Thông tư 06/2023/TT-NHNN: Nới lỏng tiền tệ và định hướng vốn cho doanh nghiệp

07:44 20/08/2023

Trong thời gian tới, sẽ có một sự điều chỉnh quan trọng về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN chính thức có hiệu lực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thông tư 06/2023/TT-NHNN thay thế cho Thông tư 39 năm 2016, Thông tư mới này mang đến nhiều điểm quan trọng, đặc biệt là việc bổ sung 4 nhu cầu về vốn không được cho vay.

Theo Thông tư 06, những mục tiêu cho vay cấm gồm: vay để gửi tiền; vay để bù đắp tài chính; vay để thanh toán tiền mua, góp vốn, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; mua, góp vốn, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom; vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư, góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm quyết định cho vay.

Sự điều chỉnh này đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia tài chính và doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang được nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng. Các chuyên gia cho rằng việc áp dụng Thông tư 06 cho thấy sự linh hoạt và tầm nhìn rộng lớn của Ngân hàng Nhà nước, giúp ngăn chặn tình trạng dòng vốn chảy vào các lĩnh vực rủi ro hoặc gây áp lực lên lợi nhuận của các tổ chức tín dụng.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc của AFA Capital, nhận định: "Thông tư 06 là một bức tranh hoàn chỉnh, điều chỉnh một cách hợp lý và thận trọng nhằm đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả và an toàn, đồng thời giúp duy trì sự ổn định trong hệ thống tài chính".

Tuy nhiên, ý kiến trái chiều cũng đã xuất hiện. Hiệp hội môi giới Bất động sản bày tỏ quan ngại về việc thực hiện Thông tư 06, với nhận định rằng việc cấm cho vay có thể ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án bất động sản đang cần vốn đầu tư. Đồng thời, cũng có những phản hồi cho rằng một số điểm trong Thông tư còn thiếu rõ ràng, góp phần tạo ra sự rối loạn trên thị trường.

Phía Ngân hàng Nhà nước giải thích, Thông tư số 06 không có bất cứ quy định cấm tổ chức tín dụng cho vay để thực hiện dự án bất động sản. Quy định này trên cơ sở kiến nghị của thanh tra với mục đích nâng cao hiệu quả và an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng; hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo, tập trung vốn cho vay đối với các dự án trong cùng hệ sinh thái, che giấu tình trạng đào nợ, qua đó góp phần đảm bảo an ninh kinh tế. Đồng thời, góp phần hỗ trợ chủ đầu tư dự án bất động sản tuân thủ quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản; tạo cơ sở cho thị trường bất động sản an toàn, bền vững, bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân mua bất động sản, nhà ở.

Trao đổi với Lao Động, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, bản chất mong muốn của các hiệp hội là thông tư quy định cần có sự hài hoà với thực tế và có độ linh hoạt trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Thành khẳng định, quy định của Ngân hàng Nhà nước là mong muốn thắt chặt quản lý dòng tiền, ổn định nợ xấu, không để "đồng tiền dễ dãi" mà cần có sự phân loại trong từng trường hợp rủi ro.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lên tiếng, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sửa đổi và bổ sung Thông tư 06 sao cho hợp lý và linh hoạt hơn, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Chính sự chỉ đạo của Thủ tướng đã thể hiện tầm quan trọng của việc đảm bảo sự hài hoà giữa các quy định và thực tế kinh doanh.

Cụ thể, Thủ tướng ký công văn hoả tốc số 746/TTg-KTTH ngày 16/8/2023 giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp ngay với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

Để tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phải có tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân, bảo đảm chính sách khi ban hành phải đúng, trúng, không cản trở sự phát triển và phù hợp, kịp thời xử lý vướng mắc.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái được giao khẩn trương chủ trì họp ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06 và những điểm bất hợp lý của Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/8.

Trong tương lai gần, sự điều chỉnh và đối thoại giữa Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp, và các chuyên gia tài chính sẽ là yếu tố quyết định đối với việc tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, an toàn và phát triển bền vững. Bởi dòng vốn cấp cho thị trường không chỉ phụ thuộc vào các quy định của Ngân hàng Nhà nước mà phần còn lại "cuộc chơi" còn phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại - cũng là các doanh nghiệp. Chính vì vậy, các bên cần hài hoà với nhau để hướng tới lợi ích chung.

Anh Nguyên t/h