Thị trường ngày 12/7: Giá dầu, vàng đảo chiều đi xuống, nông sản đồng loạt tăng

00:00 12/10/2020

Chốt phiên giao dịch đêm qua 11/7, giá dầu, khí tự nhiên, vàng giảm trở lại, quặng sắt và thép giảm tiếp, trong khi giá các mặt hàng nông sản đồng loạt tăng.

Dầu giảm trở lại

Giá dầu giảm do OPEC giảm dự báo nhu cầu dầu thô trong năm tới. Giá dầu thô rời khỏi mức cao nhất hơn 1 tháng sau khi các nhà sản xuất Mỹ cắt giảm khoảng 1/2 sản lượng tại vịnh Mexico trước 1 trong những cơn bão lớn đầu tiên tại Đại Tây Dương.

Chốt phiên giao dịch đêm qua 11/7, dầu thô Brent giảm 49 US cent xuống 66,52 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 67,65 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 30/5/2019. Giá dầu thô Tây Texas WTI giảm 23 US cent xuống 60,2 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 60,94 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 23/5/2019.

Trong báo cáo hàng tháng, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã đưa ra dự báo đầu tiên năm 2020 và cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ cần 29,27 triệu thùng/ngày từ 14 nước thành viên trong năm tới, giảm 1,34 triệu thùng/ngày trong năm nay. Dự báo chỉ ra rằng thế giới sẽ dư thừa dầu, mặc dù hiệp ước hạn chế nguồn cung dẫn đầu bởi OPEC được coi là ngăn chặn đà tăng giá dầu.

Khí tự nhiên giảm

Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm sau khi đạt mức cao nhất 5 tuần do dự báo thời tiết trong 2 tuần tới ít nóng hơn so với dự kiến trước đó.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn New York giảm 2,8 US cent tương đương 1,1% xuống 2,416 USD/mBTU, rời khỏi mức cao nhất kể từ ngày 31/5/2019 trong 2 phiên liên tiếp.

Vàng giảm trở lại

Vàng giảm 1% vào cuối phiên cho dù đầu phiên vẫn tăng, sau khi số liệu công bố cho thấy lạm phát của Mỹ cao hơn so với dự kiến, dấy lên mối hoài nghi về liệu Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất như dự định trước đó.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA (London Bullion Market Association) giảm 1% xuống 1.404,4 USD/ounce, giảm gần 15 USD. Vàng kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn New York giảm 0,4% xuống 1.406,7 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất 1 tuần (1.426 USD/ounce) trong đầu phiên giao dịch.

Đồng tăng tiếp

Giá đồng tăng do đồng USD suy yếu sau khi chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Jerome Powell làm gia tăng kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ, song căng thẳng chiến tranh thương mại đã hạn chế đà tăng.

Giá đồng kỳ hạn trên sàn London tăng 0,3% lên 5.955 USD/tấn sau khi tăng 2% trong phiên trước đó.

Giá đồng tăng do đồng USD suy yếu, song mức tăng bị hạn chế do tăng trưởng chậm hơn tại Trung Quốc, với doanh số bán ô tô có khả năng giảm trong năm 2019. Các nhà kinh tế dự báo, tăng trưởng kinh tế của nước này giảm xuống mức thấp nhất gần 30 năm (6,2%) trong năm nay.

Người đứng đầu chiến lược hàng hóa Ole Hansen thuộc Saxo Bank cho biết: "Thị trường chứng khoán đạt mức cao mới, lợi suất trái phiếu theo xu hướng đồng USD suy giảm và điều này đã giúp giá đồng hồi phục lên mức hiện tại. Giá đồng dao động trong khoảng 5.800-6.100 USD/tấn, do đồng USD giảm khiến kim loại mua bằng đồng bạc xanh rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác".

Thép và quặng sắt giảm tiếp

Giá thép và quặng sắt tại Trung Quốc giảm phiên thứ 2 liên tiếp do nhu cầu yếu, chịu ảnh hưởng bởi doanh số bán ô tô giảm và triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu tại nước tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới – Trung Quốc.

Giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 0,2% xuống 4.017 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tại Thượng Hải giảm 0,4% xuống 3.874 CNY (564,44 USD)/tấn.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Đại Liên giảm 1,2% xuống 866,5 CNY/tấn.

