc yêu cầu EVN thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới, trong đó yêu cầu phải hoàn thành đàm phán giá điện với các dự án điện tái tạo chuyển tiếp (điện mặt trời, điện gió) trong tháng 6.

Thực ra Chính phủ đã có yêu cầu Bộ Công thương đến ngày 31-3, EVN phải đàm phán xong giá bán điện với các đơn vị sản xuất điện sạch. Đến ngày 17-5 Văn phòng Chính phủ cũng có thông báo yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương có văn bản trước ngày 20-5-2023 chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư về mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện. Liên tục yêu cầu nhưng đến nay với 4.600 MW điện sạch tồn đọng, Theo EVN, hiện đã có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155 MW (chiếm tỷ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đàm phán giá điện tạm thời đến EVN. Hiện vẫn còn 33/85 nhà máy điện với tổng công suất 1.581 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%).

Tất nhiên việc đàm phán để đưa các dự án điện sạch tồn đọng lên lưới có nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ cũng đã cho “độ mở”, có thể ký hợp đồng mua bán với giá tạm thời, nhưng đến nay vẫn “tồn đọng” lớn các dự án đã hoàn thành sẵn sàng phát điện.

Trong khi đó nguồn cung điện thiếu hụt rất nghiêm trọng, EVN phải nhập khẩu 1.272MW điện và dự kiến đến năm 2030 là 5.743MW.

Với EVN, có một số vấn đề còn mập mờ khiến người dân và cả các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bức xúc.

ĐBQQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) phát biểu về việc lãng phí năng lượng tái tạo tại QH ngày 1-6. Ảnh: Quochoi.vn
ĐBQQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) phát biểu về việc lãng phí năng lượng tái tạo tại QH ngày 1-6. Ảnh: Quochoi.vn.

Đề nghị Quốc hội giám sát công tác quản lý nguồn điện tái tạo

Trong Công điện số 517/CĐ-TTg Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1-1.2021 đến 1-6-2023.

ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) đề nghị: Cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, đặc biệt là việc thường xuyên báo lỗ, trong khi các công ty thành viên báo lãi.

Chúng tôi đề nghị nhân kỳ họp QH đang diễn ra, QH nên đưa việc giám sát ngành điện, đặc biệt là công tác quản lý nguồn điện tái tạo vào chương trình giám sát gần nhất. Trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe các nhà đầu tư điện tái tạo, để lắng nghe sự thật về các vấn đề mà dư luận quan tâm, đặc biệt nhằm phát hiện những tiêu cực có thể xảy ra như chúng tôi đã nêu.

Truyền tải “đủ tải” hay quá tải?

Dư luận thắc mắc, vấn đề truyền tải quá tải, có thật không?

Tại buổi thảo luận tổ ở QH sáng 25-5, khi đề cập đến vấn đề lãng phí nguồn điện sạch, ĐB Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) cho rằng, người dân rất bức xúc việc tại sao phải nhập khẩu điện, trong khi nguồn điện mặt trời, điện gió lên tới 4.600 MW đến nay vẫn chưa được hòa lưới? Trả lời câu hỏi này Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vì sao không huy động nguồn điện tái tạo mà lại nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Công thương thông tin rằng không phải vướng về giá, mà vướng về công suất, tức hiện nay chúng ta đủ tải rồi. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc ngạc nhiên hỏi lại: "Đã đủ tải rồi thì tại sao cho làm? Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài?". Theo ông Phớc, Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời rằng đã ký hiệp định mua điện của nước ngoài rồi, nên không thể đàm phán cắt được.

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao đã đủ tải nhưng EVN vẫn tiếp tục nhập khẩu điện, cũng nhưu đã sẵn sàng đưa lên lưới ít nhất 2.300 MW điện tái tạo và cao hơn nữa. Như vậy có ảnh hưởng gì đến lưới điện?

Theo các chuyên gia ngành điện, trong Quy hoạch điện VII (phần bổ sung) cũng đã yêu cầu nâng cấp hệ thống truyền tải. Thực tế Quy hoạch điện VII với nhiều nhà máy điện than công suất rất lớn, ngành điện đã đảm bảo vấn đề truyền tải, và càng đảm bảo hơn khi nhiều dự án điện than rút khỏi quy hoạch. Vậy làm sao quá tải? Hay vì lý do nào? Còn nếu nói quá tải, thì trách nhiệm của Bộ Công thương và EVN chớ không ai khác.

Nhà máy điện mặt trời Sao Mai - An Giang được triển khai trong 2 năm 2019-2020. Ảnh: TTXVN.
Nhà máy điện mặt trời Sao Mai - An Giang được triển khai trong 2 năm 2019-2020. Ảnh: TTXVN..

EVN lỗ, nhưng sao các công ty con lại lời, lấy tiền gửi ngân hàng?

