Thành phố Hòa Bình: Chậm trễ trong phát triển hạ tầng đô thị

23:55 02/12/2021

Thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình, toàn bộ diện tích hơn 204km2 của huyện Kỳ Sơn nhập vào TP Hòa Bình từ ngày 01/01/2020.

Chân ảnh: mặc dù đã trở thành tổ dân phố gần 2 năm nhưng cổng làng vẫn giữ nguyên tên cũ
Mặc dù đã trở thành tổ dân phố gần 2 năm nhưng cổng làng vẫn giữ nguyên tên cũ.

Sau sáp nhập huyện Kỳ Sơn, TP Hòa Bình có diện tích tự nhiên hơn 348km2 với quy mô dân số khoảng 135.700 người, giáp các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Lương Sơn và thành phố Hà Nội, tỉnh Phú Thọ.

Sau sắp xếp, hiện TP Hòa Bình có 19 đơn vị hành chính gồm 12 phường (Dân Chủ, Đồng Tiến, Hữu Nghị, Kỳ Sơn, Phương Lâm, Tân Hòa, Tân Thịnh, Thái Bình, Thịnh Lang, Thống Nhất, Trung Minh, Quỳnh Lâm) và 7 xã (Độc Lập, Hòa Bình, Hợp Thành, Mông Hóa, Quang Tiến,Thịnh Minh và Yên Mông).

Việc mở rộng ranh giới này mang tính quyết định thay đổi vị thế, mang lại những tiềm năng và cơ hội phát triển mới của TP Hòa Bình, với ranh giới tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và Khu đô thị công nghệ cao Hòa Lạc. Tuy nhiên đã gần 2 năm trôi qua, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH và đời sống dân sinh ở các xã, phường thuộc huyện Kỳ Sơn cũ chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên hầu như chưa có gì thay đổi so với trước khi sáp nhập.

Đường không tên, nhà không số đó là thực trạng đã kéo dài gần 2 năm qua ở các xóm sau khi sáp nhập và đổi thành tổ dân phố thuộc các phường Kỳ Sơn, Trung Minh, Quỳnh Lâm. Hiện tại, đa số những chiếc cổng làng mang tên “UBND xã Dân Hạ, khu dân cư xóm Mỏ”; “UBND xã Trung Minh, Làng Văn hóa xóm Miều”…Đơn cử như xóm Tân Lập, xã Dân Hạ huyện Kỳ Sơn trước đây, nay là tổ 5  phường Kỳ Sơn, do nhà chưa có số nên gần 100 hộ dân chung nhau một địa chỉ “Tổ 5 phường Kỳ Sơn”. Sự chậm trễ này khiến các nhân viên bưu chính và đội ngũ Shipper vô cùng vất vả mỗi khi chuyển thư, bưu phẩm và giao hàng cho khách. Anh Lê Văn Thảo, một Shipper chuyên giao hàng ở khu vực phường Kỳ Sơn phàn nàn: vì đường không có tên, nhà không có số nên giao hàng ở những tổ dân phố mới trên địa bàn phường Kỳ Sơn rất vất vả, hàng chục hộ chung nhau một địa chỉ nên nhiều lần phải vòng đi, vòng lại mới tới đúng địa chỉ nên rất tốn xăng. Tiền điện thoại cũng tăng vọt vì khi gọi cho khách hàng để hỏi địa chỉ còn phải nghe mô tả những địa điểm nổi bật gần nhà họ mới có thể tìm đến được.

Thiếu nước sạch phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày cũng là vấn đề khá bức xúc của dân cư trên địa bàn các phường Trung Minh, Kỳ Sơn và một phần phường Quỳnh Lâm (thuộc xã Sủ Ngòi cũ). Trong thực tế, toàn bộ các hộ  của  phường Trung Minh sinh sống phía bên phải QL 6 theo hướng Hòa Bình – Hà Nội hiện vẫn phải sử dụng nước giếng khoan, giếng đào và đa số là nước tự chay từ khe đồi, khe suối về nhà. Tương tự như ở phường Trung Minh, hàng trăm hộ dân khu vực tổ 5, tổ 6, tổ 7 phường Kỳ Sơn đều phải dùng nước mó dẫn từ khe đồi về. Ông Nguyễn Văn Trung ở tổ dân phố số 6 phường Kỳ Sơn cho biết: sử dụng nước mó rất vất và  bất tiện, hệ thống đường ống tạm bợ nhằng nhít kéo dài 2-3 km, thường xuyên bị trâu, bò phá hỏng. Nguồn nước không ổn định, nhất là vào mùa khô rất khan hiếm dẫn đến mâu thuẫn do tranh giành, tranh chấp các mó nước. Mùa mưa nước nhiều nhưng thường xuyên đục ngầu  bùn đất phải lọc lắng mới sử dụng nước. Về chất lượng nước thì không đánh giá được vì có ai đi kiểm nghiệm đâu, chắc chắn nguồn nước này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và mất rất nhiều thời gian công sức để lắp đặt, sửa chữa, nhưng có nước sử dụng hàng ngày là quý lắm rồi”.

“Đã là công dân của phường nhưng đêm về các ngõ phố đều tối um vì chưa có điện đường, thực tế này không chí ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn tác động xấu đến an toàn giao thông, trật tự trị an trên địa bàn. Thậm chí trên QL 6 khu vực các tổ dân phố 5, 6, 7 chỉ dài hơn 1 km cũng chưa có hệ thống điện công cộng”. Đó là ý kiến phản ánh của bà Nguyễn Thị Yên ở tổ 5 phường Kỳ Sơn về hệ thống điện chiếu sáng trên địa bàn.

Tác động xấu đến mỹ quan đô thị và môi trường sống của các nghĩa trang nhân dân cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Trong thực tế, nhiều năm qua hầu như mỗi xóm trên địa bàn xã Dân Hạ cũ đều có một nghĩa trang riêng trên những gò đồi khá cao (đa số là ở đầu nguồn nước). Do việc quy hoạch và quản lý yếu kém nên đất của nhà ai nhà đó tự xây, tự chọn hướng nên các mộ phần không được sắp xếp quy củ. Theo đó, khi vào những nghĩa trang nhân dân ở đây mọi người đều cảm nhận thấy sự ngổn ngang, lộn xộn, mất đi vẻ trang nghiêm, ngăn nắp cần có. Còn về tác động môi trường thì chẳng mấy ai quan tâm.

Điểm qua một số vấn đề trên cho thấy, sự chậm trễ trong lộ trình phát triển đô thị ở TP Hòa Bình đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh và mỹ quan đô thị trên địa bàn. Dư luận mong muốn, chính quyền Thành phố làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và sớm quan tâm đầu tư các công trình thiết yếu để phố phường có được diện mạo mới và đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Đức Phượng

Tags: