Thanh Hóa cam kết luôn đồng hành, là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp Hàn Quốc

15:17 25/03/2022

Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất; đối tác thương mại lớn thứ ba; đối tác phát triển ODA, lao động và du lịch lớn thứ hai của Việt Nam; giao lưu nhân dân diễn ra nhộn nhịp. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương, quan hệ giữa các đối tác Hàn Quốc và địa phương Việt Nam, trong đó có Thanh Hóa ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu.

Tỉnh Thanh Hóa có nhiều thuận lợi thu hút đầu tư

Tỉnh Thanh Hóa có nhiều thuận lợi thu hút đầu tư.

Hàn Quốc đầu tư 37 dự án với tổng vốn 1,6 tỷ USD vào Thanh Hóa  

Tại tỉnh Thanh Hóa, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đến nay tỉnh Thanh Hóa có 37 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Hàn Quốc liên doanh với Nhật Bản, chiếm 26,5% tổng số các dự án FDI của tỉnh Thanh Hóa, các dự án có tổng vốn đăng ký khoảng 1,6 tỷ USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu là dự án Nhiệt điện Nghi Sơn II, Tập đoàn Kepco (Hàn Quốc) liên doanh với Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản), (trong đó vốn đầu tư của Hàn Quốc 1,39 tỷ USD); lĩnh vực may mặc có 21/37 dự án. Một số dự án triển khai hiệu quả như: Nhà máy may Winners Vina Nga Sơn; Công ty TNHH Namyang International; Nhà máy may công nghiệp S&H ViNa; Nhà máy sản xuất dây cáp điện ô tô của Tập đoàn THN(Hàn Quốc)...góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách địa phương.

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận nguồn vốn Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Hàn Quốc để thực hiện 5 dự án ODA với tổng vốn là 93,5 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực y tế, giáo dục, lĩnh vực giao thông, phát triển đô thị. Ngoài ra, từ nguồn Viện trợ Phi chính phủ (NGO), các nhà tài trợ Hàn Quốc đã triển khai 13 dự án tại Thanh Hóa với tổng giá trị giải ngân đạt 1,841 triệu USD.

 “Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh”

Tại hội nghị gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Với phương châm: “Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh”; tỉnh Thanh Hóa cam kết luôn đồng hành, là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh; tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống quy hoạch, cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút FDI, đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và chiến lược phát triển của tỉnh. Đối với những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trong phạm vi của tỉnh, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết nhanh, dứt điểm; còn đối với các vấn đề liên quan đến các cơ quan Trung ương, tỉnh sẽ tiếp thu và cùng đồng hành để có kiến nghị kịp thời.

Mong rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư; sử dụng đất được giao tiết kiệm và hiệu quả; đẩy mạnh đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, khai thác tốt thị trường nội địa và xuất khẩu; đồng thời, quan tâm chăm lo đến đời sống người lao động trong doanh nghiệp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động để doanh nghiệp và tỉnh tiếp tục đồng hành và phát triển bền vững.

Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, ông Cao Tiến Đoan – Chủ tịch, cam kết sẽ đồng hành và là cầu nối giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp, hỗ trợ tích cực, giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh một cách thuận lợi nhất.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang quan tâm đầu tư vào Thanh Hóa

Tham dự Hội nghị gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc, Ngài Park Noh-wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh: Thanh Hoá là trung tâm của ngành công nghiệp hoá dầu, có Khu kinh tế Nghi Sơn, cảng biển chuyên dụng. Nơi đây cũng là địa điểm thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện với công suất 1200MW, với sự tham gia của Tập đoàn điện lực Hàn Quốc và Doanh nghiệp công nghiệp nặng Doosan. Đây còn là khu vực trẻ và năng động với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 64% tổng dân số. Đặc biệt, năm 2021, ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hoá vẫn đạt mức 8,85%.

Ngài Park Noh-wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Ngài Park Noh-wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Nhằm hỗ trợ sự phát triển của tỉnh Thanh Hoá - nơi có tiềm năng tăng trưởng lớn như vậy, trong thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện dự án EDCF với quy mô khoảng 120.000.000 USD như dự án phát triển nguồn nước, dự án phát triển kinh tế xã hội, và dự án KOICA. Điển hình như dự án hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý nguồn nước sông Mã với quy mô 9.000.000 USD.

Trong thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến tích cực xem xét các dự án ODA tại khu vực miền Trung nhằm hỗ trợ sự phát triển cân bằng của Việt Nam. Do đó, ngài đại sứ mong muốn tỉnh Thanh Hoá tích cực trao đổi với KOICA và cơ quan đại diện Hàn Quốc tại Việt Nam như Ngân hàng xuất nhập khẩu về các lĩnh vực cần thiết hợp tác với Chính phủ Hàn Quốc.

Ngài đại sứ cho biết, trong thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, hoạt động nhiều chủ yếu ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam, và hiện nay cũng đang dần dần cũng có kế hoạch mở rộng khu vực đầu tư ra miền Trung. Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đang dành quan tâm và xem xét lựa chọn Thanh Hoá là điểm đầu tư tiềm năng. Do đó, sự kiện này được tổ chức là cơ hội tốt để cho các doanh nghiệp Hàn Quốc nhận thấy tỉnh Thanh Hoá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và địa phương đã sẵn sàng cho các kế hoạch hợp tác mới.

