Thanh Hóa: Biến mất 20,6ha rừng đặc dụng, ai chịu trách nhiệm?

13:42 16/07/2021

Đến tháng 6/2021, Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng vẫn chưa báo cáo lý do vì sao 20,6ha rừng đặc dụng lại bị “xóa sổ"???

Từ năm 1999, rừng đặc dụng Hàm Rồng đã được Chính phủ đưa vào diện quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt, giao cho Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng quản lý.

Rừng đặc dụng Hàm Rồng đã được Chính phủ đưa vào diện quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt

Rừng đặc dụng Hàm Rồng đã được Chính phủ đưa vào diện quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng ngang nhiên khai thác gỗ trái phép, khiến nhiều diện tích rừng đặc dụng bị đốn hạ, “lá phổi xanh” của thành phố Thanh Hóa đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Thông tin ban đầu cho biết, tháng 3/2021, Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng thành phố Thanh Hóa đưa ra báo cáo cho biết, diện tích rừng đặc dụng tại Hàm Rồng giảm 20,6ha.

Đây là số diện tích không hề nhỏ, lại "biến mất" trong thời gian ngắn. Thực tế này đang gióng lên hồi chuông báo động, đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của những người có trọng trách bảo vệ rừng.

Được biết, Hạt Kiểm lâm thành phố Thanh Hóa ngay sau đó đã yêu cầu Ban Quản lý Hàm Rồng cung cấp hồ sơ phân định ranh giới rừng; hồ sơ pháp lý, cập nhật diễn biến rừng tại đây.

Đáng nói là đến thười điểm đầu tháng 6/2021, Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng vẫn chưa cập nhật lại diện tích rừng, cũng không báo cáo lý do vì sao 20,6 ha rừng đặc dụng lại bị “xóa sổ” trong báo cáo cập nhật về diện tích rừng.

Do đó, Hạt Kiểm lâm TP. Thanh Hóa có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa đề nghị chỉ đạo Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, cập nhật lại, làm rõ diện tích rừng đặc dụng tại Hàm Rồng bị thiếu hụt lớn.

Tại văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa ngày 24/6/2021, Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng cho biết, đã thuê một doanh nghiệp xác định ranh giới và cắm mốc ranh giới rừng đặc dụng Hàm Rồng. Doanh nghiệp này báo cáo, số liệu diện tích rừng đặc dụng Hàm Rồng có khác so với số liệu hiện trạng rừng do tỉnh Thanh Hóa công bố năm 2020.

Thông tin với báo chí, ông Trịnh Huy Triều - Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa cho biết, sau khi Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng báo cáo số liệu về rừng đặc dụng ở Di tích lịch sử Hàm Rồng giảm 20,6ha, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo phòng chuyên môn kiểm tra, đo đạc chính xác diện tích rừng để công bố diễn biến hiện trạng rừng theo quy định.

Trước đó, hồi tháng 3/2021, tại khu rừng này đã xảy ra tình trạng bị khai thác, chặt phá trái phép. Lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện ông Lê Văn Đông (trú tại phố 8, phường Đông Cương, TP. Thanh Hoá) đang có hành vi thuê người vào khai thác cây gỗ trong khu vực rừng đặc dụng Hàm Rồng.

Trước vụ việc nêu trên, lực lượng chức năng đã đề nghị ông Đông đưa người và phương tiện ra khỏi rừng, không được thực hiện khai thác khi chưa có cấp thẩm quyền cho phép.

Tuy nhiên, ông Đông không những không hợp tác, không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng mà còn có thái độ thách thức cơ quan chức năng. Ông Đông đã cố tình cho người dùng cưa xăng chặt hạ 7 cây keo, đường kính từ 12-20cm, khối lượng 0,529m3.

Liên quan đến vụ việc trên, thành phố Thanh Hóa cũng đã có công văn báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa, các ngành chức năng có liên quan.Tình trạng khai thác rừng trái phép diễn ra gây mất an ninh trật tự và tạo bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và việc thực hiện quy hoạch bảo tồn, phát triển rừng đặc dụng Hàm Rồng của thành phố.

Ngân Phương