Thanh Hóa: Áp dụng công nghệ 4.0, nỗ lực phục hồi và phát triển ngành du lịch

10:54 24/12/2021

Thời gian vừa qua, sự bùng nổ của đại dịch Covid- 19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển chung của kinh tế, trong đó có ngành du lịch. Tại Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động và phát triển cầm cự. Trước thực trạng đó, Thanh Hóa đang tập trung triển khai, đề xuất nhiều giải pháp để sớm khôi phục lại hoạt động du lịch bằng các biện pháp, trong đó có phát triển du lịch Thanh Hóa thông qua chuyển đổi số và du lịch thông minh.

Thanh Hóa là một địa phương có thế mạnh về ngành du lịch với một quần thể di tích và nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, giàu giá trị và đa dạng, trong đó nhiều lễ hội có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử, văn hóa, có tác dụng tích cực trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, đáp ứng một phần đời sống tinh thần của người dân và phát triển du lịch văn hóa. Ngoài ra, xứ Thanh còn có thể khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa phi vật thể để phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt nơi đây còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú đặc địa, tạo ra sự hấp dẫn riêng biệt trong sổ tay  du lịch của du khách.

Với tiềm năng lớn đó, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Đây cũng là cơ hội mới cho du lịch Thanh Hóa cất cánh. 

Du lịch Pù Luông một sự lựa chọn hoàn hảo để du khách đến với những thửa ruộng bậc thang đẹp và nên thơ không kém gì Tây Bắc
Du lịch Pù Luông một sự lựa chọn hoàn hảo để du khách đến với những thửa ruộng bậc thang đẹp và nên thơ không kém gì Tây Bắc. (Ảnh: minh hoạ)

Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch, cũng là một trong nhưng nguyên nhân dẫn tới 2 năm gần đây, du lịch Thanh Hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đạt mục tiêu của nghành kinh tế mũi nhọn.

Thực tế hiện nay, Thanh Hóa có gần 700 doanh nghiệp và hơn 300 hộ kinh doanh cá thể kinh doanh về lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, đa phần các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn, bế tắc trong mọi hoạt động. Đã có nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, có một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí phá sản, dẫn đến doanh thu toàn nghành trong năm trên địa bàn giảm mạnh.

Theo thống kê của Sở VH-TT-DL, lượng khách đến Thanh Hóa trong 9 tháng năm 2021 giảm mạnh. Cụ thể, tổng lượt khách ước đạt 3,1 triệu lượt (giảm 51,5% so với cùng kỳ năm 2020), đạt 26,9% kế hoạch; tổng thu du lịch đạt 4.617,94 tỉ đồng (giảm 46,4% so với cùng kỳ), đạt 20,2% kế hoạch.

Trước thực trạng đó, Thanh Hóa đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm khôi phục, tiếp sức cho nghành du lịch trong bối cảnh đại dịch. Thanh Hóa đang tập trung triển khai, đề xuất nhiều giải pháp để sớm khôi phục lại hoạt động du lịch. Điển hình như Hội nghị kích cầu du lịch Thanh Hóa tại Hà Nội; đề xuất chủ trương tổ chức Lễ phát động “Tôi yêu Thanh Hóa”; ban hành Kế hoạch liên kết phát triển du lịch 4 tỉnh miền Trung là Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình; phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp khôi phục du lịch Thanh Hóa trong trạng thái bình thường mới; xây dựng các điểm đến an toàn để liên kết với các địa phương khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng hành trình kết nối; kiểm tra lại năng lực và khả năng đón khách an toàn của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh… hướng tới xây dựng hành lang điểm đến an toàn để dần mở cửa du lịch nội địa, theo lộ trình lộ trình "mở cửa" hoạt động du lịch từng bước, theo tiêu chí "an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn", hướng tới đón khách du lịch trong nước và quốc tế khi đạt được "miễn dịch cộng đồng" với độ bao phủ của vắc xin phòng COVID-19 trong cả nước và trên thế giới. 