Theo báo cáo tài chính của 5 doanh nghiệp (DN) trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), năm 2022 các đơn vị này đều làm ăn tốt với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng và lãi từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong khi EVN đang lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng thì các DN trực thuộc tập đoàn này lại đang có hàng vạn tỷ đồng gửi nhà băng. Ảnh: EVN
Trong khi EVN đang lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng thì các DN trực thuộc tập đoàn này lại đang có hàng vạn tỷ đồng gửi nhà băng. Ảnh: EVN.

Tiền gửi ngân hàng tại các công ty con của EVN trong năm 2022 đã lên tới hàng vạn tỷ đồng. Như EVNNPC có hơn 10.500 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, EVNCPC khoảng 5.000 tỷ đồng, EVNSPC gần 5.500 tỷ đồng, EVNHANOI gần 5.000 tỷ đồng và EVNHCMC gần 4.000 tỷ đồng gửi ngân hàng. Có phải đây là cách đẩy lỗ về cho tập đoàn mẹ và đẩy lãi về cho các đơn vị thành viên? Đây là câu hỏi lớn, rất cần có câu trả lời.

Với số tiền gửi ngân hàng lên đến hàng vạn tỷ đồng, giúp DN thu về hàng trăm tỷ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Trong khi đó EVN liên tục tăng trưởng trong những năm qua, năm 2021 lãi sau thuế hơn 14.700 tỷ đồng, năm 2022 lại lỗ hơn 26.200 tỉ đồng và "lấy cớ" đó để làm áp lực xin tăng giá điện. Số tiền lỗ của EVN cũng đặt nhiều dấu hỏi. Có thực sự EVN lỗ?

ĐBQH Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đặt vấn đề, cùng một hệ sinh thái, nhưng công ty mẹ (EVN) báo lỗ, còn các công ty con vẫn công bố thu lợi nhuận cao. Vậy nguyên nhân EVN lỗ từ năm 2010 đến nay là do đâu?

Từ năm 2009 đến nay giá điện đã tăng khoảng 100%, từ mức 948,5 đồng/kWh lên 1.920,3732 đồng/kWh. Đến nay EVN vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị tăng giá điện.

ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng người dân không hề liên quan đến việc thua lỗ của EVN, đó là do việc sản xuất điều hành giá điện yếu kém, không chịu tiết kiệm bộ máy dẫn đến phát sinh chi phí cao. Có một thời gian người dân cũng đặt câu hỏi về thu nhập của cán bộ, lãnh đạo EVN rất cao, đến bây giờ cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc; và đặt vấn đề lộ trình xã hội hoá ngành điện còn chậm, càng để độc quyền, sự lộng hành về giá là không tránh khỏi.

EVN đã thực hiện lộ trình thị trường bán buôn cạnh tranh, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 08-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ, nay đã làm đến đâu? Thực hiện thị trường điện cạnh tranh là phương sách để giải quyết nhiều vấn đề về vốn, giá, thực hiện thị trường điện theo cơ chế thị trường. Nhiều quốc gia đã vận hành thị trường này hàng trăm năm nay.

Không cạnh tranh thì dễ dẫn đến độc quyền. Thử xem Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc EVN thì điều gì đã xảy ra? Họ quyết định giá điện bán buôn, bán lẻ, ai không bán thì… “chết” ráng chịu! Về quản trị, ngành điện lực Pháp (diện tích rộng hơn Việt Nam, là quốc gia công nghiệp sử dụng điện hơn Việt Nam nhiều lần), mà chỉ có hơn 20.000 nhân lực điều hành, trong khi EVN có tới hơn 100.000 nhân sự. Nguyên nhân EVN lỗ nằm ở những tồn tại đó. 

EVN giải thích việc xin tăng giá điện, nhưng vẫn gửi ngân hàng vạn tỷ đồng

EVN vừa có báo cáo gửi ĐBQH Tạ Thị Yên, Phó Ban Công tác đại biểu về một số vấn đề ĐBQH quan tâm tại kỳ họp thứ 5.

Lý giải vấn đề tại sao lại nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc mà không mua điện gió và điện mặt trời, EVN cho biết, sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, trong đó nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày.

“Những nguồn này không hẳn là thiếu mới nhập. Chúng ta đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005. Còn nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên Chính phủ. Chúng ta cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên những hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau”, theo báo cáo của EVN.

Về năng lượng tái tạo, theo EVN, thời gian qua phát triển mạnh nhưng chủ yếu chỉ nằm ở khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi khó khăn về cung cấp điện trong một số thời điểm lại diễn ra ở miền Bắc. Đồng thời, do giới hạn về mặt kỹ thuật để bảo đảm vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam nên các nguồn điện bổ sung ở miền Trung và miền Nam cũng không hỗ trợ được cho miền Bắc.

Đối với việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, EVN cho hay đến ngày 31/--2023, có 50 dự án với tổng công suất 2751,661MW. Chủ đầu tư đề nghị giá điện tạm thời bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình.

