Thị trường ASEAN với thuận lợi về khoảng cách địa lý đang mở ra những cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam

11:27 27/11/2021

Trong bối cảnh dịch COVID-19 có tác động sâu sắc đến chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa giữa các quốc gia, gia tăng chi phí logistics, thị trường ASEAN với thuận lợi về khoảng cách địa lý đang mở ra những cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi thuộc Bộ Công Thương tại Hội thảo quốc tế Giới thiệu quy định quản lý xuất nhập khẩu mới và các cơ hội giao thương với các thị trường ASEAN trong thời kỳ hậu COVID-19 do Vụ Thị trường châu Á-châu Phi tổ chức ngày 26/11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

 Ảnh minh họa.

Theo ông Nam, ASEAN là thị trường xuất khẩu đứng thứ 4 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU).

Năm 2020 do tác động từ dịch COVID-19, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam-ASEAN có sự suy giảm nhẹ, giảm 6,8% so với năm 2019, đạt 53,6 tỷ USD.

Thế nhưng năm 2021, nhờ nỗ lực tìm hiểu, khai thác lợi thế, cơ hội mà khu vực thị trường ASEAN mang lại, thương mại Việt Nam-ASEAN đã phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.

Vì thế, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam-ASEAN trong 10 tháng năm 2021 đạt 56,6 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn mức tăng trưởng xuất nhập khẩu trung bình của Việt Nam với thế giới là 22,6%.

Hơn nữa, với lợi thế ASEAN là thị trường gần gũi giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho bãi, doanh nghiệp cũng được chọn phương thức vận chuyển hàng hóa như vận tải đường biển, đường bộ, hàng không.

Cũng theo ông Nam, mặc dù ASEAN là khu vực thị trường có sự đa dạng về văn hóa nhưng vẫn có sự thống nhất trong tổng thể. Tuy mỗi nước có phong tục tập quán riêng nhưng đều có nền tảng văn hóa nông nghiệp nên thói quen, thị hiếu tiêu dùng gần gũi, giao thoa, có nhiều nét tương đồng. Do đó, hàng hóa của Việt Nam có thể thâm nhập và được ưa chuộng tại thị trường ASEAN, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng cũng như giá thành.

Hiện nay hầu hết các hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước ASEAN đã được hưởng ưu đãi thuế quan 0% theo hiệp định thương mại hàng hóa 0% hoặc được hưởng một số ưu đãi hàng hóa đặc biệt hơn theo một số thỏa thuận song phương mà Việt Nam đã ký với các nước Lào và Campuchia.

Tới đây, các nước ASEAN đẩy nhanh triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch như các cam kết về mở cửa thị trường, đảm bảo các chuỗi cung ứng, thuận lợi hóa thương mại sẽ là điều kiện hết sức thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác hơn nữa tiềm năng khu vực thị trường này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phúc Nam cũng chỉ ra rằng: Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa dành sự quan tâm đúng mức cho thị trường này hoặc chưa nắm bắt được thông tin về thị trường cụ thể, nhất là kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Thực tế cho thấy, các nước ASEAN đang bước vào giai đoạn phục hồi, có nhu cầu lớn trong nhập khẩu hàng hóa. Trong đó có thể kể đến Thái Lan và Singapore. Bởi Thái Lan hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại ASEAN.

P.V