Lan tỏa mạnh mẽ phong trào "Thi đua là yêu nước"

10:37 10/12/2020

Với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X chính thức khai mạc vào sáng nay (10/12) với sự tham dự của 2.300 đại biểu, gồm 280 đại biểu khách mời và 2.020 đại biểu chính thức.

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đại hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2015-2020; đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2020-2025; tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua; tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc; tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Đại hội.

Theo Thủ tướng, 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng chưa từng thấy với nhiều nội dung phong phú, thành tích sinh động, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tiếng hát át tiếng bom.

Chúng ta thấy nhiều hình ảnh cảm động, nhân văn, những tấm gương đa dạng trong cộng đồng, lĩnh vực từ chính trị, lực lượng vũ trang đến người dân, người già, trẻ nhỏ và những tấm lòng đối với đất nước trong lúc khó khăn, bệnh tật diễn ra.

“Chúng ta đã làm được những việc mà thế giới cảm động, khâm phục”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, các phong trào thi đua đã góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, góp phần khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hun đúc ý chí mạnh mẽ khát vọng hùng cường của dân tộc ta. 

“Thi đua giờ đây trở thành điều rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Tinh thần thi đua vượt lên chính mình chính là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển”, Thủ tướng bày tỏ.

Năm 2020 đánh dấu một bước ngoặc lớn trong lịch sử 100 năm gần đây của nhân loại khi đại dịch COVID-19 gây ra những tác hại vô cùng lớn đến kinh tế và sự xáo trộn trong đời sống xã hội của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.

Song, nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của sự hòa quyện giữa "ý Đảng và lòng dân", chúng ta đã thi đua và giành thắng lợi trong việc thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế.

Đến thời điểm hiện nay, khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới bị rơi vào suy thoái sâu, Việt Nam là nền kinh tế vẫn duy trì được tăng trưởng dương. Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, giảm thiểu số người chết và những thiệt hại về kinh tế, an sinh xã hội được bảo đảm, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả ấn tượng.

“Từ đây chúng ta hiểu thêm rằng, mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua”, Thủ tướng nói.

 Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X.

Hơn 2000 đại biểu chính thức là những cá nhân, đại diện tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động qua các thời kỳ, là Chiến sỹ thi đua toàn quốc, cá nhân tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, là những điển hình tiên tiến xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, là người trực tiếp lao động sản xuất trên các lĩnh vực…Với mỗi đại biểu, được dự đại hội lần này là niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng là nguồn động viên to lớn để họ tiếp tục làm việc, cống hiến tốt hơn.

Nhà sáng chế Đinh Phú Hiệp (39 tuổi, đại biểu tỉnh An Giang) chia sẻ: "Lần đầu được dự Đại hội Thi đua yêu nước khiến tôi thấy rất vinh dự và tự hào. Tại đây, có nhiều đoàn đại biểu đến từ nhiều địa phương khác nhau, mỗi đại biểu thể hiện một phong cách và vẻ đẹp riêng. Tôi đã có cơ hội gặp gỡ với nhiều đại biểu. Đặc biệt, khi hát quốc ca cùng với 2.300 đại biểu thì tôi thấy rất xúc động".

Ông Quàng Văn Phích (70 tuổi, nông dân điển hình làm kinh tế giỏi ở bản Thanh Chính, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết: "Tôi rất phấn khởi. Đến đây gặp được nhiều người, tôi cũng sẽ tìm hiểu xem những anh em làm kinh tế giỏi để biết, về nhà mình sẽ áp dụng, cùng bà con phát triển kinh tế của địa phương".

Bà Nguyễn Thị Lan Dung (Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn - Tổng công ty Gia Long, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) mang đến câu chuyện về kinh nghiệm xây dựng doanh nghiệp chế biến, sản xuất các sản phẩm nông sản cho người dân địa phương như dong riềng, rượu nếp Quảng Nguyên, rượu mận Xín Mần, gạo già dui Xín Mần… Chia sẻ về các thành quả đã đạt được của doanh nghiệp sau 20 năm thành lập, bà Nguyễn Thị Lan Dung cho biết: Doanh nghiệp được thành công bước đầu như hôm nay xuất phát từ chính sự cảm thông với nỗi vất vả của bà con trong vùng. "Tâm nguyện của tôi là muốn giúp cho bà con nông dân có điều kiện phát triển kinh tế nên tôi quyết định thành lập ở địa bàn vùng sâu vùng xa. Sau thời gian 20 năm thành lập, công ty của chúng tôi đã kết nối được nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học, bằng cách là bao tiêu những sản phẩm tại địa phương và sản xuất ngay tại địa phương. Nếu là một doanh nhân mà không xuất phát từ tinh thần yêu nước thì sẽ không chọn địa bàn vùng sâu vùng xa để kinh doanh."

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI qua Đại hội Thi đua yêu nước cũng gửi gắm tâm tư: Khát vọng của doanh nhân phải được vun đắp, tạo điều kiện để bùng cháy và tôi nghĩ bây giờ là thời điểm thích hợp nhất, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Với trí tuệ và sự cần cù của người Việt, cơ đồ, tiềm lực và vị thế, uy tín ấy có thể tốt hơn nữa, vẻ vang hơn nữa nếu chúng ta biến được khát vọng hùng cường ấy của toàn dân tộc thành lực lượng vật chất, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân. Đây chính là đội ngũ phải chung tay, kề vai để hiện thực hóa khát vọng hùng cường của đất nước. 

"Khát vọng của doanh nhân phải được vun đắp, tạo điều kiện để bùng cháy và tôi nghĩ bây giờ là thời điểm thích hợp nhất"-DN Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI .

Các doanh nghiệp tư nhân ngày nay kinh doanh không chỉ bằng ý chí. Họ tích lũy được các kinh nghiệm qua nhiều thế hệ và học hỏi kiến thức trên khắp thế giới. Nhưng nhiều khi những góp ý, phản biện của họ lại chưa tới được những người làm chính sách. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng là cơ quan xây dựng chính sách theo hướng dễ, tiện cho việc quản lý, quản tới đâu làm chính sách tới đó, nhiều chính sách không chỉ không đi vào cuộc sống mà còn tạo ra rào cản, chưa nói đến tình trạng “tham nhũng chính sách” mà Thủ tướng nhiều lần cảnh báo, nhắc nhở. Thậm chí, có những bất cập được chỉ ra thì lại có những ý kiến nói rằng “chẳng lẽ chính sách vừa ban hành đã sửa”. Nếu các cơ quan nhà nước không chủ động, chậm trễ trong việc sửa đổi các bất cập sẽ làm nản lòng các doanh nghiệp, làm lụi tàn đi ngọn lửa kinh doanh.

"Điều đáng mừng, một trong những nội dung được nhấn mạnh trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng là đột phá về thể chế, tất nhiên, để hoàn thiện được thể chế là một chặng đường dài và còn rất nhiều việc phải làm - cả về phía các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, người dân" - ông Phú nhấn mạnh.

An Nguyên