EVN đã trình Bộ Công Thương và được Bộ Công Thương phê duyệt 40 dự án với tổng công suất là 2.368,7MW. Trong đó có 7 dự án/phần dự án với tổng công suất 430,22MW đã hoàn thành thủ tục công nhận vận hành thương mại và phát điện lên lưới.

Việc EVN xin tăng giá điện, nhưng một loạt công ty con đưa hàng vạn tỷ đồng gửi ngân hàng, EVN giải thích, số tiền gửi cần được xem xét với số dư nợ ngắn hạn (60.045 tỷ đồng) tại cùng thời điểm của các Tổng công ty Điện lực.

“Chưa nói đến khoản dư nợ dài hạn, chỉ xét riêng khoản dư nợ ngắn hạn trên thì rõ ràng số nợ vay tại các đơn vị là rất lớn, nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao nên đòi hỏi nhiều đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho khoản vay trong thời gian tới”, EVN giải thích.

Theo EVN số dư tiền gửi trên được dùng để thanh toán trả nợ cho nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà và nhà máy thuỷ điện nhỏ… và chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

EVN “làm khó” các doanh nghiệp điện sạch?

Phát biểu gay gắt nhất về ngành điện là ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) hôm 1-6. Ông Hiển cho rằng Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị xác định rất rõ, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa nguồn năng lượng hóa thạch cho giai đoạn 2020-2030. Chính phủ cũng có nhiều văn bản có tính đột phá về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho phát triển điện tái tạo, nhưng gần đây trong các văn bản điều hành, cơ quan chức năng có sự thay đổi đột ngột về mặt chính sách, nhất là các quy định về khung giá điện, nhà máy phát điện, nhà máy điện tái tạo chuyển.

Không ít các quy định còn thắt chặt so với các dự án điện truyền thống, chứa nhiều quy định chưa hợp lý và tập trung ở 3 văn bản chính là Nghị quyết 21, Thông tư 15 và Thông tư 01 của Bộ Công Thương. Các văn bản này làm cho các nhà đầu tư điện tái tạo không được hưởng ưu đãi, ưu tiên trong việc huy động công suất như trước đây nữa. Từ đó khả năng cắt giảm công suất thường xuyên với dự án điện gió, điện mặt trời rất cao.

“Đây là mâu thuẫn, nghịch lý về chính sách, cơ chế, chính sách quản lý, điều tiết giá đầu vào, đầu ra khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy có sự thiên vị đối với các cơ quan, đơn vị của EVN”, ông Hiển nói.

Ông Hiển nêu vấn đề khác: Việc đầu tư các công trình truyền tải điện không đáp ứng được yêu cầu thực tế, dẫn đến EVN phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy điện tái tạo, dẫn đến lãng phí tài nguyên, gây thiệt hại kinh tế. Hậu quả của các quy định trên là một lượng lớn sản lượng điện không khai thác được, đẩy nhà đầu tư lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Phân tích của ông Hiển cho thấy Bộ Công thương và EVN đã có những văn bản điều hành bất cập, ảnh hưởng tiêu cực tới sự sống còn của DN, môi trường đầu tư, trước hết là các dự án năng lượng điện gió, điện mặt trời đều không có khả năng đạt mức sinh lời hiệu quả, từ đó khiến nhiều nhà đầu tư đối diện với nguy cơ phá sản. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên lĩnh vực này mà lãnh dạo Nhà nước, Chính phủ đang tha thiết kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Hậu quả khác là không đạt được mục tiêu về an ninh năng lượng, giảm thải carbon như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đề ra; ảnh hưởng đến cam kết COP26 mà Việt Nam đã ký kết, giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Có ý kiến cần tham khảo: EVN và Bộ Công thương có “làm khó” các DN điện sạch? “Làm khó” như chậm, không đấu nối các dự án điện tái tạo với nhiều lý do DN chưa hoàn thiện hồ sơ theo đủ các quy định do bộ Công thương đặt ra, rằng đường dây 500 KV quá tải...

Dư luận đặt vấn đề có tiêu cực trong việc xây dựng, đấu nối các dự án điện sạch? Có “làm khó” DN bằng đủ các thủ tục hành chính để các DN phải chung chi? Trong dư luận đã có những DN kêu ca về chuyện này. Các cơ quan chức năng nên gặp gỡ các DN làm năng lượng tái tạo, lắng nghe phản ánh của họ, xem họ phải qua các cửa ải nào và phải chi bao nhiêu mới được cấp phép và đấu nối?

Bất luận vì lý do gì, khi dân và nền kinh tế thiếu điện mà Bộ Công thương và EVN không thể đấu nối, truyền tải điện tái tạo đang chờ “giải cứu”, là lãng phí, mà lãng phí có khi còn nguy hiểm hơn tham nhũng.

Bộ Công thương và EVN cần phải trả lời những vấn đề thời sự nóng bỏng của ngành điện, giải quyết đúng và hiệu quả các vấn đề tồn tại, nếu không ngành điện không theo kịp sự phát triển kinh tế của đất nước, hậu quả rất khó lường.

Lưu Vĩnh Hy