Thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam

23:35 23/09/2021

Trong khuôn khổ tham dự Đại hội đồng Khóa 76 của Liên Hợp quốc, ngày 23/9 (theo giờ Việt Nam) Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), Hội đồng Kinh doanh vì sự hiểu biết quốc tế (BCIU), Hiệp hội thương mại Mỹ (Amcham), Phòng Thương mại Mỹ (USCC), McLarty, Philip Morris và lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia: AES, Thermo Fisher, Asia Group, orthwestern Medicine, Excelerate Energy, GE, McDermontt đối tác của Delta Offshore, Boeing…

Đánh giá cao vai trò của các hiệp hội trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam trong nhiều năm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các hiệp hội tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, tài chính-ngân hàng, chuyển đổi số,…; và đưa Việt Nam vào các chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu.

Tiếp Tập đoàn AES, Chủ tịch nước đánh giá cao AES đã ký với PVGas hợp đồng triển khai dự án Kho cảng khí LNG Sơn Mỹ. Đây là một trong các dự án trọng điểm đối với việc xây dựng mạng lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển tại Việt Nam.

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ, hỗ trợ Tập đoàn AES mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam; khuyến khích AES và các đối tác tăng cường đầu tư trong ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đây là những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao và hiện có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường của Việt Nam.

Tiếp Tập đoàn Asia Group, Chủ tịch nước đề nghị Tập đoàn này tiếp tục là cầu nối giữa hai nước, thúc đẩy Chính phủ Mỹ hợp tác thực chất và lâu dài với Việt Nam trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Đặc biệt, Asia Group cần góp tiếng nói vận động Chính phủ Mỹ tiếp tục hỗ trợ vaccine ngừa Covid-19 và trang thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.

Chủ tịch nước cũng cảm ơn Arcturus chuyển giao công nghệ vaccine mRNA cho Tập đoàn Vingroup, nhấn mạnh việc bảo đảm nguồn vaccine mang ý nghĩa sống còn đối với người dân Việt Nam, góp phần duy trì ổn định kinh tế - xã hội, tránh đứt gãy chuỗi cung, tạo điều kiện khôi phục hoạt động kinh doanh và sản xuất.

Tiếp lãnh đạo Công ty Northwestern Medicine, Chủ tịch nước cảm ơn các phòng khám và bệnh viện thành viên của Western Medicine đã hỗ trợ Việt Nam 337 hạng mục vật tư, thiết bị y tế. Bộ Y tế Việt Nam sẽ khẩn trương chuyển giao lô hàng này cho các bệnh viện và địa phương đang là điểm nóng về dịch bệnh trên cả nước.

NXP-Boeing-jpeg-6723-1632444796.jpg

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đại diện Tập đoàn Boeing.

Tiếp ông Arun Savkur, Tổng Giám đốc Tập đoàn Quantum, Chủ tịch nước cũng chứng kiến Lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa liên danh Công ty Kinh Bắc và Công ty Công nghệ viễn thông Sài Gòn, trực thuộc Tập đoàn đầu tư Saigon và Tập đoàn Quantum. Theo đó, Quantum sẽ đầu tư vào Việt Nam chuỗi các dự án có tổng giá trị khoảng từ 20 đến 30 tỉ đô la. Ông Arun Savkur, Tổng Giám đốc tập đoàn cho biết, Quantum đặt trọng tâm đầu tư tại Việt Nam vào những lĩnh vực quan trọng như nhà máy điện Long Sơn (trị giá khoảng 5 tỷ đô la); các dự án đầu tư hạ tầng với tầm nhìn dài hạn như: Cảng Long Sơn, (bao gồm cả cảng khí để cung cấp cho khu công nghiệp và hộ gia đình sau này. Đồng thời, Quantum cũng có ý định đầu tư xây dựng trung tâm công nghệ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại Việt Nam cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe kết hợp công nghệ cao của phương Tây và y học cổ truyền phương Đông.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Công ty Cổ phần Chân Mây LNG (CML – Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng) với General Electric (GE), Excelerate Energy (EE) nhằm phát triển dự án Chân Mây LNG (4.800MW) ở Thừa Thiên – Huế. Theo biên bản ghi nhớ với Excelerate Energy, tập đoàn này sẽ rót 800 triệu USD để hợp tác và phát triển dự án Chân Mây LNG và cơ hội tiềm năng sử dụng FSRU (đơn vị điều chỉnh lưu trữ nổi) của EE. Đây là doanh nghiệp hàng đầu thế giới về FSRU (đơn vị tái hóa khí và lưu trữ nổi) với khối lượng LNG cung cấp hàng năm lên đến 30 triệu mét khối đến các trạm xuất khẩu khí hỏa lỏng trên toàn thế giới. Đối với biên bản ghi nhớ với GE, với khoản đầu tư trị giá 2,4 tỷ USD, Tập đoàn GE sẽ hợp tác và phát triển dự án Chân Mây LNG, cung cấp các tuabin sử dụng năng lượng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG và hydro có hiệu quả năng lượng tiên tiến nhất và máy phát điện của GE. Được biết, dự án này sẽ vận hành theo mô hình nhà phát triển IPP (đầu tư tư nhân) và nhà cung cấp LNG dài hạn cho dự án với tỉ lệ nắm giữ vốn sở hữu 60% (Mỹ) và 40% (Việt Nam). Khi đi vào hoạt động và vận hành thương mại, hàng năm, dự kiến nhà máy sẽ cung ứng sản lượng điện trung bình là 24-25 tỷ kWh.

Trước đó, Bamboo Airways của Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận mua động cơ GENx và gói bảo dưỡng máy bay Boeing 787-9 trị giá 2 tỷ USD với GE.

Tại cuộc tiếp xúc với Tập đoàn Boeing, Mỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tập đoàn Boeing hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam mở thêm đường bay thẳng tới Mỹ, tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất linh kiện máy bay, cung cấp dịch vụ kỹ thuật hàng không, đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng của tập đoàn trên toàn cầu, nghiên cứu mở Trung tâm đào tạo phi công tại Việt Nam. Ông Michael Arthur, Chủ tịch Boeing International khẳng định cam kết của hãng với ngành hàng không vũ trụ Việt Nam. Minh chứng gần nhất cho cam kết làm ăn lâu dài là vào tháng 8/2021, Boeing đã chính thức thông báo về việc mở văn phòng tại Hà Nội nhằm hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng của công ty trong mảng kinh doanh máy bay thương mại quốc phòng và dịch vụ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tham dự và chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc triển khai chiến lược chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh doanh giữa Tập đoàn Vingroup và Google Cloud (Mỹ). Việc hợp tác với Google Cloud được Vingroup kỳ vọng sẽ giúp tối ưu hóa năng lực triển khai sản phẩm, dịch vụ và hệ thống, từ đó nâng cao trải nghiệm cho người tiêu dùng.

PV (tổng hợp)