Thanh Hóa: Thu hút hơn 13,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

11:11 10/08/2022

Sau một thời gian tực hiện các chính sachs kêu gọi thu hút đầu tư, lũy kế đến thời điểm hiện tại, Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thanh Hóa thu hút được 671 dự án, trong đó có 605 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 169.333 tỷ đồng và 66 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 13,5 tỷ USD.

Cụ thể, lũy kế đến nay, KKT Nghi Sơn có 264 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư là 149.084 tỷ đồng và 23 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12,8 tỷ USD. Lũy kế giá trị thực hiện đạt 68.051 tỷ đồng và 12,07 tỷ USD; các KCN có 341 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 20.248 tỷ đồng và 43 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư là 783,6 triệu USD. Lũy kế giá trị thực hiện đạt 9.146 tỷ đồng và 433 triệu USD. 

Thanh Hoá có nhiều dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Thanh Hoá có nhiều dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài. (Ảnh: minh hoạ) 

Hiện nay, tỉnh Thanh Hoá đang tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp giai đoạn 2021-2025. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định 371/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư, tỉnh kêu gọi 87 dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật, du lịch và dịch vụ, năng lượng…, với tổng mức đầu tư hơn 36,5 tỷ USD. Trong đó, có gần 50 dự án tập trung vào KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo có các dự án Nhà máy sản xuất giấy và năng lượng (tại KKT Nghi Sơn) có quy mô 10 tấn bột giấy/năm, 1,2 triệu tấn giấy tissue/năm và nhà máy điện sinh khối 250MW, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3 tỷ USD; dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, máy tính (KCN Lam Sơn – Sao Vàng, KKT Nghi Sơn), tổng mức đầu tư dự kiến 250 triệu USD; dự án các Nhà máy may mặc, da giầy, các sản phẩm công nghiệp (tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD; dự án Nhà máy sản xuất xơ, sợi tổng hợp (KKT Nghi Sơn), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD…

Lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật có dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN số 20-KKT Nghi Sơn (có diện tích 783ha tại KKT Nghi Sơn), tổng mức đầu tư dự kiến 250 triệu USD; dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN số 21-KKT Nghi Sơn (539ha tại KKT Nghi Sơn), tổng mức đầu tư dự kiến 200 triệu USD; dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN số 19-KKT Nghi Sơn (918 ha tại KKT Nghi Sơn), tổng mức đầu tư khoảng 350 triệu USD; dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN – Đô thị - Dịch vụ phía Tây TP. Thanh Hóa (1.200ha tại KCN phía Tây TP. Thanh Hóa), tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD…

Lĩnh vực năng lượng, môi trường có dự án Tổ hợp các Nhà máy điện gió (KKT Nghi Sơn) có quy mô 200MW, với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD; dự án Trung tâm khí thiên nhiên hoá lỏng Nghi Sơn (KKT Nghi Sơn), với tổng mức đầu tư dự kiến 12,8 tỷ USD; dự án Nhà máy điện khí LNG (KKT Nghi Sơn), với tổng mức đầu tư 21 tỷ USD, trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 3 tỷ USD

Lĩnh vực du lịch, dịch vụ có dự án Khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ (tại KKT Nghi Sơn), với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 900 triệu USD; Trung tâm Logistics (tại KCN Lam Sơn – Sao Vàng, huyện Thọ Xuân), tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 40 triệu USD…

Với mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hóa phải trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đặc biệt, Thanh Hóa phải là cực tăng trưởng mới; nằm trong tứ giác tăng trưởng: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hoá, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí vốn ngân sách, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KKT Nghi Sơn và các KCN theo hướng đồng bộ, hiện đại; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN, gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, ưu tiên các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã và đang đầu tư vào khu vực này, góp phần xây dựng, phát triển KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm công nghiệp-đô thị-dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước; phát triển sôi động KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, công nghiệp chế biến, chế tạo; là đầu mối quan trọng, nơi trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, hợp thành tứ giác phát triển phía Bắc Tổ quốc và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ngọc Lâm