Hiệp hội ngành công nghiệp ô tô lớn nhất Trung Quốc cho biết, doanh số bán ô tô của nước này trong năm 2019 có khả năng sẽ giảm hơn nữa so với dự kiến tăng trưởng bằng 0, sau số liệu cho thấy lĩnh vực này giảm tháng thứ 12 liên tiếp trong tháng 6/2019. Dự kiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay sẽ giảm xuống mức thấp nhất gần 30 năm (6,2%), bất chấp một loạt các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy nhu cầu nội địa trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ.

Cao su duy trì ổn định

Giá cao su tại Tokyo duy trì vững trong bối cảnh lo ngại nguồn cung tăng.

Giá cao su kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn TOCOM không thay đổi ở mức 177,2 JPY (1,64 USD)/kg. Giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn TOCOM tăng 2,5 JPY lên 153,1 JPY/kg.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 0,4% lên 10.735 CNY (1.563,36 USD)/tấn.

Cà phê tăng trở lại, đường giảm

Giá cà phê tăng do đồng real Brazil tăng mạnh, trong khi giá đường giảm.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn ICE tăng 1,05 US cent tương đương 1% lên 1,0695 USD/lb. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn ICE giảm 3 USD tương đương 0,2% xuống 1.427 USD/tấn.

Trong khi đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 giảm 0,12 US cent tương đương 1% xuống 12,38 US cent/lb. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn ICE giảm 3,7 USD tương đương 1,2% xuống 317,7 USD/tấn, sau khi giảm mạnh xuống mức thấp nhất 9 tháng (317 USD/tấn).

Lúa mì cao nhất 1 tuần, ngô và đậu tương tăng

Giá lúa mì Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 tuần sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) giảm dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu trong báo cáo cung cầu hàng tháng. Cụ thể, USDA giảm dự báo sản lượng lúa mì Nga, EU, Australia và Canada niên vụ 2019/20.

Giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Chicago tăng 16-3/4 US cent lên 5,21-1/2 USD/bushel sau khi đạt 5,23 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 1/7/2019.

Giá ngô giao cùng kỳ hạn trên sàn Chicago tăng 9-1/4 US cent tương đương 1,8% lên 4,44-1/4 USD/bushel và giá đậu tương kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn Chicago tăng 4-1/2 US cent lên 8,99 USD/bushel.

Gạo Ấn Độ và Việt Nam tăng, Thái Lan giảm

Giá xuất khẩu gạo Ấn Độ trong phiên vừa qua tăng, được hỗ trợ bởi đồng rupee tăng mạnh, trong khi nguồn cung vụ thu hoạch mới gây áp lực đối với giá gạo Thái Lan, cùng với nhu cầu từ các nước sản xuất gạo lớn suy giảm.

Tại Thái Lan, gạo 5% tấm ở mức 390-404 USD/tấn, FOB giảm so với 395-413 USD/tấn trong phiên trước đó.

Thương nhân gạo có trụ sở tại Bangkok cho biết: "Vụ thu hoạch mới dự kiến sẽ bắt đầu tham gia thị trường vào tháng tới và điều này sẽ khiến giá gạo giảm nhẹ song đồng baht tăng mạnh cũng có nghĩa là giá xuất khẩu gạo vẫn duy trì ở mức cao".

Xuất khẩu gạo của Thái Lan trong nửa đầu năm 2019 giảm 12% xuống 4,2 triệu tấn, bị ảnh hưởng bởi đồng baht tăng mạnh và mục tiêu xuất khẩu gạo của nước này trong năm nay có khả năng giảm xuống 9,5 triệu tấn.

Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm ở mức 374-377 USD/tấn, tăng so với 371-374 USD/tấn trong phiên trước đó, do đồng rupee tăng lên mức cao nhất 11 tháng.

Tại Việt Nam, gạo 5% tấm tăng lên 335-340 USD/tấn so với 330-335 USD/tấn phiên trước đó,

Dầu cọ giảm

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm sau khi tăng trong đầu phiên giao dịch do đồng ringgit tăng mạnh.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Bursa Malaysia giảm 0,4% xuống 1.930 ringgit (468,22 USD)/tấn, phiên giảm thứ 4 liên tiếp.

Đồng ringgit tăng 0,4% so với đồng USD và tăng 1,6% kể từ tháng 6/2019.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 12/7

Thị trường ngày 12/7: Giá dầu, vàng đảo chiều đi xuống, nông sản đồng loạt tăng           - Ảnh 1.
 

Minh Quân