Thành Nhà Hồ - một di tích lịch sử còn nhiều bí ẩn đối với du khách ưa khám phá lịch sử
Thành Nhà Hồ - một di tích lịch sử còn nhiều bí ẩn đối với du khách ưa khám phá lịch sử. (Ảnh: Phương Nam)

Cùng với đó,Thanh Hóa khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển du lịch, trong đó tập trung hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký mã QR trong việc khai báo y tế, quản lý khách; ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường trong việc giới thiệu quảng bá các khu, điểm du lịch; khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, giao dịch online; giới thiệu, chào bán dịch vụ trên môi trường mạng… mục tiêu xây dựng sản phẩm phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch Thanh Hóa”, kết nối cung cầu để giới thiệu sản phẩm truyền thống, sản phẩm du lịch.

Đồng thời phối hợp với  Tổng cục Du lịch và Tổng Công ty Viễn thông Mobifone - nhà cung cấp sản phẩm du lịch thông minh, để đặt hàng sản phẩm công nghệ Smart travel platform. Smart travel platform là tạo dựng và đưa vào ứng dụng sản phẩm du lịch AR – trải nghiệm thực tế tăng cường và du lịch VR 360 – du lịch qua màn ảnh nhằm  đáp ứng kịp thời các yêu cầu của khách du lịch. Đồng thời, nâng cao chất lượng trải nghiệm, chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm bằng cách tạo thêm các giá trị gia tăng thông qua các sản phẩm công nghệ tại điểm du lịch; nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch và mở ra cơ hội để tiếp tục số hóa và nâng tầm chất lượng, giá trị các điểm đến trọng điểm của Thanh Hóa như Sầm Sơn, Hải Tiến, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Bến En, Pù Luông, suối cá Cẩm Lương... nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Có thể khẳng định, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch với những tiện ích “hình thành hệ sinh thái du lịch” và tạo sự tương hỗ giữa ba đối tượng: khách du lịch - cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Theo đó, đối với khách du lịch sẽ hỗ trợ tra cứu thông tin nhanh chóng, chính xác, nâng cao trải nghiệm, tiết kiệm thời gian, chi phí, tương tác trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu. Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp kinh doanh du lịch thông qua việc tương tác chăm sóc, phục vụ, đảm bảo an toàn cho du khách, tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới lạ, độc đáo; tự động hóa quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng; cắt giảm chi phí vận hành, tăng liên kết theo hệ thống, kiểm soát chất lượng dịch vụ; hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong hoạt động tiếp thị, quảng bá trực tuyến; tiếp thị, tư vấn, bán hàng, chăm sóc khách hàng qua nền tảng trực tuyến, kết hợp thương mại điện tử… Và với cơ quan quản lý nhà nước, chuyển đổi số tăng hiệu quả quản lý điểm đến, nâng cao chất lượng quản lý dịch vụ, hiện đại và chuyên nghiệp hóa công tác quảng bá, giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính và các phản ánh, kiến nghị của khách du lịch. 

Biển Sầm Sơn là địa điểm du lịch biển tiềm năng bậc nhất Thanh Hoá
Biển Sầm Sơn là địa điểm du lịch biển tiềm năng bậc nhất Thanh Hoá. (Ảnh: minh hoạ)

Theo nhận xét của Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa thì Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng du lịch lớn nhưng việc khai thác nhằm nâng cao vị thế ngành du lịch vẫn chưa tương xứng. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên thì sự hạn chế trong chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh là một “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ, trong đó, Thanh Hóa cũng xác định chuyển đổi số ngành du lịch vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp đột phá để thu hút du khách và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hiện nay, ngành du lịch Thanh Hóa đang tiến hành triển khai dự án xây dựng “Cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tại tỉnh Thanh Hóa”, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả các chủ thể liên quan… Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của du lịch Thanh Hóa.

Có thể nói, các giải pháp kích cầu du lịch, nhằm đánh thức, phục hồi thị trường du lịch, ngoài các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, thì ứng dụng công nghệ số  phục vụ quản lý, xúc tiến quảng bá du lịch hiện là xu thế có khả năng thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch nói chung cũng như ngành du lịch Thanh Hóa nói riêng. Đây cũng là một giải pháp cơ bản và cũng là một yêu cầu tất yếu để du lịch Thanh Hóa có thể cất cánh phát triển tương xứng với tiềm năng, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của ngành kinh tế mũi nhọn mà Nghị quyết  58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

Ngọc Lâm