Cũng tại buổi gặp gỡ Thanh Hóa – Hàn Quốc, Giám đốc Văn phòng KOICA Việt Nam- Cho Han Deok chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ dễ dàng tìm kiếm được các cơ hội hợp tác giữa cơ quan KOICA và tỉnh Thanh Hoá khi chúng ta hiểu rõ những lĩnh vực và chiến lược hoạt động chính của KOICA. Đối với tỉnh Thanh Hoá, việc nuôi dưỡng nhân lực công nghiệp là rất quan trọng để tăng trưởng bền vững cho tỉnh nhà. Theo phân tích của Viện nghiên cứu Hàn Quốc, tại giai đoạn phát triển công nghiệp hiện nay ở Việt Nam, tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp cơ bản như cơ khí, đúc, hàn là rất lớn, nhu cầu nhân lực là rất cao nhưng có không đủ nhân lực được đào tạo lành nghề trong lĩnh vực này. Tôi nghĩ rằng, tỉnh Thanh Hoá cần tiếp cận với chiến lược nuôi dưỡng nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp cơ bản để tạo ra nền tảng phát triển cho tỉnh nhà. Từ đó giúp nâng cao tỷ lệ xin việc của thanh niên trong tỉnh đồng thời đáp ứng nhu cầu của ngành nghề”.

Giám đốc Văn phòng KOICA Việt Nam – Cho Han Deok nhấn mạnh: “Hiện tại, từ năm 2020 đến năm 2024, chúng tôi đang xúc tiến một dự án hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin quản lý tài nguyên nước toàn diện Sông Mã tỉnh Thanh Hoá trị giá 9 triệu đô la. Dự án này thiết lập một hệ thống đo lượng nước theo thời gian thực dựa trên thông tin vị trí và một hệ thống hỗ trợ ra quyết định khoa học dựa trên DB (DSS) cho ba con sông lớn của Việt Nam (tổng chiều dài 512km / 28.400km2 ở khu vực đầu nguồn) để ① thiết lập dự báo nhu cầu nước và cung cấp nước thích hợp, ② quản lý an toàn lũ lụt / hạn hán, ③ hỗ trợ giảm thiệt hại do xâm nhập mặn.

Tỉnh Thanh Hoá được biết đến là tỉnh đông dân thứ 3 trong số 63 tỉnh thành của Việt Nam. Dân số đông đồng nghĩa với lượng rác thải lớn, vì vậy chúng tôi đánh giá rằng cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ hiệu quả vấn đề rác thải ở tỉnh. Do đó, nếu tỉnh Thanh Hóa xem xét và thấy rằng cần hợp tác trong các lĩnh vực như lập quy hoạch tổng thể cho thành phố thông minh hay hệ thống xử lý rác thải, tôi nghĩ chúng ta có thể cùng KOICA xem xét các phương án hợp tác”.

Ông Choi Jung Ho, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Hàn Quốc tại Việt Nam, Giám đốc Tài chính công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 phát biểu tại hội nghị
Ông Choi Jung Ho, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Hàn Quốc tại Việt Nam, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 phát biểu tại hội nghị.

Cũng tại buổi gặp gỡ, ông Choi Jung Ho, Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện Nghi Sơn 2 nói: “Cá nhân tôi đã theo dự án này từ thời điểm chuẩn bị đấu thầu năm 2010, tính đến nay là 12 năm gắn bó với dự án, nên tôi rõ hơn ai hết nỗ lực và hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa đối với nhà đầu tư và dự án này. Xin gửi lời cám ơn chân thành nhất đến Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, nếu không có sự hỗ trợ của tỉnh thì sẽ không có dự án ngày hôm nay.Đối với tôi Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa là những lãnh đạo địa phương tuyệt vời nhất trên phương diện hỗ trợ nhà đầu tư nhanh chóng và thực chất”.

Trong giai đoạn xây dựng nhà máy chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ đường dây chuyền tải chậm tiến độ, đây không phải là vấn đề của tỉnh Thanh Hóa nhưng tỉnh Thanh Hóa đã đứng ra giải thích, thuyết phục các địa phương lân cận. Nhờ đó EVN đã hoàn thành Dự án xây dựng đường dây chuyền tải sớm hơn kế hoạch.

Hơn thế nữa trong đại dịch Corona, tỉnh Thanh Hóa đã có những chỉ đạo sát sao và kịp thời giúp cho dự án Nghi Sơn 2 không bị ảnh hưởng tiến độ xây dựng. Dự án Nghi Sơn 2 là dự án do Nhà đầu tư nước ngoài xây dựng và trực tiếp vận hành trong 25  năm tiếp theo. Chúng tôi đã nỗ lực xúc tiến dự án và cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để Dự án này trở thành một dự án đầu tư nước ngoài tiêu biểu tại Việt Nam với hy vọng dự án này sẽ trở thành người bạn đồng hành với tỉnh Thanh Hóa.

Hiền Minh